Từ bến phà Bình Khánh thuộc địa phận huyện Cần Giờ (Tp.HCM), xe ô tô chạy bon bon trên con đường Rừng Sác được chừng hơn 12 cây số là đã đến ngã ba Tam Thôn Hiệp rồi rẽ trái chạy thêm một đoạn ngắn là bắt đầu đặt chân vào vùng trung tâm nuôi chim yến ở hai xã Tam Thôn Hiệp và An Thới Đông.
“Lên đời” với chim yến
Gọi Tam Thôn Hiệp là “thủ phủ” nuôi chim yến cũng không ngoa bởi địa phương này hiện có 199 nhà nuôi chim yến (trong đó có 116 nhà yến cho thu hoạch sản lượng trung bình khoảng 650 - 720 kg/tháng), chiếm đến 80% số nhà nuôi chim yến của Cần Giờ và cũng là “cái nôi” xuất phát phong trào nuôi chim yến ở Tp.HCM.
Nhà cửa ở hai bên đường vào trung tâm xã Tam Thôn Hiệp và An Thới Đông khá khang trang dù nằm ở địa bàn thuộc vùng sâu vùng xa của Tp.HCM. Tuy ở vùng duyên hải, nhưng từ khi được tập trung xây dựng nông thôn mới nên mạng lưới giao thông, thoát nước, hệ thống điện, viễn thông, chợ, trường học, trạm y tế… của hai xã đã được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh.
Xã Tam Thôn Hiệp được đánh giá là đã “lên đời” nhờ trở thành “đại bản doanh” nghề nuôi chim yến ở Cần Giờ. Nằm kề cận với xã này là xã An Thới Đông với hoạt động nuôi chim yến cũng nhộn nhịp không kém trong nhiều năm qua.
Để đảm bảo nghề nuôi yến phát triển bền vững, bà Nguyễn Thị Đẹp, Chủ tịch UBND xã Tam Thôn Hiệp, cho biết nghề nuôi yến địa phương sẽ có mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, định hướng của xã là làm nông nghiệp sạch, kỹ thuật cao, nghề nuôi yến địa phương sẽ có mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Hơn nữa, ở xã còn hỗ trợ vốn, hướng dẫn thủ tục cho nông dân triển khai xây dựng xưởng chế biến tổ yến, giảm xuất tổ yến thô để nâng cao giá trị sản phẩm. Xã cũng có nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ yến như nước, cháo, bánh, bia…
Còn ở xã An Thới Đông hiện nay đã có nhiều đổi thay nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Là xã vùng ven, xuất phát điểm thấp, tuy mới triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2013 nhưng hai năm sau, An Phú Đông đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.
“Thủ phủ” nuôi chim yến ở xã Tam Thôn Hiệp |
Liên kết nuôi trồng thuỷ sản
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã An Thới Đông không thể không nhắc đến dấu ấn của HTX Thuận Yến với “đại bản doanh” nằm trên con đường Tam Thôn Hiệp.
Nằm trên địa bàn xã An Thới Đông, HTX Thuận Yến chuyên về dịch vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp, tổ yến, khô các loại thu lợi nhuận kinh tế cao.
Hiện, HTX có 8 ha diện tích sản xuất với 2 nhà yến đang khai thác có sản lượng khá cao. Bên cạnh đó, HTX cũng phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản luân chuyển giữa hai đối tượng là cá dứa và tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghệ cao.
Ngành, nghề sản xuất kinh doanh của HTX Thuận Yến là nuôi trồng thủy sản, xây và tư vấn kỹ thuật nhà yến, tổ yến, khô các loại.
Hiện nay, HTX đang xây dựng thương hiệu nhãn hàng yến sào Thuận Yến trên cơ sở tổ chức gia công, chế biến sản phẩm yến thô của các thành viên HTX.
HTX đã hỗ trợ sản xuất cho thành viên bằng cách ứng vốn trước bằng con giống và vật tư nuôi trồng với tiêu chí “bán lẻ theo giá sỉ”, giúp các thành viên an tâm đầu tư sản xuất.
HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm do các thành viên sản xuất ra như tôm thẻ chân trắng, yến sào theo giá thương lái tại thời điểm thu hoạch sản phẩm, cá dứa được mua theo quy cách 800g/con, lấy giá bán bình quân của năm trước làm giá thu mua cho năm sau.
Trong trường hợp giá thị trường tăng giảm đột biến thì đôi bên sẽ thương lượng giá để phù hợp với lợi ích của các thành viên, từ đó yên tâm sản xuất đảm bảo đầu ra và nguồn lợi nhuận.
Được biết, HTX Thuận Yến đang áp dụng mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ Biofloc nên sẽ đẩy mạnh kết nối với các công ty và doanh nghiệp theo chuỗi liên kết và cung ứng để mở rộng sản xuất cho các thành viên của HTX và những hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Thanh Loan