HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn (Quảng Nam) đang có 600 đàn ong nhưng việc tiêu thụ mật ong còn gặp những khó khăn nhất định, nhu cầu thị trường chưa cao, kỹ năng bán hàng của thành viên còn thấp nên chưa tạo ra sự ổn định.
Cạnh tranh khốc liệt
Chị Trần Thị Hoàng Anh, HTX Nông nghiệp và Thương mại Dịch vụ Gia Lai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho rằng, HTX có 10.000 đàn ong và sản lượng mật cung ứng ra thị trường lên đến 500 tấn/năm. Dù vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu nhưng vị giám đốc này cho rằng việc xuất khẩu mật ong rất khắt khe, thị trường cạnh tranh rất khốc liệt.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có sản lượng mật ong lớn trên thế giới, khoảng 64.000 tấn/năm. Nhưng dù chỉ là một lít hay một giọt mật ong khi xác định xuất khẩu cũng phải đạt rất nhiều quy định.
“HTX phải kiểm soát và có nguồn gốc rõ ràng về thức ăn cho ong. Riêng kháng sinh là điều tối kỵ và đã cấm rất nhiều loại. Mật ong xuất khẩu sang Hàn Quốc phải đạt tiêu chuẩn KFDA, xuất sang EU phải có chứng chỉ GMA…”, Giám đốc HTX Gia Lai cho biết.
Chuẩn hóa quy trình để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm là cách tốt nhất trong xuất khẩu mật ong. |
Chị Thanh Trúc, Đại diện thương hiệu mật ong Mother Nature, cho biết hiện mật ong của đơn vị đã đạt tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm, Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm.
“Những điều này đều thể hiện trong hồ sơ công bố, có kèm bản test gửi khách hàng. Nhưng hiện khách hàng lại yêu cầu thêm về SPEC, nên đơn vị chưa biết phải làm như thế nào”, chị Thanh Trúc cho biết.
Có thể thấy, những quy định xuất khẩu mật ong của các nước hiện rất khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Do đó, các đơn vị sản xuất, xuất khẩu cũng đang đứng trước không ít khó khăn.
Theo Th.s Trần Ngọc Khiêm, Đại học nông lâm - Đại học Huế, việc các nước có quy định nghiêm ngặt về mật ong khi xuất khẩu một phần là do một số thị trường trên thế giới đã tìm ra trong mật ong có một số kim loại nặng. Điều này có thể do vô tình vì trong quá trình nuôi ong dù là tự nhiên nhưng các vùng thức ăn có thể nằm gần những nhà máy nên dẫn tới nguồn thức ăn bị nhiễm kim loại.
Do đó, tại châu Âu, mật ong Việt Nam xuất sang đây phải bắt buộc ghi nhãn mác xuất xứ để đảm bảo mật ong không bị làm giả, có thể truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận thương mại. Còn riêng yêu cầu về SPEC là các thông số kỹ thuật, nơi nào cung cấp cho đơn vị sản xuất mật ong các tiêu chuẩn chứng nhận thì cũng đều phải cung cấp đầy đủ thông tin cho đối tác để đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Minh bạch xuất xứ
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mật ong Việt Nam có nhược điểm là thủy phần cao. Trong khi việc áp dụng công nghệ, máy móc vào việc xử lý, sơ chế mật ong mới chỉ được thực hiện ở một số doanh nghiệp, HTX.
Do đó, mật ong Việt xuất khẩu nhưng phần lớn mới ở dạng thô, giá trị kinh tế thu về không cao, chưa đến 4 USD/kg. Điều này cũng dẫn đến tình trạng mật ong Việt Nam bị các đơn vị phân phối ở nước ngoài mua về rồi đầu tư công nghệ xử lý, dán nhãn mác mới, xong xuất ngược về Việt Nam với giá cao.
Ngược lại có những đơn vị hiện đã đầu tư làm mật ong lên men. Tuy nhiên, hầu như các đơn vị chưa kiểm tra hàm lượng vi sinh vật sau khi kết thúc lên men nhưng vẫn gắn mác probiotic cho sản phẩm, chưa có những nghiên cứu phân tích các vi sinh vật gây độc có trong sản phẩm như E.Coli, Salmonella, Botulinum, areus... hay các kim loại nặng, sự chuyển hóa mật ong thành các chất như thế nào. Trong khi thế giới, dù là sản phẩm mật ong lên men nhưng họ chứng minh một cách rất rõ về những vấn đề này.
Ngay như việc mật ong để trong tủ lạnh sau một thời gian bị kết tinh hiện cũng chưa có phương án trả lời thực sự thuyết phục. Mỗi đơn vị sản xuất, thương mại mật ong đều có những cách lý giải khác nhau nhưng chưa căn cứ vào các nghiên cứu khoa học. Điều này càng khó thuyết phục khách hàng, nhất là những nhà nhập khẩu. Trong khi vấn đề nổi cộm tại Việt Nam là tình trạng làm giả, làm nhái mật ong vẫn chưa được kiểm soát.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng thị trường xuất khẩu mật ong luôn cạnh tranh gay gắt và biện pháp chống bán phá giá là đặc trưng của một số nước, nhất là Mỹ.
Do đó, cần đa dạng thị trường để tránh tình trạng bị phụ thuộc bởi 90% mật ong của Việt Nam hiện nay là dùng để xuất khẩu nhưng cũng có đến hơn 90% mật ong xuất khẩu là vào thị trường Mỹ. Thời gian gần đây, việc xuất khẩu mật sang thị trường này giảm chủ yếu do bị áp thuế cao.
Muốn đa dạng được thị trường, việc quan tâm thị hiếu, nhu cầu thị trường của từng nước được coi là yếu tố quan trọng. Nếu như Hàn Quốc, Trung Quốc không thích mật ong kết tinh, thì thị trường châu Âu, Mỹ ưa chuộng mật kết tinh.
Hay khi xuất khẩu mật ong sang một số thị trường Halal, các HTX, doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng ong bản chất là thụ phấn. Chính vì vậy, mật ong không phải là sản phẩm thuần chay vì việc thu hoạch mật ong liên quan đến khai thác lao động và sức khỏe của ong. Quá trình này có thể gây căng thẳng và tổn thương cho ong, thậm chí ong có thể bị giết hại để kiểm soát đàn ong hoặc tối ưu hóa sản lượng mật thu hoạch. Do đó, nắm bắt đặc điểm của loài vật và đặc điểm văn hóa cũng là cách giúp mở cửa đầu ra cho mật ong.
“HTX, doanh nghiệp cần nhớ rằng chỉ có sổ sách, con số, nghiên cứu khoa học cụ thể, chứng nhận rõ ràng mới có thể thuyết phục được khách hàng nhập khẩu. Do đó, không còn cách nào khác là cần phải tổ chức sản xuất sao cho sản phẩm mật ong khi đưa ra thị trường có thể truy xuất được nguồn gốc”, ông Trần Ngọc Khiêm cho biết.
Huyền Trang