Như VnBusiness đưa tin, sáng 2/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát hai mô hình hợp tác xã (HTX Gốm Bồ Bát và HTX Sinh Dược) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đây là các HTX phát triển từ kinh tế hộ thành các HTX quy mô, kết nối được chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến bán lẻ. Đây là những minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển thực chất của 421 HTX và 500 tổ hợp tác, đang thu hút hơn 330.000 lao động, chiếm gần 60% tổng số lao động của tỉnh. Nhiều HTX đã giải quyết tốt vấn đề phúc lợi, quyền lợi của thành viên; quan tâm người lao động, có chiến lược phát triển, nhìn nhận về kinh tế thị trường rất tốt.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể (KTTT) ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Do đó KTTT nói chung, HTX nói riêng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta. Đồng thời tác động bao trùm cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, môi trường và an sinh xã hội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần tổng kết lý luận, tổng kết mô hình, nhân rộng cách làm hiệu quả trong phát triển KTTT, HTX.
|
Trong chuyến khảo sát của Chủ tịch nước, đại diện các HTX ở Ninh Bình đã mạnh dạn nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình. Đây đồng thời cũng là tiếng nói chung của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên cả nước nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Những “tâm tư” của HTX
HTX sản xuất, dịch vụ gốm thương mại Bồ Bát nằm ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, nơi có làng gốm cổ Bồ Bát với lịch sử 3000 năm. Nghề gốm được ông Phạm Văn Vang, người con Làng gốm, khôi phục từ 13 năm trước và sau đó tham gia hình thành HTX gốm Bồ Bát.
Tiếp đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cán bộ Liên minh HTX Việt Nam, các ban ngành tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Phạm Văn Vang chia sẻ: "Với nền tảng vững vàng, HTX gốm Bồ Bát vẫn có bước đi ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19 đầy thách thức và tự tin hoạt động tốt trong thời kỳ bình thường mới”.
Tuy nhiên, theo ông Vang, để phục hồi và bứt tốc, HTX rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý. Đầu tiên cần kể đến chính sách đất đai. Bản thân HTX Bồ Bát đang có nguyện vọng được hỗ trợ thêm 2 ha để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm mới. Thực tế cho thấy, mong muốn của HTX Bồ Bát cũng là mong muốn chung của không ít HTX trên cả nước.
Thứ hai là về cơ sở hạ tầng, công nghệ. Một điểm chung của nhiều HTX hiện tại, ngay cả với các HTX chuyên ngành, quy mô lớn, có doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm như HTX Bồ Bát cũng đang gặp khó khăn về khả năng tiếp cận công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, chuỗi giá trị.
Thứ ba là về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo vị Giám đốc HTX Bồ Bát, trong những năm qua dù Liên minh HTX Việt Nam, chính quyền địa phương đã dành không ít nguồn lực cho việc đào tạo, nâng cao trình độ lao động, song khu vực HTX so với doanh nghiệp vẫn còn một khoảng trống về năng lực, trình độ chuyên ngành.
Thứ tư, về xúc tiến thương mại. Bắt nhịp với xu thế thị trường, các HTX trên cả nước đang dần tiếp cận với các phương thức bán hàng mới từ thương mại điện tử, chuyển đổi số… Các cơ quan quản lý nhà nước, Liên minh HTX Việt Nam cũng có nhiều hỗ trợ về quảng bá hình ảnh, xây dựng sản phẩm OCOP, tuy nhiên để sản phẩm HTX đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp, tiếp cận các thị trường lớn thì cần nhiều giải pháp mang tính đột phá.
Đồng tình với quan điểm của đại diện HTX Bồ Bát, ông Vũ Trung Đức - Giám đốc HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn nói thêm rằng, chủ trương thực hiện “mục tiêu kép”, chuyển từ “zero Covid” sang sống chung với đại dịch là chìa khoá để HTX nói riêng và đơn vị sản xuất kinh doanh nói chung phục hồi.
"Mong muốn lớn nhất của HTX Sinh Dược lúc này là đại dịch được kiểm soát. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng chính quyền các cấp, địa phương kiểm soát dịch tốt hơn để tình trạng giãn cách, tê liệt hoạt động không còn xảy ra. Với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đây chính là giải pháp cần kíp nhất, bên cạnh các nguồn lực kích cầu", ông Đức nhấn mạnh.
Cần sự vào cuộc của các cấp ngành
Sau khi lắng nghe tiếng nói của đại diện các HTX, tại cuộc làm việc chuyên đề vào buổi chiều ngày 2/11 với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Ninh Bình về phát triển KTTT, HTX, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kinh tế hộ, kinh tế cá thể nhỏ lẻ như kinh tế Việt Nam đi ra thị trường khó có thể cạnh tranh. Nên cần phải tổ chức, sắp xếp lại để có nguồn lực tốt hơn và phải khai thác lợi thế tiềm năng của mô hình HTX. Đó là lợi thế về xã hội, lợi thế về số đông để tạo ra sự thay đổi cơ bản, sâu sắc về phương thức sản xuất trong nông nghiệp cũng như các lĩnh vực của đời sống nông thôn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu ví dụ cụ thể trường hợp HTX gốm Bồ Bát. Từ nguồn vốn ban đầu chỉ có 5 triệu đồng nhưng nhờ được vay vốn hơn 200 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ mà HTX này đã phát triển được như ngày nay. Từ đó Chủ tịch nước nhấn mạnh muốn phát triển HTX mà chỉ hô khẩu hiệu, không có nguồn lực hỗ trợ thì khó thành công. Cách đây 4 năm Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung 1000 tỷ đồng vào Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục bổ sung vốn cho các Quỹ phát triển HTX đi cùng với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách.
Chủ tịch nước khẳng định Nhà nước hỗ trợ sự phát triển của HTX nhưng tôn trọng nguyên tắc thị trường, không quay lại cơ chế bao cấp, phi kinh tế mà đề cao nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Sự phát triển và nâng cao vai trò của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp cần trực tiếp lãnh đạo và coi đây là nhiệm vụ chính trị cần tập trung chỉ đạo. Nếu hệ thống chính trị của chúng ta không quan tâm thì khó có thể thành công trong xây dựng KTTT ở nước ta. Vai trò của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế hợp tác, HTX là vô cùng quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay".
Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý trong thời kỳ hội nhập, tâm thế của các HTX, cụ thể là những người đứng đầu HTX là vô cùng quan trọng. Để tiến lên, các giám đốc HTX tự tin với tâm thế của một doanh nhân thực thụ, cương trực và có trách nhiệm xã hội.
Các HTX cần phát huy được 3 vai trò chính, đầu tiên là một tổ chức kinh tế hoàn thiện, có thể tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cao cho thành viên. Thứ hai là đơn vị tự chủ lấy con người là trung tâm trong quá trình toàn cầu hóa, coi trọng việc tạo ra phúc lợi xã hội. Và cuối cùng, HTX là tổ chức dựa vào cộng đồng, đề cao tính dân chủ và nguyên tắc tự nguyện.
HTX rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm HTX Sinh Dược sáng ngày 2/11/2021. |
Để mô hình kinh tế HTX thành công, Chủ tịch nước khẳng định cần xây dựng một chiến lược phát triển HTX, tổ hợp tác. Để làm được việc đó, các ban, bộ ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hiện nay, nhất là những hạn chế, bất cập về pháp luật, chính sách, quản trị; vấn đề tiếp cận đất đai, nguồn vốn, công nghệ, thị trường, phát triển chuỗi giá trị, đào tạo lao động.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng để bứt tốc, các HTX cần có sự chuyển biến về tư duy sản xuất. Một thực tế là rất nhiều HTX được thành lập sau năm 2012 hiện có những giám đốc trẻ, có trình độ cao, nên khả năng sáng tạo cao, tiếp cận nhanh với chuyển đổi số, thương mại điện tử…
Các HTX thành lập sau năm 2012 cũng đang có xu hướng hoạt động theo chuyên ngành, nghĩa là tập trung vào sản phẩm thế mạnh, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Ở Ninh Bình, HTX Bồ Bát và Sinh Dược là những trường hợp điển hình.
Còn ở góc nhìn của bộ ngành, ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận định, để HTX phát triển cần tiếp tục hoàn thiện 3 điểm, gồm bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế chính sách đặc biệt về chuyển đổi số, công nghệ cao cho HTX, và nâng cao năng lực quản lý, trình độ lao động HTX.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, cần có cơ chế mạnh hơn cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, trình độ nhân lực HTX. Không cần một số tiền quá lớn, chỉ cần mỗi năm từ 10 - 15 tỷ đồng, thì mục tiêu mỗi HTX có một cán bộ trình độ cao là không quá khó.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để HTX vươn tầm, cần có một cuộc “cách mạng” cho các HTX hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là các HTX toàn xã, thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thành viên nhưng giá trị mang lại không cao. Nếu không có khả năng thay đổi thì cần dứt khoát giải thể.
Có thể thấy, bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực, sự đồng hành của các ban ngành quản lý là vô cùng quan trọng để các HTX phục hồi và kỳ vọng bứt tốc sau dịch. Thực tế là ngay sau khi làn sóng dịch lần thứ tư được kiểm soát, các biện pháp giãn cách được nới lỏng, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức hàng loạt hội nghị, diễn đàn nhằm tìm giải pháp giúp các HTX và đơn vị thành viên phục hồi, thích ứng với tình hình mới.
Nếu tiếp tục có thêm các chính sách, nguồn lực hỗ trợ, cùng với một tâm thế mới, khu vực HTX hoàn toàn có thể tự tin vươn tầm, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.
Hiến Nguyễn