Từ ngày 10 đến 16/11/2024, đoàn đã làm việc với các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực hợp tác xã của Nhật Bản như Tập đoàn Sorimachi, Liên đoàn quốc gia Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản (JA-Zenchu) và Liên đoàn quốc gia Hợp tác xã tiêu dùng Nhật Bản (JCCU). Những cuộc gặp gỡ này không chỉ mở ra cơ hội hợp tác mà còn đặt nền móng cho những bước tiến mới trong phát triển hợp tác xã tại Việt Nam.
Công nghệ hỗ trợ kế toán và quản lý nông nghiệp
Tại buổi làm việc với Sorimachi, một tập đoàn công nghệ chuyên phát triển phần mềm kế toán và quản lý nông nghiệp cho các hợp tác xã, đoàn Việt Nam được giới thiệu về phần mềm kế toán WACA và nhật ký nông vụ FACEFARM. Đây là những công cụ hỗ trợ quản lý tài chính và ghi chép mùa vụ, giúp các hợp tác xã dễ dàng minh bạch hóa dữ liệu kế toán và triển khai kiểm toán nội bộ.
Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân đã đề nghị Sorimachi hỗ trợ về kiểm toán độc lập cho các hợp tác xã Việt Nam với chi phí hợp lý, đáp ứng yêu cầu theo Luật Hợp tác xã 2023 và giúp tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho các hợp tác xã.
Sorimachi, thành lập từ năm 1954, có lịch sử lâu dài trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý kế toán nông nghiệp. Với triết lý “Vì ai đó... làm những việc mà người khác không làm”, ông Sorimachi, người sáng lập tập đoàn, đã đi đầu trong việc sử dụng máy tính để đơn giản hóa quá trình kê khai thuế cho nông dân Nhật Bản, điều này đã mở ra một hướng đi mới cho công nghệ quản lý tài chính trong nông nghiệp. Với phần mềm kế toán “Kaikeioh” – phần mềm đầu tiên tương thích với Windows 95 tại Nhật Bản, Sorimachi đã ký kết hợp tác bốn bên với JA-Zenchu, ngân hàng Norinchukin và Viện nghiên cứu sáng tạo lợi ích nông nghiệp. Hiện nay, Sorimachi tiếp tục phát triển các giải pháp ứng dụng AI nhằm thay đổi nền tảng kinh doanh tương tự như cách máy tính và internet đã thay đổi thế giới.
Thúc đẩy hợp tác và đào tạo cán bộ cho HTX nông nghiệp Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã có buổi làm việc với Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản (JA-Zenchu), tổ chức thành lập năm 1954 đại diện cho các hợp tác xã nông nghiệp tại Nhật Bản. Với vai trò điều phối và hỗ trợ các hợp tác xã thành viên trong lĩnh vực tổ chức, hoạt động và quản lý, JA-Zenchu hiện đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp Nhật Bản. Giám đốc điều hành JA-Zenchu, ông Toma Norikaru cùng các lãnh đạo tổ chức đã tiếp đón đoàn và chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ, đào tạo, và cung cấp thông tin cho HTX nông nghiệp Nhật Bản.
Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân và ông Toma Norikaru, Giám đốc điều hành Liên đoàn Trung ương HTX nông nghiệp Nhật Bản (JA-Zenchu) |
JA-Zenchu và Liên minh HTX Việt Nam đã có một mối quan hệ hợp tác bền chặt qua nhiều năm, với các chương trình trao đổi đoàn và đào tạo cán bộ cho Liên minh HTX Việt Nam. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về những cơ hội đào tạo nhân lực và thúc đẩy thương mại song phương giữa các HTX nông nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản.
Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân đã đề xuất JA-Zenchu tiếp tục hỗ trợ các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Chủ tịch Vân cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước để đưa các sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã Việt Nam và Nhật Bản tiếp cận rộng rãi tại thị trường hai nước.
Đặc biệt, Chủ tịch Vân đề xuất chương trình đưa lao động Việt Nam, là thành viên của các hợp tác xã, sang làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản. Chủ tịch Vân cũng đề nghị JA-Zenchu cử chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để tư vấn về sản xuất sản phẩm sạch, hữu cơ, và xây dựng thương hiệu cho xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Hướng tới phát triển HTX tiêu dùng tại Việt Nam
Trong cuộc gặp với Liên đoàn Hợp tác xã Tiêu dùng Nhật Bản (JCCU), nơi hiện có 551 HTX tiêu dùng với 30,6 triệu thành viên, hai bên đã cùng nhau trao đổi về mô hình và cách tổ chức các dịch vụ tiêu dùng dựa vào cộng đồng.
Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân và bà Arai Chitose, Phó chủ tịch Liên đoàn HTX tiêu dùng Nhật Bản (JCCU). |
Làm việc với bà Arai Chitose, Phó chủ tịch JCCU, Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân đề xuất hợp tác nhằm phát triển HTX tiêu dùng tại Việt Nam, đồng thời học hỏi từ các hoạt động tiêu chuẩn hóa an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của JCCU, để tạo ra mô hình HTX tiêu dùng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Chủ tịch Vân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu các mô hình tiêu dùng cộng đồng và các dịch vụ liên quan, từ đó giúp người tiêu dùng tại Việt Nam tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao do chính các hợp tác xã cung cấp.
JCCU được thành lập năm 1951, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, y tế, giáo dục, và bảo hiểm. JCCU cung cấp các sản phẩm nhãn hiệu CO-OP với khoảng 5.400 mặt hàng trên toàn quốc, từ thực phẩm đến dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, phục vụ lợi ích và nhu cầu của cộng đồng, và chỉ thành viên mới được sử dụng dịch vụ của các HTX này. JCCU cũng đi đầu trong việc đề xuất các chính sách về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, và phúc lợi xã hội, góp phần xây dựng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Các hoạt động mở rộng hợp tác tại Nhật Bản
Ngoài ra, đoàn cũng đã có những buổi làm việc quan trọng với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), tỉnh Niigata và thăm các cơ sở sản xuất nông nghiệp tại tỉnh này, qua đó học hỏi kinh nghiệm quản lý nông nghiệp địa phương. Đặc biệt, đoàn đã đến thăm HTX JA Echigo Chuetsu, cơ sở xay xát lúa gạo và sấy khô, và Trung tâm ươm giống của Công ty TNHH Koshiji. Đây là dịp để đoàn công tác tìm hiểu thực tiễn về các quy trình và tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản, từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến chế biến và phân phối sản phẩm.
Chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác Liên minh HTX Việt Nam tại Nhật Bản không chỉ là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm mà còn mở ra triển vọng hợp tác đa dạng trong các lĩnh vực nông nghiệp và tiêu dùng. Sự hỗ trợ từ các tổ chức uy tín như Sorimachi, JA-Zenchu, và JCCU không chỉ giúp tăng cường năng lực cho các hợp tác xã Việt Nam, từ quản lý kế toán và kiểm toán đến đào tạo nhân lực và phát triển sản phẩm, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thành An