Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm |
Lễ kỷ niệm diễn ra trong bối cảnh hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tỏ lòng tưởng nhớ và kính trọng tới Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 ngày mất của Người (1969-2019). Lễ kỷ niệm được tổ chức với chủ đề “ Những tư tưởng tương đồng của Hồ Chí Minh và Tổ chức Lao động Quốc tế hướng tới việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người”.
Dự và phát biểu chúc mừng có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Nguyên Uỷ viên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt; Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cùng đại diện một số bộ, ban, ngành và quan khách quốc tế.
ILO được thành lập năm 1919, ban đầu chỉ có 45 nước tham gia. Đến nay, ILO đã có 187 quốc gia thành viên nhằm mục tiêu thúc đẩy công bằng xã hội và bảo vệ các quyền lao động và quyền con người. ILO xây dựng các tiêu chuẩn lao động quốc tế thông qua hình thức các Công ước và Nghị quyết trong đó quy định các tiêu chuẩn tối thiểu về quyền của người lao động (ví dụ quyền tự do lập hội, quyền được tổ chức và thương lượng tập thể, quyền xoá bỏ lao động cưỡng bức, không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc và trong việc làm…). Đến nay, ILO đã thông qua tổng cộng 189 Công ước và 205 Khuyến nghị. Trong số các Công ước trên, có 8 Công ước được coi là Công ước cơ bản tập trung vào 4 lĩnh vực: Tự do lập hội và tổ chức; Chống lao động cưỡng bức; Xóa bỏ lao động trẻ em; Chống phân biệt đối xử. Các Công ước và Khuyến nghị của ILO được coi là cơ sở của Bộ luật lao động quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Trong diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, trong kỷ nguyên phát triển mới này, các lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và sứ mệnh của ILO vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được hiện thực hoá trong nền kinh tế thị trường khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với các nguyên tắc định hướng về phát triển bền vững, bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau.
“Gần 3 thập kỷ qua, kể từ khi gia nhập ILO năm 1992, Việt Nam luôn ủng hộ những mục tiêu cao cả của Tổ chức. Là một thành viên có trách nhiệm của ILO, Việt Nam cam kết tôn trọng, thúc đẩy và áp dụng những tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm những tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam. Với tinh thần đó, Việt Nam đã phê chuẩn 24 Công ước của ILO, trong đó bao gồm 6 Công ước cơ bản. Đặc biệt, vừa qua, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước cơ bản số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, với tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ và các đối tác xã hội của Việt Nam chúc mừng ILO vì những thành tựu to lớn mà Tổ chức đã đạt được trong suốt chặng đường 100 năm không ngừng phấn đấu cho mục tiêu của mình, đó là mang lại nền hòa bình và công bằng xã hội dựa trên sự hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên thông qua đối thoại xã hội. “Các đối tác ba bên của Việt Nam hoan nghênh Báo cáo về Tương lai Việc làm và Tuyên bố Thế kỷ của ILO đưa ra nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức và cam kết sẽ hợp tác cùng với ILO thực hiện những giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua những thách thức về lao động, việc làm trong bối cảnh kỷ nguyên số, già hóa dân số và biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu”, Phó Thủ tướng nói.
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm |
Lễ kỷ niệm được diễn ra trong bối cảnh hàng triệu người dân Việt Nam và các bạn bè quốc tế bày tỏ lòng tưởng nhớ và niềm kính trọng tới Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (1969 – 2019), qua đó khẳng định những tư tưởng còn giá trị mãi với thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của những nhà sáng lập ILO về lao động và an sinh xã hội. Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ILO, các đối tác ba bên của Việt Nam một lần nữa khẳng định và tôn vinh những tư tưởng và tầm nhìn vượt thời đại, mang tầm quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội. Những tư tưởng đó vẫn tiếp tục soi sáng trên con đường Việt Nam đổi mới và hội nhập thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, đầu tư vào con người với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong tương lai việc làm, đổi mới công tác giáo dục và dạy nghề, cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, chú trọng việc nâng cao năng suất và phát triển doanh nghiệp bền vững, nâng cao năng lực của các chủ thể để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo (ngồi giữa) và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó tổng giám đốc ILO Deborah Greenfield nhấn mạnh vai trò của các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động đối với người Việt Nam. Việc tuân thủ Tuyên bố năm 1998 không chỉ về mặt pháp luật mà còn trong thực tiễn, đã trở thành nền tảng của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Lợi ích của toàn cầu hoá và tiến lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ có thể đạt được khi việc làm thoả đáng trở thành mục tiêu của Việt Nam.
Phạm Duy