Trong đó, xây dựng được 26 mô hình chuỗi liên kết giữa hộ nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 18 mô hình hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất và tiêu thụ mía đường và tám mô hình HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Nếu so sánh con số hơn 4 nghìn HTX tham gia liên kết chuỗi với số lượng 16.479 HTX nông nghiệp (tính đến tháng 9/2020) thì mới chỉ chiếm khoảng ¼. Rõ ràng là quá khiêm tốn và chưa được như kỳ vọng.
Mô hình liên kết chuỗi sản xuất ở các HTX nông nghiệp dù đã phát triển nhưng vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh Int. |
Với tư cách là tổ chức đại diện cho các HTX tại Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam trong những năm qua đã và đang dồn lực để hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2020, cơ quan này đã hỗ trợ xây dựng 200 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.
Cùng với đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX nói chung, khu vực HTX nông nghiệp nói riêng phát triển. Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX …
Còn nhớ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc đối thoại lần thứ 3 với nông dân nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào cuối tháng Chín năm ngoái tại Đắk Lắk đã khẳng định, nông nghiệp – nông thôn là trụ đỡ khá vững chắc của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 xuất hiện và gây hại kéo dài. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, muốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và có tính bền vững, nhất thiết phải tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm.
Thực tế, số lượng các địa phương “xắn tay” vào thực hiện liên kết sản xuất cũng không phải là ít. Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cả nước có 56 địa phương đã ban hành chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 48 địa phương ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm chủ lực quan trọng cần khuyến khích liên kết; 35 địa phương ban hành phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết, 16 địa phương phê duyệt đề án, dự án liên kết với 359 dự án được phê duyệt.
Dù sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, địa phương… đã rất quyết liệt, tuy nhiên, sự tăng trưởng của nhóm HTX nông nghiệp thực hiện chuỗi liên kết xem ra vẫn ì ạch và chưa được như kỳ vọng.
Cũng phải thẳng thẳn rằng, để xây dựng mô hình HTX sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi thì một mình các cơ quan Nhà nước hay các tổ chức như Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX ở các địa phương sẽ không thể thực hiện được. Mà quan trọng nhất chính là bản thân các HTX cần phải có ý thức tham gia vào câu chuyện này.
Nhìn lại thì thấy, sản xuất của nhiều HTX nông nghiệp hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán chưa tuân thủ quy trình sản xuất, trình độ dân trí không đồng đều, chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa còn hạn chế.
Trong khi đó, các thành viên sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm chưa đủ lớn và ổn định.
Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chưa mặn mà với việc xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, mới tập trung ở khâu thương mại, tiêu thụ sản phẩm, các công đoạn còn lại vừa phải đầu tư dài hạn, mức đầu tư cao nhưng lợi nhuận lại thấp nhất, rủi ro cao...
Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích lâu dài của việc tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn hạn chế.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo “thuận mua vừa bán”.
Tất cả những "nút thắt" trên đang khiến cho các mô hình sản xuất theo chuỗi ở các HTX còn lỏng lẻo và khó có thể phát triển đúng như quy đạo đề ra nếu như không có một “cú hích mạnh” về nhận thức và phương pháp thực hiện của các HTX, của người dân và của các DN.
Đặc biệt, ở vào thời điểm này, khi câu chuyện phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 bắt đầu, thì càng có nhiều hơn những vướng mắc trong câu chuyện này cần được nhận diện và từng bước tháo gỡ để tạo dựng giá trị các chuỗi sản xuất cho các HTX nông nghiệp.
Quốc Anh