Phát biểu tại Hội nghị lần thứ II Ban thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mới đây, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, 61/63 tỉnh trên cả nước có HTX được thành lập mới. HTX được thành lập phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân, kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp và kéo dài. Mô hình HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân.
Ảnh hưởng nặng nề
Kinh tế hợp tác xã, HTX rõ rệt do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và chia thành 2 xu hướng rõ nét. Đó là, các HTX phát triển ổn định và vượt qua khó khăn vì Covid-19 là HTX sản xuất nông nghiệp về lúa gạo và chăn nuôi lợn, nguyên nhân là do giá lúa gạo và thịt lợn tăng cao.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, tháo gỡ khó khăn cho các HTX ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng. |
Trong khi đó, các HTX nông nghiệp, có tới gần 70% thành viên không nhập được giống cá, giống cây trồng từ Trung Quốc; giảm 45% giá bán nông sản, thực phẩm. 42,7% HTX nông nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông sản đến mùa thu hoạch, ví dụ như tỉnh Hải Dương nhiều HTX không tiêu thụ được gà nên phải bán trứng, không cho ấp nở theo kế hoạch, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có sản phẩm thủy sản nuôi lồng bè, sản phẩm cá lóc bông đến kỳ thu hoạch không có thương lái mua, sản lượng tiêu thụ và giá thành giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Hoạt động giao thương qua biên giới gặp nhiều khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng nông sản của HTX bị đứt đoạn, đặc biệt khâu tiêu thụ theo hợp đồng. Một số đặc sản như vải thiều, mận, thanh long, cam, dưa, bí tại các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam... có sản lượng và chất lượng cao, giá bán thấp, nhu cầu giải cứu tăng, đặc biệt những vùng bị phong tỏa kéo dài do dịch bệnh. Một số HTX chịu tác động xâm nhập mặn (Vĩnh Long), bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da u nổi cục ở gia súc (Cao Bằng),…
Đối với HTX phi nông nghiệp, hầu hết các loại hình HTX chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh bùng phát mạnh, kéo dài. 1.338 HTX vận tải hành khách du lịch chỉ có 20% khách thuê; HTX vận chuyển hành khách xe buýt và tuyến cố định sụt giảm khoảng 40% lượng khách. Khoảng 65% HTX phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa tồn đọng nhiều, chi phí bảo quản, lưu kho bãi tăng, giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh (giảm 45,3%),...; tiền hàng không thu được hoặc bị chậm do các đối tác cũng gặp khó khăn, doanh thu giảm sút.
Phần lớn HTX thương mại, dịch vụ, du lịch chỉ duy trì hoạt động từ 12%-17% dịch vụ khác; mất các hợp đồng mùa vụ du lịch; các HTX tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, may mặc hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu, lao động và khó khăn về tiêu thụ. 11,5% HTX thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp giảm doanh thu. Tại Tiền Giang, HTX tiểu thủ công nghiệp giảm doanh thu 10%, doanh thu xuất khẩu giảm 7%. Riêng với Quỹ tín dụng nhân dân, doanh số cho vay cũng bị sụt giảm đáng kể do các thành viên không tiêu thụ được sản phẩm, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giảm nhu cầu vay vốn khiến thu nhập và đời sống của người lao động, thành viên HTX gặp nhiều khó khăn.
HTX xây dựng, giao thông vận tải (đường bộ, đường thủy như xe tải, xe buýt, xe du lịch, xe khách, ghe, tàu, sà lan,...) khó khăn về kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho xe theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, giảm sản lượng;100 % HTX giao thông vận tải ở Vĩnh Long bị tác động, giảm số lượng hành khách, tần suất lao động, giảm 55% doanh thu so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 9,5 tỷ đồng).
Lĩnh vực phi nông nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh trong hầu hết các loại hình HTX. Hầu hết HTX, liên hiệp HTX vận tải, thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch,... chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh bùng phát mạnh, kéo dài, khoảng 65% HTX phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa tồn đọng nhiều, chi phí bảo quản, lưu kho bãi tăng, giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh (giảm 45,3%),...; tiền hàng không thu được hoặc bị chậm do các đối tác cũng gặp khó khăn, doanh thu giảm sút.
Cần giải pháp hỗ trợ kịp thời
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, đặc biệt là với các tỉnh miền Nam, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khu vực KTTT, HTX tiếp tục cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhằm phát triển kinh tế xã hội.
“Nhằm khắc phục khó khăn của các HTX do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, đơn vị thành viên chủ động nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc, thiệt hại sản xuất, kinh doanh của HTX, liên hiệp HTX để báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và Thủ tướng Chính phủ. Triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ các đơn vị thông qua tư vấn, tiếp cận vay vốn các tổ chức tín dụng, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu và tiêu thụ hàng nông sản sau Covid-19. Đồng thời, chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, góp phần nâng cao năng lực quản trị của các HTX...”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định.
Theo ông Bùi Quang Tùng, ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lâm Đồng mặc dù Chính phủ rất quyết liệt trong triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, song thực tế HTX chưa được thụ hưởng đầy đủ chính sách của nhà nước về ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 do nguồn ngân sách địa phương, chính sách, đối tượng chưa quy định cụ thể. Vì vậy, đến thời điểm này, rất ít HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, cụ thể ở đây là chính sách tín dụng, giãn giảm thuế phí hay các chính sách hỗ trợ của địa phương.
VCA đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của dịch Covid-19 đối với khu vực kinh tế hợp tác, HTX và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm, triển khai một số giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực này.
Cụ thể, đề nghị các tổ chức tín dụng cho phép kéo dài thời hạn cho vay, giãn kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất tiền vay; giảm các loại phí liên quan đến khoản vay, thanh toán và các giao dịch khác. Giãn thời hạn nộp thuế VAT 6 tháng; giảm 1 năm thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp hơn so với doanh nghiệp và áp dụng dài hạn; giảm tiền thuê đất, phí và lệ phí trong thời hạn ít nhất 1 năm; giãn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội 6 tháng/lần.
Thanh An