Chứng kiến mỗi vụ bưởi ở xã Bình Hòa, nông dân tỉa và chở đi đổ bỏ hàng tấn trái bưởi non vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, là kỹ sư nông nghiệp nên anh Cổ Thanh Dũng đã tự mày mò nghiên cứu để biến những phế phẩm nông nghiệp này thành sản phẩm có ích phục vụ con người.
Tổ hợp tác nâng giá trị trái bưởi
Để thực hiện ý tưởng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến sạch, anh Dũng đã tham gia thành lập Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh nông sản minh bạch Minh Đức ở xã Bình Hòa.
Các phế phẩm từ trái bưởi được Tổ hợp tác Minh Đức chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị. |
Mục tiêu của Tổ hợp tác là liên kết với nhiều nông dân nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh, cũng như chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Hiện nay, Tổ hợp tác đang có các dòng sản phẩm chế biến từ nguyên liệu trái bưởi như tinh dầu bưởi, nước dưỡng tóc tinh dầu bưởi, nước rửa chén tinh dầu bưởi, nước xịt rửa tay diệt khuẩn tinh dầu bưởi, nước khử mùi nhà vệ sinh từ tinh dầu bưởi, túi treo khử mùi xe hơi…
Các sản phẩm này được người tiêu dùng đánh giá cao vì là dòng sản phẩm thuần tự nhiên, rất an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn “chế” thêm và cung cấp ra thị trường sản phẩm mứt, trà vỏ bưởi.
Tổ trưởng Tổ hợp tác Cổ Thanh Dũng cho rằng, huyện Vĩnh Cửu có hàng ngàn ha bưởi, cam…là nguồn tài nguyên rất lớn cho Tổ hợp tác có thể làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm đặc sản riêng của địa phương.
Cũng vì mê nông nghiệp sạch nên anh Dũng và các thành viên Tổ hợp tác đang hướng mô hình sản xuất rau sạch theo hướng hữu cơ và phát triển mô hình nuôi đặc sản gà tre sạch, được thị trường đón nhận rất tốt.
Dù thành lập chưa lâu nhưng Tổ hợp tác Minh Đức đang được thị trường biết tiếng. Sự độc đáo của dòng sản phẩm chế biến “xanh” này là mang lại hiệu quả kinh tế cao vì tận dụng được nguồn nguyên liệu chế biến từ các phế phẩm nông nghiệp.
Ngoài Tổ hợp tác Minh Đức, ở xã Bình Hòa còn các HTX như HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Quang, HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại Bình Hòa đang hoạt động ổn định và hiệu quả.
Việc phát triển sản xuất nông nghiệp sạch ở xã Bình Hòa còn có thể kể đến mô hình của nông dân Lê Văn Trí tại ấp Bình Thạnh. Ông Trí đang thu được thành công lớn sau khi mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích 8.000m² trồng lúa sang trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ.
Giữ vững chuẩn nông thôn mới nâng cao
Nhờ sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ an toàn, nên đầu ra của trang trại ông Trí khá ổn định, giá bán luôn cao hơn các sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Hiện, giá bưởi da xanh của ông Trí được thương lái thu mua ngay tại vườn với giá khoảng 50.000 đồng/kg, nhưng trang trại không đủ nguồn hàng để cung ứng.
Bộ mặt nông thôn mới khang trang ở xã Bình Hòa. |
Với việc chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, lại là nơi có nhiều vườn bưởi khá đẹp nằm ven sông Đồng Nai, đồng thời có vị trí tiếp giáp với đô thị Tp.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) nên Bình Hòa được cho là nơi rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái vườn.
UBND huyện Vĩnh Cửu phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Đồng Nai cũng đã quy hoạch điểm du lịch sinh thái miệt vườn Bình Thạch, ở ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, quy mô khoảng 30 ha, vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn mời gọi đầu tư.
Ngoài ra, xã Bình Hòa còn được huyện Vĩnh Cửu chọn để làm Khu dân cư kiểu mẫu, nhằm phát huy những nét đẹp truyền thống làng quê xanh sạch đẹp.
Cách đây 2 năm, xã Bình Hòa là một trong 2 xã đầu tiên của huyện Vĩnh Cửu đã được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với việc phát triển nông nghiệp sạch và tính hiệu quả của các mô hình kinh tế hợp tác đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng và giữ vững các tiêu chí về nông thôn mới nâng cao ở xã Bình Hòa.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 65 triệu đồng/năm. Xã Bình Hòa cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang chuyên canh trồng bưởi, cam, quýt có giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, 60% sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.
Thời gian tới, xã Bình Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, từng bước ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đặc biệt là nhân rộng các mô hình chế biến nông sản, chế biến phế phẩm nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ sinh học như mô hình hoa, rau, quả, dược liệu…
Thanh Loan