Theo Sở LĐTB&XH, tính đến cuối năm 2019, toàn huyện đã giảm được 3,07%, tương đương 922 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bảo Thắng giảm xuống còn 7%. Dự kiến đến cuối năm 2020, huyện sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3, 98%.
Chính sách đi vào cuộc sống
Để giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập, Bảo Thắng đã vận động các doanh nghiệp, các HTX đầu tư thực hiện các dự án tại địa phương, kết nối người lao động học nghề với doanh nghiệp, HTX và cơ sở đào tạo nhằm giải quyết việc làm sau đào tạo.
Huyện đẩy mạnh tăng nguồn vốn vay giải quyết việc làm đối với các dự án vay vốn hộ gia đình nghèo. Lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, của huyện cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó là thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra chuỗi giá trị kinh tế bền vững để tăng thu nhập và làm giàu chính đáng của người lao động. Hỗ trợ kịp thời trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội phục vụ giảm nghèo bền vững.
Nhờ định hướng đúng nên các chính sách phát triển kinh tế và giảm nghèo của huyện đã dần đi vào cuộc sống. Nhận thức trong nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ khi hiểu được vai trò của mô hình HTX kiểu mới, hiểu được tác dụng của sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Tiêu biểu như tại thôn Múc (xã Thái Niên) đã tích cực hỗ trợ người dân phát triển mô hình OCOP bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa. Thôn có 247 hộ thì 135 hộ trồng bưởi với tổng diện tích hơn 40 ha. Đến nay, tổ hợp tác trồng bưởi thôn Múc đã đứng ra hỗ trợ người dân sản xuất. Giá bưởi bán tại vườn bình quân 32.000 đồng/quả, tăng 3-5 lần so với việc người dân tự sản xuất nhỏ lẻ trước đây.
Người dân thôn Múc giảm nghèo nhờ phát triển trồng bười |
Nhờ đưa cây bưởi vào trồng, số hộ nghèo trong thôn giảm nhanh, từ 94 hộ (năm 2014) xuống còn 7 hộ (năm 2019). Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên trở thành triệu phú, có điều kiện xây nhà kiên cố, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền từ trồng bưởi...
Ngoài mô hình trồng bưởi ở thôn Múc, huyện Bảo Thắng hiện còn có nhiều mô hình mang lại hiệu qủa kinh tế cao như: HTX Chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền (xã Sơn Hà); HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến (xã Xuân Quang). Hay mô hình nông nghiệp hiện đại của HTX nông nghiệp công nghệ cao Gia Phú (xã Gia Phú) đang được đánh giá cao về kinh tế cũng như môi trường.
Trên diện tích 3.000 m2, HTX Gia Phú đang tập trung vào trồng dưa lưới, dưa chuột, dưa lê trong nhà kính. Mỗi năm, HTX thu về 700-800 triệu đồng tiền bán dưa lưới, 200 triệu đồng tiền dưa lê và khoảng 150 triệu đồng tiền dưa chuột. Mô hình sản xuất của HTX đang là nơi giúp người dân đến học hỏi kinh nghiệm phát triển sản xuất.
Tiếp tục giảm nghèo bền vững
Các mô hình kinh tế trên không chỉ giúp Bảo Thắng phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 7%, thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của toàn tỉnh, nhưng nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, bởi hầu như những hộ nghèo còn lại đều sống ở vùng đặc biệt khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.
HTX Gia Phú đang giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập |
Chính vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,98% vào cuối năm 2020 cũng như tránh tình trạng tái nghèo, kế hoạch đến năm 2025 của huyện là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch hơn nữa cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản thông qua vai trò của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác.
Việc phát triển các HTX, tổ hợp tác cũng là điều kiện giúp lan tỏa các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là tại các xã khó khăn có vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa sinh sống, từ đó nâng cao nhận thức, trình độ canh tác của người dân.
Thông qua các HTX, THT, việc đào tạo nghề cho người dân cũng trúng và đúng hơn vì gắn liền được với nhu cầu, nguyện vọng cũng như tình hình sản xuất thực tế của người dân, từ đó phát huy tốt các nguồn lực của trung ương cũng như của tỉnh dành cho hộ nghèo trên địa bàn.
Huyền Trang