Bằng sự cố gắng, không ít nông sản của Việt Nam đã được bảo hộ nhãn hiệu và tự tin bước ra thị trường thế giới như: Vải thiều Lục Ngạn, Cà phê Buôn Mê Thuột, Hồ tiêu Gia Lai, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên...
Bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài còn khiêm tốn
Bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (Hà Nội) cho biết, từ khi gạo hữu cơ Đồng Phú được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm của HTX đã được bán với giá cao gấp 2,5-3 lần so với trước. Nhờ có thương hiệu, HTX còn xuất khẩu được gạo hữu cơ sang Mỹ.
Theo Bộ Khoa học Công nghệ, tính đến 25/7/2022, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu thông thường là 723,891, còn số lượng văn bằng bảo hộ là 429,331. Trong đó, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp là 117,781 và số lượng văn bằng bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp là 67,234.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp, HTX ở Việt Nam đang quan tâm đến vấn đề nhãn hiệu nông sản. Bởi so với năm 2015, cả nước mới có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp, HTX.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là các doanh nghiệp, HTX mới chỉ quan tâm xây dựng nhãn hiệu ở trong nước mà chưa chú trọng xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài.
Điều này có thể thấy rõ qua con số thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ, tính đến 1/8/2022, cả nước mới có 51/63 địa phương có sản phẩm đăng đăng ký chỉ dẫn địa lý. Và trong tổng 141 đơn kiến nghị và 116 văn bằng bảo hộ về chỉ dẫn địa lý thì có 107 văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cấp cho sản phẩm nông nghiệp ở trong nước và chỉ có 9 văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cấp cho sản phẩm ở nước ngoài.
Vải thiều của Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. |
Con số trên đồng nghĩa với việc HTX, doanh nghiệp hiện chưa chú trọng đến xây dựng, phát triển thương hiệu cho nông sản trên thị trường xuất khẩu. Nếu sản phẩm không được bảo hộ nhãn hiệu thì có thể dẫn đến những rủi ro trong quá trình xuất khẩu ra nước ngoài. Thực tế cho thấy, không ít thương hiệu như gạo ST25 của Sóc Trăng hay nước mắm Phú Quốc của Việt Nam đã bị các doanh nghiệp nước ngoài nhanh tay đăng ký bản quyền nhãn hiệu khiến HTX, doanh nghiệp từng phải đứng trước nguy cơ mất thị trường, mất mạng lưới phân phối và bạn hàng...
Tuy nhiên, với vai trò là một đơn vị đã đăng ký thành công nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” và được bảo hộ tại 5 thị trường: Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, bà Phan Trần Hồng Vân, Phó Tổng thư ký hiệp hội cao su Việt Nam, cho rằng, việc ít sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài là do trong quá trình đăng ký nhãn hiệu, hầu hết các doanh nghiệp, HTX phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm vì chưa nhận được sự hỗ trợ thỏa đáng từ các bộ, ngành.
Cụ thể là việc đăng ký nhãn hiệu cần có kinh phí từ khi làm hồ sơ đến sau khi được cấp văn bằng chứng nhận, các chủ thể vẫn cần chi phí để duy trì trong khi nguồn lực của không ít HTX, doanh nghiệp hiện nay còn hạn chế.
Bà Lê Thị Thu, Phó Giám đốc Trung Tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ), Bộ Khoa học công nghệ, cho biết hiện nay, nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương chứng nhận nhãn hiệu nông sản chủ yếu là từ các chương trình, đề tài, dự án. Trong khi nhiều HTX được thành lập từ trước khi được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhưng lĩnh vực hoạt động rộng, nhiều ngành nghề nên nguồn lực bị phân tán, từ đó chưa thể phát triển được thương hiệu cũng như đăng ký nhãn hiệu ở ngoài nước.
Đi cùng đó là, các cơ quan quản lý cũng chưa có quy định cụ thể về việc quản lý các đối tượng được chứng nhận nhãn hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận). Do đó, việc phối hợp giữa các Bộ: NN&PTNT, KHCN, Bộ Công Thương vẫn chưa được chặt chẽ nên việc xử lý đơn nhãn hiệu mất nhiều thời gian. Và thực tế hiện nay, HTX, doanh nghiệp phải chờ quá lâu để được cấp văn bằng chứng nhận.
Quan tâm yếu tố cốt lõi của sản phẩm
Để tránh tình trạng bị doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài cũng như phát triển thương hiệu nông sản trên thị trường, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương và địa phương cũng như sự vào cuộc tích cực của các chủ thể.
Cụ thể là cần nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường cũng như tăng cường hỗ trợ HTX, doanh nghiệp trong giai đoạn quản lý, phát triển nhãn hiệu.
Bà Lê Thị Thu cho rằng việc thúc đẩy thời gian để hoàn thiện hồ sơ và cấp văn bằng chứng nhận nhãn hiệu cho các chủ thể cần nhanh và gọn hơn. Tuy nhiên, các chủ thể cũng cần hiểu về nhãn hiệu để từ đó thấy được sự cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu.
“Nhiều thương hiệu nông sản của Việt Nam bị mất quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài không hẳn là do chi phí mà phần lớn do các chủ thể chưa hiểu rõ về nhãn hiệu, thương hiệu nên chưa thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng và đăng ký”, bà Thu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Hàn Tường Minh, Tổng Giám đốc công ty nghiên cứu & tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư (Concetti), cho rằng trong thời kỳ hội nhập như hiện nay thắng lợi trong mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản là phụ thuộc phần lớn vào bằng thương hiệu, chứ không đơn thuần chỉ là khối lượng và chất lượng ổn định nữa.
Chính vì vậy, muốn tạo ra đột phá trong xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản, một trong những điểm mấu chốt là Nhà nước cần phải có cơ quan chuyên trách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX... “Do nhiều Bộ ngành cùng quản lý nên nhiều khi, các chủ thể không biết làm việc với ai, ở đâu cho đúng, từ đó làm chậm trễ việc đăng ký nhãn hiệu”, ông Minh nói.
Hiện nay, muốn xây dựng và phát triển thương hiệu, phải dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ. Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng, HTX, doanh nghiệp cần lựa chọn sản phẩm đăng ký nhãn hiệu phù hợp, gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Bên cạnh các sản phẩm tươi, việc bảo hộ nhãn hiệu nên chú trọng đến sản phẩm chế biến vì đây mới là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, có giá trị gia tăng cao nhờ thời gian bảo quản dài.
Huyền Trang