Ông Trần Giang Khuê - phụ trách Văn phòng phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) “rất nóng” với thị trường trong nước lẫn ngoài nước, nhất là đối với sản phẩm nông sản.
Tránh “mất bò mới lo làm chuồng”
“Khi chúng ta đi ra thị trường nước ngoài rất cần bảo hộ về mặt pháp lý, có công cụ pháp lý để vươn xa hơn và xây dựng cho thương hiệu nông sản Việt. Và điều cần lưu ý là tránh “mất bò mới lo làm chuồng”, ông Khuê nói.
Theo đó, trước khi muốn đi ra thị trường bên ngoài, ngành hàng nông sản, sản phẩm làng nghề ở các HTX cần tìm hiểu pháp lý về SHTT để có thể đăng ký bảo hộ và có biện pháp quản lý, khai thác cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Có thể nhìn lại một số bài học đã từng xảy ra, như vụ cà phê Buôn Mê Thuột đã bị đăng ký trước ở Trung Quốc, hoặc cà phê Trung Nguyên bị đăng ký ở thị trường Mỹ, hay kẹo dừa Bến Tre bị cướp tên ở Thái Lan.
Vấn đề được đặt ra là các doanh nghiệp (DN) trong nước hay các HTX tuy đã có sản phẩm rồi, nhưng không thể đăng ký SHTT ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của họ.
Theo ông Khuê, một trong những nguyên nhân chính là vấn đề nhận thức về SHTT khi nhiều người xem đây như vấn đề mới và hơi xa vời. Cho nên, họ chưa đầu tư và chưa có bộ phận chuyên trách về SHTT, chưa thực hiện những chiến lược về xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản SHTT, dựa trên các đối tượng về quyền SHTT.
Một phần của chuyện này đến từ nguồn tài chính hạn hẹp. Các DN, HTX trong ngành hàng nông sản còn đang phải quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nhau, từ việc lo điều hành, lo đồng ra đồng vô và những vấn đề khó khăn thách thức khác.
Trong khi đó, việc đăng ký SHTT cho sản phẩm nông sản ở nước ngoài cũng khá tốn kém chi phí, nếu như đăng ký ở những thị trường lớn như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Giới chuyên gia lưu ý đôi khi rào cản về mặt ngôn ngữ làm cho các HTX hay DN Việt e dè trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, tìm hiểu các quy định pháp lý về đăng ký SHTT.
Trong khi đó, chẳng hạn như xuất khẩu vào thị trường Mỹ, như khuyến cáo của Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ), đã có không ít các nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đăng ký trước ở Mỹ và việc lấy lại thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
Do đó, với ngành hàng nông sản Việt đã xuất khẩu hoặc đang có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề truyền thống mang thương hiệu Việt vào Mỹ thì việc tìm hiểu quy trình, thủ tục và các quy định bảo vệ thương hiệu là rất cần thiết.
Bảo hộ nhãn hiệu sẽ giúp rau quả của HTX vươn ra xa thị trường nước ngoài |
Cần chiến lược bài bản
Trước những vấn đề như vậy, nếu các HTX, DN muốn đưa sản phẩm nông sản của mình vươn xa ra thị trường thế giới, rất cần có chiến lược phát triển thương hiệu một cách bài bản. Chiến lược này phải xuất phát từ sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường và phải có một tầm nhìn xa.
Hơn nữa, các HTX hay DN trong ngành hàng nông sản cũng cần phải có một bộ phận chuyên trách về xây dựng thương hiệu và SHTT nhằm tìm hiểu các thông tin thị trường, các quy định pháp lý nhằm thực hiện các biện pháp quản trị cần thiết.
Ngoài ra, như chia sẻ của ông Trần Giang Khuê, khi phát triển thương hiệu nông sản cũng cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Chất lượng của sản phẩm sẽ quyết định giá trị cốt lõi của thương hiệu khi đưa ra thị trường bên ngoài.
Mặt khác, với từng thị trường cũng có những tiêu chí chất lượng phù hợp. Nếu nông sản Việt có thể làm VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng cho các thị trường, thì cũng có những thị trường khó tính như EU hay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lại đòi hỏi cần có những phù hợp về tiêu chí chất lượng trước những hàng rào kỹ thuật.
Và khi sản phẩm nông sản có chất lượng, các HTX hay DN mới có thể quảng bá và truyền thông, sử dụng những hệ thống nhận diện để truyền thông liên tục và bài bản. Có như vậy, sản phẩm nông sản hay sản phẩm làng nghề sẽ nhanh đi vào tâm trí người tiêu dùng nước ngoài hơn.
Ngoài ra, các HTX cũng cần lưu ý thông tin ở từng thị trường. Nhất là cần xác định nhu cầu của các thị trường để có thể có những thông tin đầy đủ nhằm thấu hiểu thị trường, để tìm ra những bài toán đi nhanh, đột phá và đồng thời tốn ít chi phí nhất.
Theo giới chuyên, việc liên kết giữa nhà nông, HTX nhà DN, nhà quản lý và nhà nghiên cứu liên quan đến SHTT nông sản là rất quan trọng, nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn về bảo hộ nhãn hiệu cho nông sản xuất khẩu.
Đặc biệt, đối với tình hình biến đổi của thị trường cũng như điều kiện tự nhiên, sản phẩm nông sản, sản phẩm của làng nghề ở các HTX rất cần phải liên kết với các nhà khoa học.
Và việc liên kết giữa nông dân, HTX với DN, với nhà khoa học, nhà quản lý sẽ giúp HTX, nhà nông vừa có cơ chế chính sách điều kiện từ Nhà nước, những điều kiện về môi trường chính sách vĩ mô tạo điều kiện thuận lợi, nhưng đồng thời cũng sẽ có được sự đầu tư cần thiết, bài bản từ các DN và các nhà nghiên cứu.
Thanh Loan