Theo số liệu của UBND huyện Phúc Thọ, tính đến tháng 8/2016, toàn huyện có 38 HTX, gồm 33 HTX nông nghiệp, 5 HTX dịch vụ chuyên ngành sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, đã có 27/38 HTX tổ chức chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, với tổng số thành viên là 11.165 thành viên, số vốn điều lệ là 6,4 tỷ đồng.
Sự phát triển của các HTX DVNN trên địa bàn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương, nhất là vào Chương trình trọng điểm mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).
“Hiệu ứng” từ chuyển đổi
Ông Nguyễn Văn Bằng - Giám đốc HTX Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ), cho biết nhờ chuyển đổi theo Luật HTX 2012, đa phần các HTX DVNN trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, từ việc làm rõ trách nhiệm xã viên, vốn góp, công nợ, cho đến nhiệm vụ trong từng bộ phận HTX. Nhiều HTX đã mở rộng nhiều lĩnh vực hoạt động mới phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã viên như làm đất, mạ khay máy cấy, nước sạch, rau sạch và măng tây xanh.
Theo bà Bùi Thị Thanh Tuyết - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện, sau hơn 3 năm thực hiện Luật HTX 2012, nhận thức của người dân và các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Bộ máy quản lý HTX từng bước đổi mới. Việc xây dựng phương án và kế hoạch phát triển kinh doanh đã được chú trọng. Một số HTX đã thu hút thành viên trẻ có trình độ góp vốn vào HTX.
Hiện các HTX trên địa bàn huyện đa phần là nông nghiệp đơn thuần
Song, theo bà Tuyết, một số HTX DVNN trên toàn huyện hiện vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định, như đa phần các HTX chưa có kỹ năng xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh thích ứng với cơ chế thị trường; việc nâng cao chất lượng thành viên tham gia HTX còn nhiều khó khăn nên một số HTX chỉ góp vốn tối thiểu từ 40.000 - 200.000 đồng/thành viên, trong khi đó mức cao nhất cũng chỉ là 10 triệu đồng/thành viên. Đặc biệt, năng lực quản lý của ban quản trị và giám đốc HTX vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
“Trong khi các nguồn lực bố trí cho tổ chức triển khai thi hành Luật HTX 2012 và chính sách hỗ trợ còn hạn chế, cơ sở vật chất, việc sử dụng vốn chưa hiệu quả là những rào cản trong việc khẳng định vai trò của HTX trên địa bàn”, bà Tuyết khẳng định.
Tiền đề nâng cao chất lượng HTX
Bà Nguyễn Việt Liên - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, cho rằng để nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, các HTX nông nghiệp trên toàn huyện cần thực hiện thêm các khâu dịch vụ sản xuất nông nghiệp và đảm nhận thêm các dịch vụ khác, đặc biệt là cần mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ đầu vào, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp để nâng cao chất lượng, cũng như khẳng định được vai trò của mình.
Tuy nhiên, theo bà Liên, hiện nay trên địa bàn huyện còn 6 HTX nông nghiệp quy mô thôn ở xã Thanh Đa vẫn chưa đại hội xã viên. 8 HTX nông nghiệp quy mô thôn của 3 xã đã tổ chức đại hội xã viên HTX và đang chuẩn bị đại hội hợp nhất.
Trong bối cảnh các HTX quy mô thôn còn hoạt động manh mún, phạm vi hoạt động hẹp, thu nhập của cán bộ quản lý và lao động làm việc tại HTX còn thấp, rất khó khăn trong việc tổ chức lại HTX theo Luật HTX 2012, vì vậy việc tổ chức lại và tiến hành hợp nhất các HTX có quy mô nhỏ lẻ ở Phúc Thọ là hết sức cấp thiết.
Trên địa bàn huyện hiện nay, đa phần là các HTX DVNN đơn thuần. Với nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển thế mạnh về nông nghiệp, rõ ràng việc chuyển đổi và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp theo Luật HTX 2012 và thành lập mới các HTX đa ngành, chuyên ngành là hướng đi hết sức quan trọng hiện nay.
Đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp thực hiện các khâu dịch vụ sản xuất nông nghiệp và đảm nhận thêm các loại hình dịch vụ khác. Đó là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, thực hiện các khâu từ đầu tư, sản xuất đến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn để cung ứng cho thị trường Thủ đô, hướng tới một nền sản xuất hàng hóa chuyên canh tại Phúc Thọ.
Nguyễn Hiếu