PGS TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, du lịch nông nghiệp đã phát triển từ lâu nhưng những năm gần đây do đô thị hóa, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt nên mô hình này ngày càng được nhiều địa phương, HTX quan tâm. Khởi nghiệp từ nông nghiệp du lịch cũng là đích đến của rất nhiều bạn trẻ, thành viên HTX.
Chưa xứng với tiềm năng
Bộ NN&PTNT cũng đã có chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, trong đó có nêu: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là một giải pháp căn cơ, là điều kiện rất tốt để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Vì phát triển nông nghiệp sẽ tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho nông nghiệp, HTX, nông dân và cả nông thôn. Ngược lại, phát triển nông thôn mới cũng sẽ giúp cho các HTX, địa phương phát triển nông nghiệp gắn với du lịch được hiệu quả, bền vững hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc gắn nông nghiệp với du lịch ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương có truyền thống, thế mạnh làm nông nghiệp hiện vẫn còn mờ nhạt, chưa có sự bứt phá. Việc người dân, thành viên HTX khởi nghiệp từ nông nghiệp du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tận dụng được những tiềm năng.
Ngay như tỉnh Thái Bình, mặc dù là địa phương phát triển mạnh về nông nghiệp nhưng người dân mới chỉ tập trung vào cây lúa, chăn nuôi. Nông nghiệp gắn với du lịch dường như chưa phát triển ở địa phương này. Hiện, chỉ có một mô hình làm nông nghiệp gắn với du lịch được đánh giá mang lại hiệu quả, có sự đầu tư theo hướng bền vững là HTX sen Vân Đài (huyện Hưng Hà). HTX này đã đầu tư trồng các giống sen đa dạng kết hợp với sơ chế, chế biến, sản xuất sen cảnh đến đầu tư cơ sở hạ tầng... để thu hút khách du lịch.
HTX sen Vân Đài đang là mô hình tiêu biểu đóng góp tích cực vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Hưng Hà theo chiều sâu khi chuyển đổi đất trũng, kém hiệu quả sang làm kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch.
Tại Hội nghị “Những vấn đề đặt ra trong khởi nghiệp du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn” tổ chức chiều ngày 24/7, ông Hoàng Văn Đại, Phó Bí thư thường trực xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) chia sẻ, dù Sin Suối Hồ đã trở thành điểm du lịch thu hút khách ở trong và ngoài nước, người dân ở địa phương cũng đã làm du lịch cách đây 10-15 năm, nhưng thực chất du lịch cũng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Việc các địa phương mới chỉ ở bước đầu hoặc chưa khai thác được thế mạnh tiềm năng trong phát triển du lịch nông nghiệp được cho là do người dân, chính quyền địa phương chưa chuyển đổi được từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang làm kinh tế nông nghiệp.
Xác định đối tượng khách du lịch cũng là điều quan trọng đối với những bạn trẻ khởi nghiệp từ du lịch nông nghiệp. |
Trong khi đó, trên cả nước hiện đang ở giai đoạn 2 của quá trình xây dựng nông thôn mới. Tức là các địa phương đang đi vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Điều này yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp làm ra phải theo chiều sâu, có giá trị trên thị trường. Và đương nhiên, để làm được điều đó, người dân, HTX không thể sản xuất nông nghiệp một cách đơn thuần mà phải phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch nhằm quảng bá về sản phẩm, về con người, về vùng quê, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu.
Cần liên kết để tạo tính bền vững
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại Hội nghị, việc phát triển du lịch nông nghiệp chưa xứng với tiềm năng là do hiện nay còn thiếu liên kết vùng nên sản phẩm du lịch, điểm du lịch nông nghiệp tuy đã có nhưng còn manh mún nhỏ lẻ, chưa tạo được các chuỗi du lịch nông nghiệp bền vững về cả chất lượng và quy mô.
Ông Bùi Quang Doanh, Chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch bền vững cho biết, đa phần những bạn trẻ, HTX làm du lịch nông nghiệp hiện nay thiếu tính liên kết nên thiếu tính bền vững. Nhiều bạn có kinh nghiệm về du lịch nhưng lại không có kinh nghiệm, kiến thức về nông nghiệp và ngược lại. Có những người có sản phẩm nông nghiệp nhưng không biết liên kết với dòng khách hàng nào để phát triển cho phù hợp.
“Do không có sự liên kết với địa phương, không được tư vấn về dự án nên nhiều người có đất muốn xây dựng cơ sở hạ tầng đón khách nhưng không hiểu là trước khi làm phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên xây dựng xong homestay, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng… thì bị chính quyền địa phương phạt, hoặc buộc dỡ bỏ gây tốn kém, nhụt chí”, ông Doanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, trình độ người dân, HTX còn hạn chế trong làm du lịch nông nghiệp. Trong khi muốn chuyển từ nông nghiệp đơn thuần sang làm kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch là một việc không hề đơn giản mà cần tích hợp rất nhiều kiến thức, trình độ khác nhau như quản trị, marketing, làm nông nghiệp, làm du lịch… để tạo thành chuỗi
Đi cùng với đó là các chính sách về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, hỗ trợ người dân, HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi đã có nhưng chưa thực sự là động lực để thúc đẩy người dân, HTX đầu tư mạnh mẽ cho nông nghiệp du lịch.
Để tận dụng tiềm năng thế mạnh trong phát triển du lịch nông nghiệp và khởi nghiệp thành công từ mô hình này nhằm thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, hiện Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách cụ thể. Gần đây nhất là Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 cho phép làm du lịch trên đất nông nghiệp và chính sách về phát triển kinh tế trang trại.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc CTCP Công nghệ phần mềm AutoAgri, cho rằng các chính sách này là hành lang pháp lý quan trọng để những người dân, HTX làm du lịch nông nghiệp có thể đầu tư thích đáng. Nếu không có chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản pháp lý được thông qua thì sẽ xảy ra đầu tư tự phát, mất nhiều tiền đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng theo văn bản pháp luật lại bị tháo dỡ.
Chính vì vậy, để khởi nghiệp du lịch nông nghiệp thành công, trước tiên người dân, HTX cần nghiên cứu pháp luật kỹ trước khi làm. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là dù các chính sách như cho phép làm du lịch trên đất nông nghiệp đã có nhưng vẫn cần có các văn bản của các bộ ngành hướng dẫn thì mới áp dụng được vào thực tiễn.
Cụ thể là muốn áp dụng Nghị quyết số 82/NQ-CP thì cần có văn bản của Bộ TN&MT hướng dẫn cụ thể đất nông nghiệp nào, khu vực nào thì được làm du lịch, từ đó mới thực sự "cởi trói" cho du lịch nông nghiệp.
“Có cơ chế thì phát huy được nguồn lực xã hội đầu tư. Nhiều người xa quê hương rất muốn đầu tư cho quê hương, cho phát triển du lịch nông nghiệp nhưng vướng cơ chế nên không tháo gỡ được khó khăn về vốn”, bà Thực chia sẻ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia lưu ý, làm du lịch nông nghiệp cũng như làm các dự án kinh tế, cần nhớ “đi buôn có bạn, đi bán có phường”. Bởi nếu chỉ làm một mình, có một farm thì không thể đón nhiều khách, không thể phát triển chuỗi. Khi thiếu chỗ đón tiếp, thiếu dịch vụ thì sẽ gây phản tác dụng. Từ đó, cần hợp tác để xây dựng các sản phẩm du lịch, địa điểm du lịch bền vững hay hình thành các chuỗi du lịch tuần hoàn mang lại đa giá trị.
Huyền Trang