Trong các số báo ra gần đây, Thời báo Kinh Doanh liên tục phản ánh những lo ngại của các HTX, của nhiều Liên minh HTX các địa phương, trước Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ (Nghị định 50) có một số nội dung xử phạt hành chính HTX vi phạm luật, chậm chuyển đổi theo Luật HTX 2012.
Cần ứng xử “thấu tình đạt lý”
Cần phải nhắc lại, Nghị định 50 dành ít nhất 6 điều (từ Điều 45 - 50) để quy định chi tiết các hành vi vi phạm hành chính của HTX và Liên hiệp HTX, bao gồm về đăng ký kinh doanh, về vốn góp, thay đổi đăng ký, cung cấp thông tin, tổ chức lại HTX, hay các vi phạm của HTX về đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của HTX...
Và cần nói rõ thêm, khi đến hết hạn quy định của Luật HTX 2012 (ngày 30/6/2016), kết quả chuyển đổi HTX theo Luật trên cả nước chỉ đạt 39%. Thực tế đến nay, khu vực HTX còn khá nhiều tồn tại, nhất là còn số lượng lớn HTX chưa kịp chuyển đổi, hay không thể chuyển đổi theo Luật.
Như thế, các HTX cả nước lo ngại hoàn toàn có cơ sở. Bởi giữa lúc công tác chuyển đổi HTX còn ngổn ngang, thì Nghị định 50, tại Điều 49 lại xử phạt HTX chưa chuyển đổi, hay không chuyển đổi đúng Luật. Cụ thể, HTX bị thanh tra xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập không đúng và bắt buộc phải tổ chức lại HTX đúng quy định.
![]() |
HTX ở Thanh Hóa sau chuyển đổi có nhiều cơ hội phát triển bền vững
Phát biểu với Thời báo Kinh Doanh, Chủ tịch Võ Kim Cự cho biết Liên minh HTX Việt Nam đã kịp thời kiến nghị với Chính phủ và Bộ KH&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể chỉ đạo các địa phương giải quyết tốt những vấn đề phát sinh của khu vực HTX sau thời hạn chuyển đổi.
Liên minh HTX Việt Nam đề xuất với các cấp ngành phải chấp nhận để HTX có một giai đoạn chuyển tiếp, từ đó có quan điểm và giải pháp ứng xử không cứng nhắc với các HTX. Bởi trên thực tế, chính các HTX bị rơi vào thế thụ động, phải chịu lệ thuộc từ những bất cập trong quá trình chỉ đạo thực thi Luật HTX 2012 thời gian qua.
Theo Chủ tịch Võ Kim Cự, vấn đề xử lý HTX sau thời hạn chuyển đổi cần có sự uyển chuyển nhằm hỗ trợ các HTX. Trừ một số HTX vi phạm pháp luật, còn với các HTX chỉ vấp phải một số vướng mắc, đề nghị các cấp ngành phải linh hoạt xử lý “thấu tình đạt lý”, theo hướng hỗ trợ các HTX tồn tại, nhằm bảo đảm ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi chính đáng của các HTX theo pháp luật.
Xử lý rốt ráo chuyển đổi HTX
Trong giai đoạn “nước rút” chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012, Liên minh HTX Việt Nam đã kiến nghị với Trung ương, có văn bản chỉ đạo Liên minh HTX các địa phương, đồng thời cũng tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả công tác chuyển đổi HTX ở một số địa phương.
Về những tồn tại HTX sau thời hạn chuyển đổi, Chủ tịch Võ Kim Cự cho rằng phải xác định việc hỗ trợ HTX chưa kịp chuyển đổi là trách nhiệm của hệ thống Liên minh HTX. Trong đó, Liên minh HTX địa phương cần chủ động phối hợp với các ngành KH&ĐT, NN&PTNT, Tài chính, TN&MT, Nội vụ… và chính quyền quận huyện, tổ chức rà soát kỹ, phân loại các vướng mắc HTX cụ thể, từ đó, tìm ra nguyên nhân vì sao HTX chuyển đổi chậm(?)
Với trường hợp HTX chỉ vướng vài ba thủ tục chuyển đổi, vẫn đủ tiêu chí hoạt động, thì hướng dẫn HTX tổ chức lại ngay. Một số trường hợp HTX cá biệt gặp khó về vốn, lao động và đất đai, thậm chí không còn ai lãnh đạo HTX, thì chính quyền tìm giải pháp xử lý kịp thời. Nếu vượt quá thẩm quyền, địa phương sớm báo cáo lên Trung ương tìm hướng giải quyết thỏa đáng.
Một số địa phương có kinh nghiệm hay không tổ chức chuyển đổi HTX, mà quay sang giải thể HTX cũ để thành lập mới THT, rồi nâng lên HTX. Thế nhưng, dù chỉ đạo theo cách nào cũng phải làm căn cơ, thông báo thành viên đầy đủ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của thành viên tham gia HTX từ đầu.
“Tôi cho rằng khi chỉ đạo chuyển đổi HTX mà làm kỹ về tư tưởng, minh bạch thông tin và đặc biệt chính quyền các cấp vào cuộc nhiệt tình, giải quyết rốt ráo từng vướng mắc cụ thể, thì chắc chắn các HTX hoàn thành cuộc chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012”, Chủ tịch Võ Kim Cự nói.
Lưu Đoàn