Theo ông Hải, chứng khoán Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều trước chứng khoán toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. Đơn cử trong phiên giao dịch ngày 24-2, có thời điểm chứng khoán lao dốc gần 37 điểm. Tuy nhiên, ngay sau đó thị trường hồi phục và chỉ mất hơn 17 điểm. Trong phiên ngày 25/2 mới đây, thị trường tiếp tục có phiên hồi phục khi tăng thêm 7 điểm.
Xung đột Nga – Ukraine chỉ tác động tâm lý lên thị trường chứng khoán Việt Nam. (Ảnh minh hoạ) |
“Chứng khoán Việt vẫn tăng trưởng tốt do triển vọng kinh tế khá sáng sủa, dòng vốn mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước, cùng với đó là sự phục hồi kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Với các điều kiện này, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong năm nay” - ông Hải nhận định.
Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhấn mạnh, diễn biến hai phiên vừa qua cho thấy tác động hiện tại của tình hình Nga – Ukraine lên TTCK chỉ mang ý nghĩa tâm lý. Xét trên khía cạnh tổng thể cả Nga và Ukraine đều chưa phải là đối tác thương mại, dịch vụ hàng đầu của Việt Nam, nên tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam không cao.
Đánh giá về rủi ro lớn nhất trên TTCK Việt Nam năm nay, ông Tuấn cho biết, hiện tại, lạm phát trên toàn cầu đang có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam, TTCK có sự thuận lợi khi lạm phát vẫn đang duy trì ở mức khá thấp, giúp Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục có dư địa duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và ổn định ít nhất trong 6 tháng đầu năm. Điều này sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán đáng kể.
Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý, nếu các yếu tố bất thường dẫn tới áp lực lạm phát tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất ngoài dự kiến thì TTCK Việt Nam không thể tránh khỏi một nhịp điều chỉnh như TTCK thế giới.
Qua đó, các nhóm ngành đánh giá cao dựa trên góc nhìn sẽ có kết quả kinh doanh khả quan năm 2022 bao gồm bất động sản cả nhà ở và khu công nghiệp; ngành điện; ngành ngân hàng; dầu khí và bán lẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích chứng khoán Yuanta VN cho rằng, cuộc chiến tại Ukraine chỉ có tác động đến tâm lý là chính đối với chứng khoán trong nước. Về cơ bản, diễn biến thị trường trong nước vẫn có điểm sáng, không diễn ra tình trạng bán tháo hàng loạt, đặc biệt là thanh khoản tăng mạnh. Có điều nền kinh tế trong nước có thể chịu tác động của lạm phát khi giá dầu lên quá cao và trầm trọng hơn nếu cuộc chiến kéo dài.
Châu Giang