Tính đến thời điểm này, nhiều nhóm ngành cổ phiếu đều tăng giá 10%-20% so với 1 tháng trước. Ngược lại, cũng có không ít cổ phiếu giảm giá đáng kể sau đợt tăng hồi tháng 4. Theo đó, việc kiếm được lợi nhuận trong giai đoạn hiện nay không còn dễ dàng như trước khi thị trường chủ yếu đi ngang và tăng giảm đan xen.
"Kẻ khóc người cười" vì môi giới
Chia sẻ với VnBusiness, chị Lan Phương (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây cũng kiếm được kha khá trên thị trường sau thời gian lỗ nặng. Chỉ riêng mã PSH, đến nay chị đã lời gần 40% chỉ trong vài tuần nhờ bắt đúng “sóng”, chưa kể những mã khác túc tắc chơi T+2.
“Thị trường nhìn chung vẫn kém thuận lợi nhưng đợt này, môi giới báo mã tương đối ổn, hầu như là chạy. Giờ chị đóng hết tài khoản khác lại, chuyển hẳn sang chơi bên công ty chứng khoán của môi giới này rồi”, chị Phương nói.
Việc chọn lọc môi giới của nhà đầu tư đang ngày càng cao hơn, nếu không ngừng học hỏi thêm kiến thức, chuyên viên môi giới sẽ nhanh chóng bị đào thải trong cuộc đua thanh lọc. (Ảnh: Int) |
Nhà đầu tư Ngọc Giang (Hà Nội) cho biết, nhờ theo môi giới mà đánh T+2 kiếm được chút lời từ các mã như DBC của Dabaco, ITC của CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà…
Anh Giang cũng chia sẻ, trên nhóm của anh, nhiều người theo môi giới mà "kiếm được tốt lắm". Có nhà đầu tư mua 100.000 cổ phiếu FCN (Fecon) với giá hơn 11.500 đồng/cp hồi đầu tháng 5, hơn 1 tuần sau tăng giá mạnh lên 13.500 đồng/cp đã bán chốt lời và bỏ túi gần 200 triệu đồng; hay như có người lãi tới 15% nhờ “bắt” được cổ phiếu BCG của Bamboo Capital.
“Mấy người bạn trong nhóm của tôi thấy môi giới bên này khá tốt nên đang rủ nhau chuyển qua để mở tài khoản bên này”, anh Giang cho hay.
Tuy vậy, không phải ai cũng bắt đúng "sóng" và kiếm lời nhiều nhờ môi giới, vẫn có nhiều nhà đầu tư “khóc ròng”.
Theo chị Thanh Vân (Hà Nam), vì chủ quan, không theo nhân viên môi giới mà chị mất hết lợi nhuận trong đợt "sóng" tháng 5 do tự mua theo ý mình mặc môi giới gàn và giờ cổ phiếu này đang dậm chân tại chỗ ở mức giá khá cao.
Trong khi đó, nhiều người nghe theo môi giới nhưng các mã mua về liên tục giảm giá khiến họ phải “cắt lỗ” liên tục và chán nản muốn đóng tài khoản lại để tìm công ty chứng khoán khác tư vấn tốt hơn.
Chị Hoàng Tâm (Hà Nam) cho hay, trước có theo chuyên viên môi giới ở một công ty chứng khoán đầu ngành. Chuyên viên này cũng phân tích kỹ thuật khá tốt và báo cổ phiếu cũng “nhạy”. Tuy nhiên, từ khi chuyên viên này chuyển sang công ty chứng khoán khác và chị được chuyên viên thay thế chăm sóc hỗ trợ, song không được như mong muốn. Chị cảm thấy chán nản và muốn đóng tài khoản để theo chuyên viên môi giới cũ sang công ty chứng khoán mới của anh ta.
Không thay đổi sẽ bị đào thải
Có thể nói, giai đoạn 2020 - 2021, thị trường chứng khoán bùng nổ. Cùng với đó, hàng triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, do đó tham gia thị trường là lượng lớn các F0 (những người mới tham gia thị trường). Họ là những người chưa có đủ kiến thức và trải nghiệm để tự đầu tư, nên những chuyên viên môi giới chứng khoán là rất cần thiết. Đó là những người dẫn đường chỉ lối, thậm chí chỉ cần theo “phím hàng” của họ là đã kiếm được bộn tiền.
Nhờ đó, môi giới chứng khoán đã trở thành công việc cực hot với nhiều người bởi thu nhập "khủng". Không chỉ những môi giới lão luyện, ngay cả những sinh viên mới ra trường cũng dễ dàng kiếm bội nhờ sự sôi động của thị trường. Cũng vì thế, khi đó, số lượng sinh viên khối kinh tế ra trường làm môi giới bùng nổ.
Mặc dù lớp môi giới trẻ có sự năng động, nhạy bén với thị trường, song đa phần thiếu kinh nghiệm và chuyên môn. Số đông môi giới chỉ tập trung phân tích kỹ thuật, hóng tin “đội lái” mà bỏ qua yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Việc gia nhập nghề không quá khó, chỉ cần biết giao dịch, và quan trọng nhất là khả năng "sale khách" đã khiến không ít người tay ngang, đang làm việc tại những lĩnh vực khác cũng nhảy sang làm môi giới chứng khoán hoặc làm cộng tác viên môi giới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đội ngũ tư vấn không được đảm bảo.
Trong khi đó, hiện nay, đa số các công ty chứng khoán đều hoạt động theo mô hình truyền thống, sử dụng môi giới để tìm khách và hỗ trợ giao dịch. Khách hàng giao dịch càng nhiều thì thu nhập của môi giới càng lớn và ngược lại.
Theo đó, dưới áp lực doanh số, không ít môi giới chú trọng tới khối lượng giao dịch, cổ vũ mua - bán liên tục, sử dụng margin…, ít quan tâm tới hiệu quả đầu tư của khách hàng, cũng như yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và thị trường.
Vì vậy, khi thị trường biến động khó lường, việc “phím hàng” của môi giới khó khăn hơn trước, rất nhiều môi giới nghiệp dư không có khả năng hỗ trợ nhà đầu tư, thậm chí còn khiến nhà đầu tư mất mát lớn hơn. Vì thiếu kiến thức chuyên môn nên nhiều môi giới chỉ đưa ra những nhận định chung chung về diễn biến thị trường, thậm chí “gió chiều nào xoay chiều đó” không có quan điểm riêng.
Mặt khác, lớp đầu tư F0 hiện nay cũng đã dần "tốt nghiệp" sau các bài học “đau thương” trên thị trường.
Thông thường trong “uptrend”, khi mọi thứ thuận lợi, chi phí môi giới sẽ không "đáng là bao". Tuy nhiên, khi thị trường kém thuận lợi, mà việc sử dụng tư vấn từ môi giới không đem lại hiệu quả sẽ càng khiến nhà đầu tư cảm thấy "tiếc tiền" vì thực sự khoản phí môi giới cũng không hề nhỏ.
Do đó, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những môi giới dày dặn kiến thức và kinh nghiệm, có tâm, có tầm để giúp họ không “bạc đầu” qua những “con sóng” dữ, cũng như hé mở cho họ những “hàng ngon” chất lượng.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đang có xu hướng hướng tới không sử dụng môi giới, thay vào đó là sử dụng Chatbox, AI, môi giới ảo tự động… và giao dịch chứng khoán phí 0 đồng, nhằm tối ưu chi phí cho doanh nghiệp. Song, không thể phủ nhận rằng, với nhiều công ty chứng khoán, môi giới bằng con người vẫn đóng vai trò nhất định, bởi xét về lâu dài, không công ty nào có thể duy trì và làm mới hệ thống với nhiều tiện ích mà không nhận lại đồng nào.
Theo đó, nghề môi giới cũng sẽ có cuộc thanh lọc, chỉ những môi giới thật sự, có chứng chỉ hành nghề, có trình độ chuyên môn và tích cực trau dồi mới tiếp tục đồng hành cùng với các nhà đầu tư.
Theo chia sẻ của một chuyên viên môi giới, công ty chứng khoán của anh hiện chưa có kế hoạch phát triển xu hướng giao dịch chứng khoán 0 đồng. Đồng nghĩa với việc những môi giới “chạy bằng cơm” vẫn còn có chỗ đứng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không “dễ ăn” như trước, việc chọn lọc môi giới của nhà đầu tư đang ngày càng cao hơn, buộc anh phải không ngừng học hỏi thêm kiến thức nếu không sẽ nhanh chóng bị đào thải trong cuộc đua khắc nghiệt.
Hải Giang