Theo quan sát, trong thời gian gần đây, đà bán ròng mạnh của khối ngoại đang gây sự chú ý với toàn thị trường. Tính riêng trong tuần vừa qua (22-26/5), khối ngoại đã mạnh tay “xả” gần 2.400 tỷ đồng.
Ngoại bán, nội mua
Trong đó, nhóm quỹ mở như VN-Diamond, VFMVN30, E1VFVN30 (Thái Lan) là các quỹ bán mạnh nhất với giá trị rút ròng lần lượt 4,1 triệu USD, 11,9 triệu USD và 6,5 triệu USD. Trong nhóm quỹ đóng thì nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã bán ra 3,5 triệu USD, dẫn đầu nhóm này.
Đáng chú ý, đà bán ròng mạnh mẽ trong tuần qua của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước thông báo giảm lãi suất lần 3. Mặc dù chính sách này cần độ trễ nhưng giới phân tích vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ sớm khởi sắc nhờ lãi suất giảm, song động thái bán ròng của khối ngoại là một trong những nguyên nhân kìm hãm thị trường.
Trong khi khối ngoại mạnh tay bán ròng hàng nghìn tỷ đồng thì dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân lại trở thành lực đỡ cho thị trường. |
Còn nhớ, giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, dòng tiền từ dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Điều đó không chỉ giúp TTCK thoát khỏi nhiều “giông bão”, giữ nhịp cho thị trường mà còn được đánh giá là động lực quan trọng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư khi nhà đầu tư trong nước liên tục bán ra.
Tuy nhiên, sau giai đoạn 3 tháng mua ròng khoảng 1,3 tỷ USD trên TTCK Việt Nam, dòng vốn này bắt đầu có dấu hiệu rút dần ra, làm cho thị trường bị “lung lay”.
Mặc dù sau thông tin về việc quỹ ngoại Fubon ETFs được chấp thuận tăng vốn, theo đó 6.000 tỷ đồng của dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam đã giúp thị trường “hồi sức” nhưng nhìn chung đà bán ròng của khối ngoại vẫn chiếm xu hướng chính, thậm chí tần suất ngày càng lớn.
Chiều ngược lại, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân lại mang tới tín hiệu khá tích cực. Đặc biệt, có những phiên thị trường đã ghi nhận lượng mua vào của nhà đầu tư cá nhân “cân” luôn toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại, giúp thị trường giữ vững đà tăng, cũng như tạo lực đỡ cho thị trường.
Thống kê trong 9 tuần trở lại đây kể từ sau đợt giảm lãi suất đầu tiên ngày 31/3/2023, nhà đầu tư cá nhân mua ròng khớp lệnh khoảng 9.318 tỷ đồng, trong khi khối ngoại bán ròng khớp lệnh 5.879 tỷ đồng và tổ chức trong nước xả ròng 6.889 tỷ đồng…
Theo tính toán của Mirae Asset, tuần qua, nhóm cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất với tổng giá trị hơn 3.796 tỷ đồng, ngược lại nhóm tổ chức nước ngoài bán mạnh nhất với 2.354 tỷ đồng.
Nguyên nhân do đâu?
Đánh giá về nguyên nhân khối ngoại rút ròng, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS đã đưa ra 2 yếu tố chính.
Đầu tiên, dù đánh giá khả quan về triển vọng của TTCK Việt Nam trong dài hạn, nhưng khối ngoại cũng nhận thấy khả năng bứt phá mạnh của VN-Index trong năm nay là rất khó. Do đó, sau khi mua vào khá đáng kể ở thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay, động thái chốt lời đã diễn ra là bình thường.
Bên cạnh đó, liên quan đến các cơ chế chính sách của Việt Nam. Sau 3 đợt hạ lãi suất, mặt bằng lãi suất điều hành của Việt Nam đã về mức trước Covid-19. Do đó, dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn là khá hẹp và điều này ảnh hưởng đến triển vọng của TTCK ngắn hạn. Chưa kể, những thông tin cho thấy, khả năng Fed có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 7 tới đây, dù xác suất này không cao. Trong trường hợp đó, lãi suất tại Việt Nam rất khó có "cửa" để tiếp tục hạ thêm. Điều này giải thích cho hành động bán ra của khối ngoại là hợp lý.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân lại có sự linh hoạt hơn và có yếu tố đầu cơ, dù ít hay nhiều. Do đó, những thông tin tích cực đưa ra, nhất là việc đảo chiều hạ lãi suất đã kích thích trở lại phần nào dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân sau thời gian hưởng lợi mức lãi suất cao từ kênh tiền gửi ngân hàng.
Thực tế, sau các đợt giảm lãi suất, giá cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ cũng tăng mạnh hơn hẳn so với mặt bằng chung. Đây là hiệu ứng của dòng tiền đầu cơ từ nhà đầu tư cá nhân khi lãi suất giảm khiến kênh tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Còn các tổ chức, nhất là nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ròng mạnh một phần do lo ngại về mặt bằng tỷ giá sẽ biến động, đồng thời triển vọng kinh tế vĩ mô còn khó đoán, trong khi họ đã mua tích lũy rất nhiều trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 khi thị trường tạo đáy.
Việc giảm lãi suất tuy chưa tạo sức bật rõ nét trên TTCK trong ngắn hạn nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng chắc chắc vào tác động trong dài hạn sẽ kích thích tăng trưởng cũng như khuyến khích dòng vốn đầu tư nói chung. Việc giảm lãi suất cũng đang giúp hoạt động margin sôi động hơn.
Ở thời điểm hiện tại, ông Tuấn dự đoán, nhà đầu tư nước ngoài còn khá thận trọng. “Khả năng họ sẽ tiếp tục xu hướng chốt lời một phần nữa khi mà họ đã mua vào một lượng định giá tương đối thấp khi thị trường giao động từ 900 - 1.000 điểm trong cuối năm ngoái, đầu năm nay”, Kinh tế trưởng MBS nói.
Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ những năm tiền rẻ và dễ dãi, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân cuồn cuộn chảy vào thị trường khiến vai trò của khối ngoại phần nào bị lu mờ. Dù rằng nhiều ý kiến đồng thuận thời kỳ tiền rẻ đã qua, rất khó trở lại như mức thấp trong thời điểm Covid-19, song có thể kỳ vọng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và chủ trương hạ lãi suất được Chính phủ đưa ra sẽ có tác động nhất định. Cùng với đó, diễn biến xấu nhất của VN-Index thời gian trước được cho là đã đi qua và chỉ số khả năng sẽ khó có nhịp giảm điểm sâu như giai đoạn giữa tháng 11/2022, sẽ thu hút dòng tiền của nhà đầu tư các nhân trở lại mạnh mẽ hơn, giúp cân đối dòng tiền nội - ngoại trên thị trường.
Hải Giang