Theo thống kê từ 2/1 – 1/7, cổ phiếu VCR đã tăng từ 4.300 đồng/cp lên 30.200 đồng/cp, biến động giá tăng 25.900 đồng, tức tăng 602,3% sau 6 tháng. Hiện, VCR đã điều chỉnh về mức giá 28.600 đồng/cp nhưng so với đầu năm vẫn ghi nhận mức tăng 565%.
Đáng chú ý, đà tăng trưởng “vô tiền khoáng hậu” của VCR nằm trong bối cảnh đang bị kiểm soát (từ 25/2/2019) và không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế năm 2017 và 2018 là con số âm.
Số phận lênh đênh
Kết quả kinh doanh của Vinaconex ITC lại không hề tương ứng với sự thăng hoa của cổ phiếu. Kết thúc quý I/2019, công ty ghi nhận khoản lỗ gần 2 tỷ đồng dù không ghi nhận doanh thu, qua đó đẩy mức lỗ lũy kế của công ty lên 82 tỷ đồng tính tới ngày 31/3/2019.
Trước đó, trong 2 năm liền 2017 và 2018, Vinaconex ITC lần lượt báo lỗ 16 tỷ đồng và lỗ 11 tỷ đồng. Năm 2016, công ty may mắn thoát lỗ nhờ chuyển nhượng tòa nhà khách sạn Holiday View.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2019, công ty dự kiến đạt hơn 26 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế là 2,8 tỷ đồng. Thế nhưng, trong 3 tháng đầu năm, Vinaconex ITC gần như không hoạt động gì, liệu trong 3 quý cuối năm, công ty có đủ khả năng xoay chuyển tình thế?
Nếu kết quả kinh doanh năm 2019 của Vinaconex ITC không khởi sắc thì công ty sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp.
Được biết, hoạt động kinh doanh của Vinaconex ITC chủ yếu đến từ dự án Cát Bà Amitina, đồng nghĩa với việc phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi đó, vị trí của dự án này thuộc khu vực miền Bắc nên bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời vụ, tức không khai thác được quanh năm với hiệu suất cao.
Dự án này bị “đắp chiếu” nhiều năm do UBND Tp. Hải Phòng đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động đầu tư hồi năm 2017. Hiện, các vấn đề pháp lý của dự án đã được mở trở lại và Vinaconex ITC đã có kế hoạch tái khởi động nhưng công ty lại đang đối mặt với tình trạng thiếu vốn để thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn và thực hiện dự án.
Tính đến cuối năm 2018, toàn bộ tài sản của dự án này đang được đảm bảo cho khoản vay ngắn hạn và dài hạn hơn 85 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có khoản nợ thuế, nộp NSNN hơn 134 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn khác 145 tỷ đồng. Trong khi đó, kết quả kinh doanh trì trệ, lỗ lũy kế ngày càng tăng như đã nói ở trên.
Song song với kết quả kinh doanh trì trệ là lời hứa 10 năm đối với cổ đông chưa được thực hiện là việc chi trả cổ tức tiền mặt năm 2010 tỷ lệ 15% đáng lẽ phải được thực hiện vào ngày 29/6/2012 nhưng đã được lùi tới 30/3/2020.
Thực tế, việc lùi thời gian thanh toán cổ tức cho cổ đông là điều không quá mới lạ trên thị trường chứng khoán. Nhưng để cổ đông chờ đợi 10 năm như Vinaconex ITC thì không có số nhiều.
Đà tăng trưởng “bất an”
Để đạt được mức tăng trưởng “lạ kỳ” như trên là liên tiếp những chuỗi tăng kịch trần của VCR. Bắt đầu từ phiên giao dịch 7/3, VCR đã có 13 phiên tăng trần liên tiếp để quay trở lại mệnh giá và chinh phục vùng giá 15.200 đồng/cp.
Sau tăng nóng sẽ là những phiên điều chỉnh, tuy nhiên mức giảm không cao và VCR lại tiếp tục chuỗi tăng tiến về vùng giá 20.000 đồng/cp, rồi vươn lên mức 31.500 đồng/cp (phiên 20/6).
Khối lượng giao dịch từ quanh quẩn vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên được đẩy lên trăm nghìn đơn vị, rồi nhiều trăm nghìn đơn vị mỗi phiên.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, không có một thông tin hỗ trợ nào cho mức tăng của cổ phiếu ngoài thông tin dự án “sống còn” Cát Bà Aminita được tái khởi động.
Tuy nhiên, nếu chỉ với lực đẩy là dự án Cát Bà Aminita thì không thể đủ tạo ra cơn sóng thăng hoa đến bất thường của cổ phiếu VCR. Tin tốt từ dự án này đã được công bố từ tháng 11/2018 nhưng từ thời điểm đó đến hết 2 tháng đầu năm 2019, VCR vẫn chỉ loanh quanh tại vùng giá 5.000 đồng/cp.
Ngay cả thời điểm trước khi bị tạm ngừng triển khai dự án Cát Bà Amatina, cơ hội vẫn rộng mở thì thị giá VCR cũng vẫn duy trì giao dịch tại vùng giá thấp và không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong suốt 8 năm (từ năm 2011).
Nếu quan sát kỹ hơn có thể thấy cổ phiếu VCR chỉ thăng hoa sau khi ĐHĐCĐ thường niên của Vinaconex ITC được tiến hành với động thái thanh lọc nhân sự và chiến lược phát hành 3 triệu trái phiếu với giá 100.000 đồng/trái phiếu, dự kiến thu về 300 tỷ đồng.
Số tiền này được huy động để tiếp tục đầu tư dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà. Song song, Vinaconex ITC cũng thúc đẩy công tác thuê các đơn vị tư vấn để hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 ngay trong quý I/2019, nộp tiền sử dụng đất trong quý II, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chi tiết 1/500 trong quý III và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư trong quý IV.
Có ý kiến cho rằng sự thăng hoa của cổ phiếu VCR là bước “trải thảm” cho thương vụ phát hành trái phiếu này trở nên thuận lợi hơn. Theo như phương án phát hành mà công ty đưa ra tại thời điểm ngày 28/2/2019, đối tượng phát hành được xác định rõ ràng là Vinaconex (công ty mẹ của Vinaconex ITC).
Do đó, khi thị giá cổ phiếu VCR ở mức cao, ban lãnh đạo của Vinaconex cũng dễ dàng thuyết phục được cổ đông nếu quyết định đầu tư vào thương vụ này.
Vinaconex ITC cũng có thể giải quyết được các nghĩa vụ phải trả còn tồn đọng, do đó việc thực hiện phát hành là một nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.
Tất nhiên, mọi thứ chỉ là giả định nhưng thị trường chứng khoán vốn là nơi nhạy cảm với thông tin và không phải tự nhiên sự hoài nghi về một “game thổi giá” hay hoạt động của một “đội lái” với VCR lại xuất hiện.
Linh Đan