Phiên cuối tháng 5, cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục ghi nhận màn trình diễn khả quan khi VNMID-Index và VNSML-Index lần lượt tăng 0,11% và 0,81%. Ở chiều ngược lại, chỉ số VN30-Index đại diện cho nhóm bluechip giảm 0,51%. Đặc biệt, thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE vẫn tăng cao, lên trên 14.100 tỷ đồng.
Lấn át bluechip
Trước đó, trong 2 phiên gần nhất, nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn cho thấy sức mạnh vượt trội hơn hẳn thị trường chung.
Chẳng hạn, trong phiên 30/5, mặc dù những bluechip như VCB, MSN, MWG, FPT trở thành đầu kéo giúp thị trường có phiên thứ 2 liên tiếp tăng điểm, tuy nhiên sự sôi động phần đa vẫn ghi nhận tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Thống kê cho thấy có 12/14 mã thị giá dưới 10.000 đồng/cp tăng trần trên HoSE, đó là EVG, KHP, VRC, EVF, HU1, KPF, MHC, QCG, CIG, LGL, PLP, TDH.
Thông thường, việc nhóm cổ phiếu nhỏ tăng mạnh phản ánh thị trường đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng nóng. |
Hay như trong phiên 29/5, cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng ghi nhận đà tăng “bốc đầu” với hàng trăm mã tăng kịch trần xét trên cả “tam sàn”.
Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng rất tốt khi chỉ số VNMID-Index và VNSML-Index lần lượt có thêm 1,48% và 1,87% giá trị; trong khi các cổ phiếu bluechip yếu thế hơn khi VN30-Index chỉ tăng 0,84%.
Trước đà tăng nóng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại cho diễn biến của thị trường chung. Bởi thông thường, việc nhóm cổ phiếu nhỏ tăng mạnh phản ánh thị trường đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng nóng. Khi thị giá các mã bluechip, vốn hóa lớn đã quá cao, dòng tiền sẽ tìm đến những mã nhỏ hơn, hoặc chưa tăng mạnh. Chính vì vậy, khi xuất hiện hiện tượng này thường là chỉ báo một chu kỳ của thị trường đã kết thúc.
Dù vậy, bối cảnh thực tế hiện nay lại không như khoảng thời gian trước đây. Điều này có thể thấy ở mức thanh khoản thị trường đang khá tốt với khối lượng giao dịch khớp lệnh tuần thứ 3 liên tiếp duy trì trên mức trung bình 20 phiên gần đây, cho thấy dòng tiền vẫn đang trên đà trở lại tích cực.
Thực tế, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã rục rịch “nhóm lửa” ngay từ thời điểm xuất hiện nhiều thông tin chính sách vĩ mô và chính sách hỗ trợ bất động sản, ngân hàng được ban hành, đặc biệt là margin được kích hoạt sau khi lãi suất có xu hướng quay đầu giảm. Theo đó, dòng tiền đang "trú ẩn" ở kênh tiết kiệm bắt đầu dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Mặt khác, dòng tiền này chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, mà nhóm này thường có xu hướng đầu cơ. Và với chiến thuật "lướt sóng", nhà đầu tư sẽ đánh giá lãi suất giảm thì tìm kiếm mã nào đã giảm sâu để mua, thậm chí giảm dưới giá trị sổ sách, và họ chọn penny. Cho nên đây là nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn giai đoạn này. Bởi vì, không ai lướt sóng ngắn lại chọn bluechip do bluechip phải có chu kỳ nhất định.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhất là cổ phiếu penny đã giảm rất mạnh, thậm chí nhiều cổ phiếu liên tục giảm sàn. Vì vậy, với mức chiết khấu sâu và theo quy luật sau khi tích luỹ đủ, chỉ cần dòng tiền vừa đủ thì cổ phiếu penny sẽ dễ tăng nhanh, không như cổ phiếu bluechip phải cần một lượng tiền lớn.
Rủi ro điều chỉnh vẫn cao
Mặc dù đà tăng nóng của nhóm cổ phiếu nhỏ lần này được đánh giá là không đáng lo do thanh khoản đang tốt dần lên. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, nhịp tăng vừa qua thực chất chỉ là hiệu ứng tâm lý, vì nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng chưa thấy sự hồi phục đáng kể. Bởi muốn hồi phục, nhanh nhất cũng phải hết quý III/2023 mới có thể nhìn thấy bức tranh sáng hơn một chút.
“Thị trường hiện nay đang vận động cân bằng lại sau giai đoạn khó khăn vừa rồi. Để nền kinh tế và doanh nghiệp hồi phục thì cần phải đợi đến hết năm 2023, sau đó sẽ hồi phục mạnh trong năm 2024”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá.
Cũng theo ông Minh, VN-Index hiện đang tiến về vùng 1.080 - 1.085 điểm, đây là ngưỡng cản khá mạnh (được thiết lập từ hôm 5/4). Trước đó, VN-Index đã có lần áp sát ngưỡng cản này nhưng không vượt qua được, lại quay về điều chỉnh. Cho nên không dễ để vượt qua ngưỡng cản này.
Mặt khác, thị trường muốn đi lên bền vững thì cần phải có sự dẫn dắt chủ yếu bởi nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, nhưng giai đoạn này, nhóm vốn hoá lớn chưa đủ mạnh để dẫn dắt thị trường. Trong khi đó, thời gian gần đây, thị trường tăng chủ yếu do penny tăng (nhiều mã penny đã tăng 17-18%, thậm chí vài chục phần trăm), nên sắp tới cũng sẽ điều chỉnh từ penny và ảnh hưởng tới toàn thị trường.
“Thông thường, những dòng tiền "nóng" kiểu này vào nhanh cũng sẽ ra nhanh”, chuyên gia Yuanta nói.
Vì vậy, trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần tránh hiệu ứng FOMO (trạng thái tâm lý lo lắng, sợ bỏ lỡ cơ hội), hạn chế mua đuổi những cổ phiếu penny đã tăng mạnh, đề phòng có điều chỉnh khiến nhà đầu tư trở tay không kịp. Bởi, cổ phiếu penny có thể dễ vào mà khó thoát.
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư vào cổ phiếu vốn hóa nhỏ, mang tính đầu cơ cao đang được nhà đầu tư lựa chọn bởi dòng tiền vẫn chưa đủ sức mạnh để đẩy giá nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư vào cổ phiếu penny mang lại lợi nhuận cao cũng tương ứng với mức độ rủi ro cao. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và bản lĩnh, xác định đúng mức độ rủi ro trước khi tham gia.
“Kỹ năng đầu cơ penny không dành cho những tay mơ”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Fiinpeace nhấn mạnh.
Hải Giang