Sau 6 phiên giảm liên tiếp, thị trường đã khởi sắc trở lại và dưới sự dẫn dắt chính của nhóm cổ phiếu bluechip, chỉ số Vn-Index đã lần lượt dành lại những ngưỡng kháng cự vừa để mất. Trong đó, sau phiên tăng hơn 10 điểm và chinh phục mốc 975 điểm ở phiên 15/5, thị trường tiếp tục tiến bước tới ngưỡng 980 điểm.
Giảm cũng là cơ hội
Kể từ sau khi chỉ số Vn-Index vượt qua mức 1.000 điểm vào giữa tháng 3 rồi đi xuống với thanh khoản thấp bất chấp diễn biến khởi sắc từ thị trường thế giới. Không chỉ thị trường cơ sở rơi vào xu hướng giảm mà thị trường phái sinh cũng không nằm ngoài xu thế, dẫn đến việc thu hẹp cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn của các nhà đầu tư.
Thực tế, diễn biến ảm đạm của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua nằm trong bối cảnh cả thị trường trong nước và quốc tế thiếu các thông tin hỗ trợ. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang khi Mỹ quyết định nâng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và có thể áp dụng hàng rào thuế quan với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại trong tương lai gần.
Nhằm trả đũa động thái của Mỹ, từ ngày 1/6, Trung Quốc sẽ nâng thuế với hàng nghìn hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, áp dụng với một phần sản phẩm trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái.
Thị trường trong nước cũng rơi vào vùng trống thông tin khi mùa ĐHĐCĐ đã đi qua, các doanh nghiệp gần như đã hoàn thành báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2019.
Chỉ đến những phiên giao dịch gần đây, triển vọng phục hồi của các chỉ số mới được cải thiện, trạng thái bán ròng của khối ngoại vẫn được duy trì nhưng đã được thu hẹp cho thấy tâm lý đầu tư của nhóm này đang ổn định dần.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trước vùng trũng thông tin cùng các chính sách như giá điện, giá xăng tăng có thể tạo áp lực lên chỉ số CPI, do đó thị trường khó có thể kỳ vọng về một đà tăng đồng bộ.
Nhìn vào diễn biến hiện nay trên thị trường, có thể thấy hiện tượng "xanh vỏ, đỏ lòng" luôn được duy trì, các chỉ số tăng nhờ vào sự bứt phá của một vài cái tên quen thuộc như SAB (Sabeco), VIC (Vingroup), GAS (PV Gas)… còn lại hầu hết vẫn đang trong trạng thái giảm giá.
Thế nhưng, thị trường càng giảm thì cơ hội để mua vào cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt, được hưởng lợi bởi các chính sách từ tình hình kinh tế trong nước và thế giới.
Thị trường chứng khoán là nơi mà cơ hội luôn tồn tại ngay cả trong sự ảm đạm |
"Chọn mặt gửi vàng"
Theo báo cáo chiến lược đầu tư của CTCK Mirae Asset Việt Nam công bố gần đây, ngành tiện ích, vận chuyển, bán lẻ, công nghệ thông tin, dệt may và trang sức đang được đánh giá cao.
Trong năm 2019, giá nước tăng 5%, giá điện và xăng dầu đều đi lên, vì thế cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực tiện ích có thể hưởng lợi do yếu tố tâm lý thị trường và kết quả kinh doanh có thể tăng trưởng tích cực, nhất là các công ty đầu ngành như REE (CTCP Cơ điện lạnh) , PLX (Petrolimex), GAS (PV Gas), BWE (Biwase)…
Cùng với đó, tiềm năng hưởng lợi của Việt Nam từ sự di chuyển của các nhà sản xuất ra khỏi Trung Quốc bởi cuộc chiến tranh thương mại sẽ mang lại tương lai tươi sáng cho nhóm bất động sản công nghiệp.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp có kết quả kinh doanh tương đối khởi sắc và dòng tiền ổn định bởi những lợi thế như chi phí nhân công rẻ, giá thuê đất thấp… thu hút được dòng vốn FDI từ Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh sẽ sôi động hơn nhờ vào các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA) và việc tăng 10% giá sàn dịch vụ xử lý container cho các hãng tàu quốc tế cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trong ngành vận chuyển.
Đối với ngành bán lẻ, công ty chứng khoán này đánh giá là nhiều tiềm năng dựa trên 4 yếu tố bao gồm: tỷ lệ phủ của các chuỗi bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 5% tổng thị trường 7 tỷ USD; tỷ lệ phân mảng cao; thu nhập và chi tiêu bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng trưởng tốt.
Cuối cùng, các kênh phân phối hiện đại (như bán hàng online) có dấu hiện bùng nổ trong những năm gần đây nhưng lượng khách hàng đến trực tiếp cửa hàng vẫn giữ mức cao.
Các ngành như công nghệ thông tin được đánh giá cao nhờ triển vọng tăng trưởng GDP và nhu cầu hiện đại hóa nền kinh tế càng tăng, hay như ngành dệt may và trang sức được đánh giá cao nhờ thu nhập ngày càng cao của người dân.
Đặc biệt với ngành dệt may, dù tỷ giá có xu hướng tăng nhưng cũng không phải vấn đề quá lớn, thậm chí doanh nghiệp ngành này còn được hưởng lợi. Hơn nữa, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang và sẽ mang lại lợi ích tích cực cho ngành này.
Trước đó, ngành dệt may đã có một năm 2018 thành công với nhiều con số kỷ lục cả về lượng hàng xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận; đà tăng này còn được nối dài đến hết quý I/2019.
Tuy nhiên, ngay cả khi được đánh giá là tiềm năng nhưng ngành nào cũng vẫn sẽ tồn tại những "con sâu"; do đó, cơ hội chỉ dành cho những nhà đầu tư kiên trì và sáng suốt.
Linh Đan