VN-Index tăng điểm phiên thứ năm liên tiếp. Với việc nối tiếp đà tăng sau khi trở lại vùng 1.150 điểm được cho là khả năng cao chỉ số chính đã duy trì ổn định sau khi thành công lấy lại nền giá tích lũy 2 tuần trước đó và tạm thời thoát khỏi xu hướng giảm điểm ngắn hạn.
Chỉ báo tạm thời tạo đáy ngắn hạn
Dưới góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán Vietcombank nhận định chỉ số VN-Index đã hình thành nến tương tự nến hammer (cây búa) nhờ lực cầu. Xét về khung đồ thị giờ, hai chỉ báo MACD (trung bình động hội tụ phân kỳ) và RSI (chỉ báo động lượng dùng để xác định xu hướng tiếp diễn của cổ phiếu) đều đang hướng lên tích cực trở lại.
Ở khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn đang có diễn biến giao dịch nằm xa dưới đường Senkou – Span B (sử dụng dữ liệu giá trong 52 chu kỳ gần nhất) và đang có xu hướng quay trở lại để bám sát đường trung bình động MA20.
Đà tăng liên tiếp của VN-Index cùng những chỉ báo cho thấy thị trường tạm thời tạo đáy ngắn hạn. |
Giới phân tích đánh giá, thị trường chứng khoán (TTCK) đã tạm thời tạo đáy ngắn hạn ở quanh ngưỡng giá trị bình quân 200 phiên và đang trong giai đoạn tích lũy chờ tín hiệu tiếp diễn đà hồi phục.
“TTCK vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng và thoát khỏi vùng bi quan quá mức cho thấy các nhà đầu tư đang dần lạc quan hơn với diễn biến TTCK hiện tại”, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Chứng khoán MB, đợt điều chỉnh vừa qua đã đưa P/E của VN-Index xuống gần 13 lần, thấp hơn so với P/E trung bình 3 năm gần đây là 15 lần. Ngoài ra, đặt trong mối tương quan giữa thị trường chứng khoán và lãi suất, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương hoặc thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19, trong khi định giá thị trường hiện tại thấp hơn tương đối so với giai đoạn đó.
Nhiều ý kiến cho rằng trong ngắn hạn, mặc dù vẫn có những yếu tố bất định, tâm lý nhà đầu tư đang bị tác động bởi những yếu tố đến từ quốc tế và trong nước, tuy nhiên nhịp điều chỉnh của thị trường đã đưa mặt bằng định giá trên TTCK về mức hợp lý hơn trước rất nhiều. Và nếu thời gian tới không xảy biến cố lớn nào thì thị trường hiện tại đang mở ra nhiều cơ hội để đầu tư. Đặc biệt, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp tới là thời điểm để nhà đầu tư chọn lọc những doanh nghiệp có triển vọng sáng.
“Thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội đầu tư với các cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong các quý tới và định giá đã giảm về vùng hấp dẫn”, Chứng khoán ABS nhận định.
Tuy nhiên, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Smart Invest dự báo, xu hướng phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý III. Nhà đầu tư sẽ đánh giá lại kỳ vọng về sự phục hồi kết quả kinh doanh cũng như triển vọng trong tương lai. Bất kỳ tín hiệu bất lợi nào xuất hiện so với kỳ vọng trước đó cũng có thể khiến giá cổ phiếu suy giảm.
Điểm tên những nhóm ngành “sáng cửa”
SSI Research vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý III/2023 của 33 công ty, trong đó 19 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương và 14 công ty dự kiến có lợi nhuận sụt giảm.
Các công ty có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương bao gồm: Ngân hàng Á Châu (ACB), Nhựa Bình Minh (BMP), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), VietinBank (CTG), Tổng CTCP công trình Viettel (CTR), Dược Bình Định (DBD), Tập đoàn FPT (FPT), Gemadept (GMD), HDBank (HDB), Hòa Phát (HPG), MB (MBB), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), PV Drilling (PVD), Đường Quảng Ngãi (QNS), Ngân hàng Sài Gòn (STB), Techcombank (TCB), Vietcombank (VCB), Viglacera (VGC), Vinamilk (VNM), Bưu chính Viettel (VTP).
Các công ty có ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm bao gồm: BIDV (BID), Hóa chất Đức Giang (DGC), Digiworld (DGW), Cao su Đà Nẵng (DRC), Vận tải Hải An (HAH), MSB (MSB), Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Điện lực dầu khí (POW), Vận tải dầu khí (PVT), Sợi Thế Kỷ (STK), Ngân hàng Tiên Phong (TPB), VIB Bank (VIB), VPBank (VPB).
Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Chứng khoán DSC, kinh tế đang phục hồi nhưng tương đối chậm nên sẽ chưa có nhiều chuyển biến trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong mùa báo cáo tài chính quý III.
Dù vậy, một số nhóm ngành có thể ghi nhận kết quả đột biến như nhóm cổ phiếu xuất nhập khẩu do hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng cao trong quý III, nhóm cổ phiếu đầu tư công với tiến độ giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh.
KB Securities Vietnam (KBSV) cũng cho rằng nhóm cổ phiếu xuất khẩu đáng quan tâm, nhất là thủy sản và dệt may, với các yếu tố như đơn hàng phục hồi, biên lợi nhuận mở rộng, hưởng lợi từ tỷ giá tăng. Nhóm bất động sản khu công nghiệp và vận tải biển cũng đáng chú ý khi có các yếu tố tích cực tương tự.
Mở rộng hơn, Chứng khoán ABS chỉ ra những nhóm cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tốt trong quý III.
Trước hết là nhóm hàng xuất khẩu (dệt may, thủy sản, dịch vụ phần mềm, IT…) nhờ được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng như quan hệ đối tác của Việt Nam với các nước lớn.
Tiếp đó là ngành cảng và vận tải biển được hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu, giá cước vận tải tăng, phí cảng tăng, cũng như việc triển khai các dự án đầu tư mở rộng cảng biển…
Cùng với đó, nhóm đầu tư công được hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng; nhóm bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi từ tăng trưởng vốn FDI vào Việt Nam.
Cuối cùng là ngành phân bón/hóa chất/lương thực được kỳ vọng từ giá dầu, giá phân bón, hóa chất, giá lương thực tăng trên thế giới.
Hải Giang