Áp lực bán tăng trong khi cầu suy yếu vẫn là yếu tố rủi ro khiến giá cổ phiếu có thể trượt giảm đáng kể. (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, trong phiên 26/10, thanh khoản tiếp tục "tụt áp" về mức đáy mới với tổng cộng hơn 8.940 tỷ đồng được sang tay trên toàn sàn.
Trong đó, giá trị giao dịch tại sàn HoSE lùi về mức 8.050 tỷ đồng, giảm hơn 36% so với phiên giao dịch hôm qua. Con số này tiếp tục phá đáy 8.274 tỷ đồng (phiên 19/10) để rơi về vùng giao dịch thấp nhất kể từ 17/11/2020 đến nay, tức gần 2 năm.
Mặc dù thị trường không giảm quá mạnh, nhưng độ rộng lại có sự phân hóa mạnh mẽ. Toàn sàn có 511 mã giảm giá (trong đó gồm 88 mã giảm sàn) và chỉ có 355 mã tăng giá.
“Độ rộng thị trường chưa có tính lan toả, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát thêm diễn biến phiên sắp tới để xác nhận xu hướng, khả năng nhịp giảm giá có thể trở lại, hỗ trợ lúc này sẽ ở quanh vùng 950 điểm.”, Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, thanh khoản thị trường hiện vẫn duy trì mức thấp phần nào cho thấy nhà đầu tư đã trở nên ngại mua giá cao hơn. Áp lực bán tăng trong khi cầu suy yếu vẫn là yếu tố rủi ro khiến giá cổ phiếu có thể trượt giảm đáng kể.
“Nhà đầu tư nên “đứng ngoài” quan sát trong giai đoạn này để chờ đợi xu hướng được xác lập rõ ràng”, ông Minh nói.
Để xác định xu hướng thị trường, chuyên gia cũng đưa ra hai yếu tố quan trọng nhà đầu tư cần quan sát trước khi giải ngân. Đó là quan sát xu hướng của chỉ số VN-Index và sự cải thiện của dòng tiền.
Hiện tại, thanh khoản suy giảm và cạn kiệt cho thấy tâm lý của hầu hết các thành viên thị trường đã bắt đầu chán nản. Nếu thanh khoản tăng đi kèm với sự phục hồi của thị trường thì đó là một tín hiệu tích cực. Khi khối lượng giao dịch trong một tuần liên tiếp duy trì trên mức trung bình 20 phiên và có dấu hiệu tăng dần thêm thì khả năng cao thị trường sẽ sớm có nhịp tăng mới.
C.Giang