Ngày 5/4, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của các công ty thuộc tập đoàn này, với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Nhiều tiền lệ
Đáng nói, Tân Hoàng Minh không phải là trường hợp duy nhất, trước đó, ngày 6/12/2021, UBCKNN ban hành Quyết định số 837/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 600 triệu đồng đối với CTCP Tập đoàn Apec Group do có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.
Một trường hợp doanh nghiệp vi phạm cũng bị xử phạt là Tập đoàn VSETGroup. Theo đó, tập đoàn này cũng bị phạt 600 triệu đồng vì chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.
Cần định hướng nâng cao về mặt chất lượng của thị trường TPDN để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư. (Ảnh: Int) |
Hiện nay, tổng dư nợ TPDN lưu hành tại Việt Nam là trên 1,15 triệu tỷ đồng, tương đương 16,6% GDP tính đến cuối 2021. Trong đó, riêng trái phiếu bất động sản chiếm khoảng 36% tổng giá trị phát hành.
Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, song quy mô thị trường TPDN trên GDP của Việt Nam vẫn còn khá thấp nếu so với Thái Lan (25%), hay Malaysia (57%).
“Với việc hủy đợt phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh sẽ không tạo ra quá nhiều biến động lên thị trường trái phiếu Việt Nam”, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT nhận xét.
Trong báo cáo gần đây về thị trường TPDN, SSI Research dự đoán, mặt bằng lãi suất tiền gửi năm 2022 có thể tăng nhẹ 20-25 điểm phần trăm, nên chênh lệch lãi suất kênh TPDN so với kênh tiền gửi vẫn duy trì ở mức hấp dẫn, nhu cầu đầu tư TPDN vẫn cao.
Số TPDN đáo hạn năm 2022 ước khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng TPDN lưu hành. Nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn năm 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Bởi vậy, nguồn cung TPDN dự kiến vẫn rất dồi dào.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý I/2022, TPDN ước đạt hơn 40.000 tỷ đồng, duy trì xu hướng tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản vẫn chiếm trên 40% và của các tổ chức tín dụng chiếm khoảng trên 20%. Đặc biệt, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ vẫn chiếm trên 77,8%.
Tuy nhiên, lãi suất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý I/2022 có áp lực tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 do lo ngại lạm phát.
Phát triển chất, giảm rủi ro cho nhà đầu tư
Chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh chia sẻ ông rất lo trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành thị trường rủi ro rất lớn. Từ đó, gây nguy hại đến một phương thức huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế, việc siết chặt quản lý là điều cần thiết.
Theo vị chuyên gia này, chuyện phát hành trái phiếu là phải có điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, cần công khai minh bạch về tài chính cũng như là có các tài sản làm bảo chắc chắn.Ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, tiềm năng phát triển thị trường TPDN vẫn còn nhưng đây cũng là giai đoạn cần có những điều chỉnh về mặt chính sách để phát triển từ lượng chuyển sang chất.
Bộ Tài chính cho biết đang soạn thảo, sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, trong đó đề xuất đặt ra các điều kiện chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn với nhà phát hành trái phiếu, đặc biệt trái phiếu riêng lẻ.
Hiện các cơ quan quản lý nhà nước cũng thấy đang có những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư và cần phải có những điều chỉnh để nâng cao về mặt chất lượng của thị trường TPDN nói chung, nhất là theo phương thức riêng lẻ.
Thực tế, trong giai đoạn vừa qua, thị trường TPDN, nhất là thị trường TPDN phát hành theo phương thức riêng lẻ bùng nổ khi nền kinh tế có sự phát triển mạnh mẽ, nhu cầu vốn tăng lên, đồng thời nhu cầu đầu tư của các loại hình nhà đầu tư tăng lên mạnh mẽ, đa dạng hóa các kênh đầu tư.
Chỉ tính riêng năm 2021, khối lượng phát hành thành công của thị trường TPDN đạt khoảng 658.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với tổng khối lượng trái phiếu phát hành thành công của thị trường trái phiếu Chính phủ trong năm 2021. Trong đó, có trên 95% là phát hành theo hình thức phát hành riêng lẻ.
Từ đó, có thể thấy đang có những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với các nhà đầu tư và cần phải có những điều chỉnh để nâng cao về mặt chất lượng của thị trường TPDN nói chung, nhất là theo phương thức riêng lẻ.
Các chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi có doanh nghiệp sau khi phát hành trái phiếu sử dụng vốn sai mục đích hoặc không hiệu quả, cần nhanh chóng đưa thêm các công ty xếp hạng tín nhiệm có chất lượng đi vào hoạt động, tạo sự cạnh tranh, tránh tình trạng độc quyền dẫn tới chất lượng của định hạng tín nhiệm thấp.
Được biết, Hiệp hội thị trường trái phiếu cũng đang có những hoạt động để cho các hội viên hợp tác với các tổ chức uy tín và có kinh nghiệm trên thị trường quốc tế hình thành công ty định hạng tín nhiệm.
“Chúng ta đã bắt đầu lôi kéo được các công ty định hạng tín nhiệm có uy tín hàng đầu thế giới quan tâm và tham gia hợp tác với các tổ chức trong nước để chuyển giao công nghệ, kiến thức, kỹ năng và năng lực quản lý, thực thi định hạng tín nhiệm, chất lượng dần được nâng lên", ông Quỳnh cho biết.
Hải Giang