Nhiều nhà đầu tư rủ nhau tạm “nghỉ chơi” chứng khoán trong thời gian này, kéo theo thanh khoản sụt giảm, thị trường giao dịch thiếu tích cực. Tuy nhiên, những năm gần đây, hiệu ứng tháng Ngâu đã không còn tác động nhiều tới thị trường.
Đã có nhiều bất ngờ
Theo một cuộc điều tra bỏ túi với 5 nhà đầu tư chứng khoán, tất cả đều cho rằng nên tạm nghỉ chơi qua cái “đận tháng cô hồn” bởi cái cớ “tháng cô hồn kiêng đủ thứ kinh doanh, đến dân môi giới còn nói thế nữa là tiền trong túi mình”.
Chuyện kém may mắn trong tháng bảy âm lịch là theo quan niệm dân gian, chưa có một chứng minh khoa học cụ thể nào nhưng thực tế là tình trạng giao dịch èo uột của thị trường chứng khoán trong quá khứ tại thời điểm này đã từng xảy ra khá nhiều, đặc biệt là trong giai đoạn năm 2012-2015.
Nổi bật nhất là hai năm 2012 và 2013 với mức sụt giảm trên 20 điểm. Trong đó, năm 2012, Vn-Index lao dốc chủ yếu do sự cố Bầu Kiên đột ngột xuất hiện, hàng loạt nhà đầu tư khi đó đã liên tiếp bán tháo cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường xuống thấp, mỗi phiên sàn HoSE chỉ khớp lệnh 30-50 triệu cổ phiếu, trị giá giao dịch chưa đầy 1.000 tỷ đồng.
Còn năm 2013, thị trường cũng chao đảo khi bước vào tháng bảy âm lịch. Phiên đóng cửa của “tháng cô hồn” năm đó, Vn-Index còn 471,45 điểm, giảm 28,65 điểm so với hồi đầu tháng.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ với nhiều bất ngờ trong những năm gần đây khi diễn biến của các chỉ số chứng khoán lại tương đối tích cực trong tháng bảy âm lịch. Thống kê cho thấy, trong 3 năm gần đây nhất, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán là Vn-Index và HNX-Index đều tăng điểm trong “tháng cô hồn”.
Cụ thể, trong năm 2018 vừa qua, giai đoạn tháng Ngâu rơi vào khoảng từ 11/8 - 9/9, thời điểm thị trường chứng khoán không có nhiều tin tức hỗ trợ và vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh sau khi đạt đỉnh lịch sử hồi đầu năm.
Tuy nhiên, VN-Index vẫn nhích nhẹ 0,04% lên 968,90 điểm sau khi kết thúc “tháng cô hồn” trong khi HNX-Index cũng tăng 3,03% lên 111,70 điểm. Trước đó, năm 2016, 2017, chỉ số Vn-Index cũng tăng lần lượt 6,81% và 5,87%.
Rõ ràng, ảnh hưởng về tâm lý và quan niệm về tháng thiếu may mắn đã không thực sự tác động nhiều đến diễn biến các chỉ số chứng khoán quan trọng. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chứng minh tầm ảnh hưởng của tâm lý e dè “tháng cô hồn”.
Thực tế, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên thị trường trong tháng này thường thấp hơn đáng kể so với bình quân tháng trong những năm trở lại đây.
Nhiều nhà đầu tư muốn “nghỉ chơi” trong tháng Ngâu |
Quan trọng là dòng tiền
Nói về những chuyện lình xình của thị trường trong tháng bảy âm lịch, hầu hết giới phân tích đều nhận định yếu tố tâm linh chỉ đóng góp phần nhỏ.
Thực tế, tại mỗi thời điểm, thị trường sẽ bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài nên chuyện nhịp điều chỉnh xuất hiện cũng là lẽ tất yếu. Chỉ có điều mọi thứ diễn ra trùng đúng vào thời điểm dân gian quen gọi là “tháng cô hồn”.
Theo quan điểm của một vị chuyên gia, khái niệm “tháng cô hồn” hay tháng Ngâu chỉ là cái cớ, không phải yếu tố gây giảm điểm. Biến động thị trường theo ngày rất khó dự báo, quan trọng là xu hướng thực chất ra sao.
Năm 2019, thị trường chứng khoán bước vào tháng bảy âm lịch trùng với tháng 8 dương lịch, thời điểm các doanh nghiệp hoàn tất việc công bố báo cáo soát xét bán niên và rơi vào vùng trũng thông tin.
Những thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đều đã được phản ánh vào giá cổ phiếu từ tháng 6 và tháng 7. Nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua nên áp lực bán chốt lời được dự báo sẽ có chiều hướng gia tăng trong ngắn hạn.
Các nhà đầu tư lại tiếp tục bước vào giai đoạn đấu tranh tâm lý có nên xuống tiền đầu tư, liệu kết quả tươi sáng của những năm trước liệu có còn được tiếp nối.
Bên cạnh đó, một số kênh đầu tư gần đây đang gây sốt như vàng, bitcoin và đặc biệt là kênh đầu tư trái phiếu đã phần nào làm phân tán dòng tiền trên thị trường, khiến thanh khoản sụt giảm đáng kể.
Điều này đã chứng tỏ tâm lý muốn cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng tập trung vào các kênh phòng thủ vì lo ngại chiến tranh thương mại diễn biến phức tạp hơn. Theo đó, đã có khá nhiều ý kiến cho rằng tháng 8 tới sẽ là một tháng “áp lực” đối với Vn-Index.
Ngay cả khi chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, chỉ số Vn- Index đã đạt mức 991,66 và cũng có những dự báo về mốc 1.000 điểm sẽ được thiết lập trong tháng 8, nhưng điều quan trọng hơn là mốc điểm quan trọng này có giữ được hay không.
Theo đại diện của CTCK Bảo Việt, hiện Vn- Index đang biến động với biên độ lớn dần, kết hợp với việc điều chỉnh danh mục của các quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số Vn30 vào ngày 5/8 tới, các nhóm cổ phiếu trong rổ có khả năng sẽ diễn biến khó lường.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định sự tác động sẽ giới hạn trong một số phiên, chứ không ảnh hưởng quá lớn lên xu hướng chung của thị trường.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán của năm 2019 đã khác nhiều so với thị trường chứng khoán của các năm trước đó với sự góp mặt của nhiều sản phẩm mới đưa tới tay nhà đầu tư lựa chọn đầu tư hoặc dùng để quản trị rủi ro.
Nhưng có một điều không thể thay đổi, đó chính là tương quan rủi ro/lợi nhuận vẫn là vấn đề then chốt. Khi các rủi ro được cải thiện rõ ràng, hoặc giá cổ phiếu phải ở mức hấp dẫn để bù trừ được rủi ro thì dòng tiền mới vào mạnh.
Thực tế là khi lòng tham nổi lên sẽ vực dậy được cả thị trường lúc đứng bên bờ vực thẳm chứ nói gì đến “tháng cô hồn”.
Linh Đan