Theo ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), P/E trung bình 5 năm gần đây khoảng 16,5 lần, còn 10 năm gần đây ở mức 15 lần, nên mức P/E hiện tại khoảng 10-13 lần là thấp.
Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo ở mức 15%, do đó P/E forward sẽ khoảng 11,7 lần. So với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia có P/E forward khoảng 15 - 16 lần, thì hệ số P/E forward 11,7 lần của Việt Nam là ở mức thấp và khá hấp dẫn.
VN-Index đang ở vùng định giá thực sự hấp dẫn với mức P/E chỉ từ 10-13 lần. (Ảnh minh họa) |
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty quản lý Quỹ Saigon Asset Management (SAM) nêu quan điểm, trước đây khi thuyết phục, huy động vốn từ nước ngoài, P/E lúc đó khoảng 17-20 lần, định giá lúc đó không hấp dẫn. Vậy nên với mức định giá hiện tại của VN-Index chỉ từ 10-13 lần, nhà đầu tư trong nước không nên lo sợ.
“Thời điểm này đối với tôi là thời điểm mua. Nếu có tiền mặt mà không dùng margin thì tiếp tục đầu tư thời điểm này là rất tốt. Tất nhiên mỗi người có một khẩu vị khác nhau. Phần đông nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam thích lướt sóng, điều đó tùy bạn nhưng như vậy rủi ro sẽ cao hơn, các bài học quá khứ cùng những nghiên cứu đã chỉ ra những người lướt sóng khó có thể thắng vững bền và lâu dài được. Nếu bạn tiếp tục chiến lược đó thì tùy bạn, còn khẩu vị của chúng tôi là đầu tư lâu dài”, ông Louis Nguyễn nói.
Với tư cách là nhà đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) nhìn nhận, nhà đầu tư có thể giải ngân tại vùng này ở những cổ phiếu được định giá hợp lý.
Theo bà Phương, một số ngành được hưởng lợi, đặc biệt là mảng liên quan đến FDI và xuất khẩu. Bởi bức tranh lợi nhuận của những doanh nghiệp này ít biến động hơn, sức chống chọi tốt hơn và nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi trong điều kiện vĩ mô hiện thời như nhóm bất động sản khu công nghiệp, nhóm dệt may hay thủy sản.
Linh Đan