Sau khoảng thời gian lao dốc, thị trường chứng khoán ghi nhận những phiên giao dịch khá khởi sắc trong 3 tuần liên tiếp gần đây. Thậm chí, tuần qua (6-10/6), VN-Index đã có phiên bứt phá gần 17 điểm (8/6) để lấy lại mốc quan trọng 1.300 điểm. Tuy nhiên, những phiên sau đó, VN-Index đã không giữ được thành quả khi lực bán lại xuất hiện trở lại.
Dòng tiền vẫn “thờ ơ”
Có thể thấy, những nhịp rung lắc mạnh của các chỉ số chứng khoán thời gian qua đang khiến cả phe cầm cổ và phe cầm tiền đều tỏ ra khá e dè và thận trọng. Với bên đang nắm giữ cổ phiếu, nhà đầu tư chưa thực sự tự tin với đà tăng của thị trường do áp lực bán mạnh vẫn thường trực nhằm hạ nhiệt đà tăng của chỉ số. Với bên cầm tiền, nhà đầu tư cũng tỏ ra không thực sự sẵn sàng nhập cuộc, khi mà nhịp tăng có thể biến thành bẫy "bull-trap" và đẩy họ vào trạng thái "đu đỉnh".
Thực tế, trong bối cảnh thị trường đang dần có chuyển biến tích cực nhưng giao dịch trên thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, trở thành một xu hướng chung của thị trường.
Dòng tiền "mất hút" khiến thị trường chung bị ảnh hưởng, trồi sụt thất thường. |
Trong khoảng 2 năm gần đây, nhà đầu tư đã quen với dòng tiền đổ vào thị trường như thác lũ từ làn sóng nhà đầu tư mới F0. Mỗi khi thị trường biến động mạnh, lập tức thanh khoản sẽ được đẩy lên ngưỡng rất cao, mức trên 30.000 tỷ không phải quá hiếm gặp do nhà đầu tư “bất chấp” để đua lệnh.
Nhưng nay, khi chỉ số VN-Index thậm chí có thời điểm giảm hơn 200 điểm nhưng dòng tiền vẫn “mất hút” khiến nhà đầu tư cảm thấy khó hiểu và bật chế độ “phòng thủ” nhiều hơn khi nút thắt chưa được cởi bỏ.
Chẳng hạn, trong tuần qua, thống kê của FiinPro cho thấy, nhà đầu tư cá nhân đã có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp trên HoSE nhưng giá trị giảm mạnh 81% so với tuần trước đó và đạt 159 tỷ đồng, trong đó có 66,4 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Nhìn xa hơn, trong tháng 5 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt hơn 17.700 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 30% so với giá trị giao dịch trong tháng 4 và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 30.000 tỷ đồng/ngày của tháng 11/2021.
Điều đáng nói, thanh khoản liên tục sụt giảm trong khi lượng tài khoản mở mới đang liên tục tăng mạnh, thậm chí là lập kỷ lục ấn tượng trong tháng 5 khi thị trường chung “đỏ lửa”.
Tính đến cuối quý I/2022, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán ước tính lên đến 100.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm cuối tháng 3.
Mặc dù lượng tài khoản mới chưa phản ánh chính xác mức độ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán, chưa kể những tài khoản ở trạng thái "passive" (không có giao dịch), song không thể phủ nhận rằng dòng tiền vẫn đang lưỡng lự, chưa sẵn sàng “nhập cuộc”.
Chất “xúc tác” cho thị trường
Theo giới phân tích, bên cạnh vấn đề thanh khoản, thị trường chứng khoán vẫn đang gặp thách thức lớn từ áp lực lạm phát đang ngày càng lớn dần và thực tế nhiều ngân hàng đang rục rịch tăng lãi suất, thậm chí cả Big4. Điều này cho thấy thời kỳ tiền rẻ đã qua, thị trường chứng khoán sẽ không còn dễ dàng như trước.
Trong khi đó, việc Trung Quốc phong tỏa do COVID-19 với nhiều hạn chế có thể làm chậm quá trình phục hồi sản xuất công nghiệp. Tuy rằng lệnh phong tỏa đã được nới lỏng từ ngày 29/5, nhưng Trung Quốc vẫn áp dụng Chính sách zero-COVID gây ảnh hưởng đến cả thương mại trực tiếp với Việt Nam do quốc gia này là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
“Lo ngại gia tăng về lạm phát, các ngân hàng trung ương sẽ phản ứng nhanh và mạnh trước áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và việc tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến thu nhập giảm so với kỳ vọng và định giá thị trường giảm do sự thờ ơ của nhà đầu tư”, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định.
Tuy nhiên, nhìn theo góc độ tích cực, Vinacapital cho rằng, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng tốc. Hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rẻ ở mức P/E dự phóng 11,5 lần, so với mức tăng trưởng EPS dự kiến là hơn 20% cho năm 2022, và so với tỷ lệ P/E dự phóng trung bình 16,2 lần đối với các quốc gia ASEAN đang phát triển trong khu vực. Tất cả những điều này tạo tiền đề để thị trường tiếp tục tăng trong năm nay, và có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam đều đồng ý với quan điểm đó.
Bởi lẽ, trong khi thị trường giảm điểm nhưng điểm sáng là khối ngoại vẫn ghi nhận mua ròng 138 triệu USD trong tháng 5, đưa giá trị bán ròng kể từ đầu năm giảm xuống còn 8 triệu USD, từ mức 422 triệu USD của giai đoạn giữa tháng 3/2022.
Cùng với đó, khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5 đã giảm hơn 33% so với tháng 4. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ không hoảng sợ mà bán ra số cổ phiếu họ nắm giữ khi thị trường sụt giảm trong tháng 5.
Vinacapital ước tính, tổng dư nợ ký quỹ trên thị trường chứng khoán đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh trước đây trong năm nay. Mặt khác, việc Chính phủ Việt Nam chính thức triển khai gói hỗ trợ lãi vay 2% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp khác (bao gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch) có thể giúp thúc đẩy đáng kể tâm lý của các nhà đầu tư.
“Những điều này sẽ mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của thị trường”, chuyên gia của Vinacapital nhận định.
Tương tự, trong báo cáo mới đây, Dragon Capital đã đưa ra những khía cạnh tương đối khởi sắc khi một số ngành đứng ngoài xu hướng giảm của thị trường.
Cụ thể, cổ phiếu năng lượng tăng 9% nhờ xu hướng đi lên của giá dầu. Nhóm Tiện ích và Thực phẩm & Đồ uống ít bị ảnh hưởng vì hoạt động kinh doanh của nhóm này mang tính phòng thủ. Cổ phiếu nhóm xuất khẩu vẫn vững vàng nhờ giá sản phẩm tăng mạnh và nhu cầu ổn định. Cổ phiếu bán lẻ được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm vượt kỳ vọng, doanh thu tăng trưởng tốt và triển vọng nửa cuối năm tích cực so với mức nền thấp của nửa cuối năm 2021.
Đáng chú ý, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới nên không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực. Vì vậy, nếu không có thêm rủi ro mới từ thị trường thế giới đẩy giá dầu Brent lên mức bình quân 130-140 USD/ thùng, lạm phát sẽ vẫn được duy trì quanh mức 4,0% trong năm nay. Trong khi đó, đầu tư công mới chỉ đạt 6,4 tỷ USD, tương đương 27,8% mục tiêu năm.
"Nếu có thể giải quyết các khó khăn cũng như tăng tốc độ triển khai và đẩy mạnh tốc độ giải ngân trong nửa cuối năm 2022, Việt Nam sẽ có nhiều dư địa để đạt được mức tăng trưởng GDP trên 7%. Theo đó, thị trường cổ phiếu sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, bất chấp các vấn đề thách thức toàn cầu hiện hữu", Dragon Capital đánh giá.
Hải Giang