Tính từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) đã hai lần chứng kiến phiên bán tháo dữ dội. Tại phiên giao dịch ngày 25/9, VN-Index mất 39,85 điểm. Trước đó, ngày 18/8, chỉ số chung cũng "bốc hơi" 55,49 điểm.
Nguyên nhân thị trường giảm mạnh
Đáng chú ý, liên tiếp 4/5 phiên gần nhất, hàng loạt cổ phiếu rơi tự do khiến chỉ số VN-Index “bốc hơi” hơn 72 điểm, mất mốc 1.200 điểm. Mức giảm điểm mạnh này đã đưa TTCK Việt Nam dẫn đầu trong nhóm thị trường giảm trong khung thời gian 1 tuần, thậm chí là 2 tuần trở lại đây.
Những phiên giảm điểm lớn, mạnh hơn so với dự kiến của giới phân tích cho thấy thị trường biến động khó lường. |
Theo giới phân tích, TTCK đang chịu áp lực từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu. Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 11 và kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức. Điều này đã tạo ra tình hình khá căng thẳng cho tâm lý của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thông tin về sự tăng giá của tỷ giá hối đoái cùng với các biện pháp gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam liên quan đến việc phát hành tín phiếu điều tiết cung tiền trên thị trường đã khiến tâm lý thị trường trở nên không ổn định.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ, FED vẫn mở khả năng sẽ tăng lãi suất từ nay tới cuối năm. Hiện tại, lãi suất tham chiếu tại Mỹ vào khoảng 5,25 - 5,5%, cao nhất kể từ năm 2001. Ảnh hưởng của TTCK toàn cầu cũng như những áp lực trong nước liên quan tới vấn đề tỷ giá đã khiến TTCK Việt Nam cũng chịu áp lực bán tháo trong những phiên gần đây.
“Để ổn định tỷ giá, NHNN đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Song, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của NHNN”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Tương tự, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư chứng khoán VinaCapital nhận xét, TTCK trong nước đã có một đợt tăng tốt liên tục trước đó, nên xu hướng điều chỉnh có thể hiểu được, nhất là khi phía trước còn nhiều bất định về tình hình vĩ mô toàn cầu, dẫn tới các quan ngại về tình hình tỷ giá và chính sách tiền tệ ở Việt Nam.
Dưới góc độ của ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, việc TTCK giảm mạnh những ngày qua có thể bắt nguồn từ các thông tin liên quan đến tỷ giá tăng, NHNN rút ròng hàng chục ngàn tỷ đồng qua kênh tín phiếu để ổn định tỷ giá.
“Cái chính là trong lúc nhà đầu tư lo lắng khi thị trường giảm lại xuất hiện tin đồn xấu mà nhiều khả năng do chủ ý của nhà tạo lập, càng làm cho những người sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) cao hoảng sợ phải bán ra bằng mọi giá, dẫn tới bán tháo, kéo chỉ số giảm sâu”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đà giảm điểm chưa dứt?
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực như hiện nay, vẫn có không ít thông tin tích cực xuất hiện, mang tới nhiều kỳ vọng cho TTCK trong trung và dài hạn, nhất là tình hình kinh tế Việt Nam đã có khởi sắc.
Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế cũng như khu vực vẫn tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; hậu quả của dịch COVID-19 còn kéo dài; cạnh tranh chiến lược gia tăng; xung đột tại Ukraine còn phức tạp khiến kinh tế Việt Nam phải chịu "tác động kép".
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thời gian tới, NHNN quyết định giảm lãi suất hay không còn tuỳ thuộc vào động thái chính sách của FED. Nếu FED tăng lãi suất sẽ làm NHNN chần chừ trong việc tiếp tục giảm lãi suất vì việc giảm lãi suất có thể làm tăng tỷ giá, gây bất ổn trên thị trường ngoại hối và thúc đẩy các nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi TTCK Việt Nam.
“Chứng khoán Việt Nam sẽ lên xuống bất thường”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra dự báo.
Còn trong ngắn hạn, các chuyên gia cũng chỉ ra các yếu tố gần đây cho thấy đà giảm điểm của thị trường chưa có dấu hiệu đảo chiều trong “một sớm một chiều”.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, phiên giao dịch 25/9 đã xuất hiện hiện tượng "force-sell" (bán giải chấp).
Theo chuyên gia này, hiện tượng force-sell mạnh có thể sẽ còn tiếp tục khi một số nhà đầu tư bị buộc phải bán giải chấp hoặc một số khác vì lo lắng mà bán cổ phiếu.
Agriseco Research cũng nhận định, thị trường có thể vẫn sẽ tiếp tục giảm điểm. Các đợt rung lắc có thể xảy ra trong thời gian tới do lực cầu bắt đáy trở lại khi thị trường đang giảm sâu. Đặc biệt, nhiều cổ phiếu đã và đang rơi vào trạng thái bị bán giải chấp, nhất là những cổ phiếu tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua, vì vậy, rủi ro thị trường vẫn còn một nhịp giảm mạnh sắp tới là hiện hữu.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, Chứng khoán VCBS chỉ ra, trên khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đang ở hướng xuống tiêu cực, cho thấy áp lực bán vẫn có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn. Ngoài ra, việc chỉ báo DI và ADX đồng thời dâng cao cũng cho thấy việc lực bán chủ động sẽ có thể gia tăng mạnh hơn.
“Nhịp điều chỉnh này đang mạnh hơn so với dự kiến khiến cho VN-Index đánh mất toàn bộ các hỗ trợ và chạm tới hỗ trợ mạnh. Động lực trong ngắn hạn của thị trường đã bị suy giảm mạnh, do đó nếu nhịp hồi phục diễn ra trong thời gian tới sẽ chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật nhiều hơn”, Chứng khoán SHS đánh giá.
Dù vậy, trong trung và dài hạn, TTCK vẫn được đánh giá tích cực. Do đó, các chuyên gia tin rằng, thị trường giảm điểm là cơ hội để cơ cấu danh mục của mình cũng như tích lũy dần cổ phiếu, vì hiếm khi những mã tốt giảm sâu theo hiệu ứng của thị trường chung.
“Tôi cho rằng xu hướng TTCK trong vòng một năm tới sẽ vẫn tích cực. Năm sau, thị trường có nhiều điểm sáng liên quan vận hành hệ thống KRX, nâng hạng thị trường, gia tăng thu hút nhà đầu tư nước ngoài… Đặc biệt, Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hàng loạt cơ hội thu hút đầu tư, giao thương mở ra. Vì vậy, đây là thời điểm tốt nhất để nhà đầu tư lên chiến lược đầu tư rõ ràng và mua vào cổ phiếu”, Tổng Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á Huỳnh Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hải Giang