Kết phiên cuối tuần, VN-Index tăng 7,29 điểm (0,77%) lên 954,53 điểm. Song nhìn chung, thị trường không những rơi vào tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng", mà còn diễn biến tiêu cực hơn khi có 219 mã giảm kịch sàn, thậm chí giảm trong trạng thái mất thanh khoản.
Có thể hướng tới vùng điểm 900
Theo đánh giá của giới phân tích, thị trường đang rơi vào xu hướng xấu, liên tục giảm mạnh là bởi hiệu ứng bán giải chấp dây chuyền từ những đợt “call margin” thời gian gần đây.
Áp lực “call margin” vẫn được cho là đang đè nặng lên tâm lý toàn thị trường. (Ảnh: Int) |
Nói về áp lực “call margin” trên thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, một khi đã lan đến các “tài khoản lớn” thì ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt là những cổ phiếu bất động sản xuất hiện tình trạng dư bán sàn và mất thanh khoản, có nghĩa bán giải chấp nhưng không ai mua.
Bởi khi các công ty chứng khoán không thể bán ra những cổ phiếu mất thanh khoản, buộc họ sẽ phải bán các cổ phiếu khác trong danh mục để thu hồi vốn. Điều này tạo nên hiệu ứng bán lan truyền trên diện rộng và khiến VN-Index giảm mạnh.
“Thị trường có thể sẽ kiểm nghiệm những mốc điểm thấp hơn nữa. Không loại trừ khả năng VN-Index về quanh vùng hỗ trợ 900 – 920 điểm nếu tình trạng call margin chưa được cải thiện”, ông Minh nhận định.
Tương tự, các chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo vùng điểm 900 sẽ là mốc tiếp theo mà VN-Index có thể hướng đến.
Thực tế, trong thời điểm hiện tại, thị trường rơi vào khủng hoảng khiến niềm tin của nhà đầu tư vừa được nhen nhóm nhanh chóng bị dập tắt. Vấn đề nhà đầu tư quan tâm bây giờ không phải là chỉ số tăng hay giảm, mà chỉ là bao giờ áp lực bán giải chấp của nhóm cổ phiếu lớn giảm. Do đó, VN-Index sẽ khó tìm điểm cân bằng nếu tình trạng “call margin” tại những doanh nghiệp lớn chưa được giải quyết.
Chuyên gia của Yuanta chỉ ra, các doanh nghiệp sẽ có hai giải pháp để khắc phục. Thứ nhất là tăng thêm cổ phiếu để đưa tỷ lệ về ngưỡng an toàn và thứ hai là giải quyết các tài sản đảm bảo để bên cho vay không bán tiếp cổ phiếu.
Do đó, doanh nghiệp buộc phải cân được lượng margin tại các công ty chứng khoán, sau đó có động thái “trấn an” nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp đang cạn kiệt về dòng vốn, việc mua vào lượng lớn cổ phiếu để “đỡ giá” cũng là một thách thức lớn.
SGI Capital nhận xét, vòng xoáy sẽ tiếp diễn cho đến khi xuất hiện những phân hoá sau: Đó là trái phiếu của nhóm doanh nghiệp đang kinh doanh có lãi và tình hình tài chính lành mạnh sẽ thu hút được người mua mới khi giá được chiết khấu. Tiếp đó, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp có tài sản tốt có thể được các trái chủ đồng ý hoán đổi qua sản phẩm bất động sản hoặc đồng ý kỳ trả nợ dài hơn với lãi suất tốt hơn. Cuối cùng, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp không có khả năng trả nợ sẽ không có khả năng tái cơ cấu dưới bất cứ hình thức nào, và trái chủ sẽ có khả năng thu hồi được rất ít tiền gốc sau một thời gian dài.
“Nếu không có những hỗ trợ kịp thời, trong tháng tới thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực do dòng tiền hạn chế từ áp lực đáo hạn trái phiếu, call margin và triển vọng tăng trưởng xấu đi”, SGI Capital đánh giá.
Đã có những tín hiệu tích cực mới
Mặc dù vậy, dưới góc nhìn tích cực, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu khả quan về khả năng tạo đáy ngắn hạn với động lực quan trọng đến từ sự trở lại mạnh mẽ của khối ngoại.
Riêng trong 3 phiên giao dịch tuần này, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 1.400 tỷ đồng trên HoSE. Bên cạnh động thái mua gom mạnh tay của nhà đầu tư Thái Lan qua kênh DR, dòng vốn từ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang “ồ ạt” chảy vào TTCK Việt.
Mặt khác, những biến động từ nước Mỹ lại lần nữa khiến giới đầu tư Việt “phấn chấn” khi rạng sáng 11/11 (giờ Việt Nam), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJI) tăng vọt hơn 1.200 điểm (+3,7%), mạnh nhất kể từ đầu tháng 6/2020. Đây là lần thứ 16 DJI tăng trên 3% kể từ năm 2012.
Nhìn lại quá khứ, VN-Index thường diễn biến khá tích cực sau những lần DJI bứt phá. Trong 15 lần DJI tăng trên 3% trong 10 năm trở lại đây, VN-Index có đến 13 lần tăng điểm ngay phiên sau đó (xác suất lên đến 87%) và chỉ có 2 lần lệch sóng vào giai đoạn dò đáy Covid hồi tháng 3/2020.
Dù thống kê chỉ mang tính chất tham khảo nhưng việc chứng khoán Mỹ khởi sắc cũng phần nào giúp nhà đầu tư chứng khoán Việt có thêm niềm tin sau phiên giảm mạnh nhất thế giới ngày 10/11.
Đặc biệt, yếu tố có ý nghĩa quyết định thúc đẩy DJI tăng dựng đứng cũng khiến giới đầu tư trên thế giới “khấp khởi”. Đó là những con số mới đây cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát tại Mỹ được kỳ vọng sẽ mở đường cho Fed có thể nới lỏng chính sách tiền tệ đôi chút sau 4 lần tăng lãi suất 0,75 điểm % liên tiếp.
Về cơ bản, lạm phát tại Mỹ không giống lạm phát tại Việt Nam bởi sự khác biệt về trọng số trong rổ chỉ số giá tiêu dùng, những tín hiệu tích cực từ Fed có thể sẽ tạo thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ cải thiện dòng tiền vào TTCK trong thời gian tới.
Hơn nữa, nhịp giảm mạnh thời gian qua đã đưa định giá chứng khoán Việt Nam đã rẻ lại càng rẻ hơn với P/E trailling của VN-Index đã lùi về mức 9,83 lần, tương đương với các đợt khủng hoảng trong quá khứ và thấp thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 15,x.
Đáng chú ý, trong thông báo mới nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cho biết đã đăng ký tham gia làm thành viên chính thức của tổ chức Liên đoàn các Sở GDCK thế giới (World Federation of Exchanges - WFE) thay thế cho Sở GDCK Tp.Hồ Chí Minh (HoSE). Sự kiện này đặt nền móng cho vị thế và hình ảnh của Sở GDCK Việt Nam trong khu vực, giúp hướng tới thể chế hóa hợp tác khu vực và thúc đẩy hội nhập các TTCK của châu Á. Từ đó, nâng cao vị thế của TTCK Việt, thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn ngoại.
“Đây là thời điểm hợp lý để tích lũy những cổ phiếu có nội tại tốt, kết quả kinh doanh tích cực và thanh khoản cao”, Chứng khoán TPS khuyến nghị.
Hải Giang