Từ mức đáy 660 điểm, Vn-Index đã có 12 phiên tăng điểm, xen kẽ chỉ có 2 phiên giảm để tiến đến vùng 770 điểm, tương đương mức tăng hơn 100 điểm. Thị trường chứng khoán đã nhanh chóng thoát qua giai đoạn u ám của những tháng đầu năm và quay trở lại diễn biến tích cực trong tháng 4.
Người mua đúng đáy của thị trường thì rủng rỉnh những khoản lời béo bở, người lỡ bán thì tiếc nuối. Thế nhưng, các mức tăng giá của thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong ngắn hạn, sẽ không đảm bảo cho bất cứ điều gì.
Tăng trong nghi ngờ
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 đang rất đúng với quy luật sinh ra trong sự bi quan, lớn lên trong nghi ngờ với 3 giai đoạn chính.
Theo đó, giai đoạn đầu là bi quan, trong khoảng thời gian từ 24/3 - 3/4 khi chỉ số Vn-Index tăng từ dưới 600 điểm trở lại vùng 700 điểm, thời điểm này có rất nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ làm một đoạn hồi ngắn trước khi tiếp tục giảm.
Sự bi quan này đã lý giải cho động thái phần lớn giá trị giao dịch khớp lệnh tại HoSE chỉ đạt trung bình khoảng 2.500 tỷ đồng/phiên. Cùng với đó là diễn biến rung lắc của Vn-Index trong giai đoạn này, dẫn chứng như phiên 1/ 4, Vn-Index ở mức điểm thấp nhất là 657 điểm nhưng cao nhất là 685 điểm, biên độ trong phiên lên tới gần 30 điểm.
Đà rung lắc này đã tạo ra sự rủi ro khiến các nhà đầu tư trở nên e dè. Cũng từ đây, giai đoạn nghi ngờ bắt đầu diễn ra khi Vn-Index vượt ngưỡng 700 điểm và tiếp tiếp tục tăng đến vùng 760 điểm mới điều chỉnh, tạo ra một đoạn lợi nhuận gần 10% hoặc hơn cho nhiều cổ phiếu.
Cho đến hiện tại, chỉ số Vn-Index đã vươn lên đến 780 điểm, dòng tiền lan tỏa rộng ra toàn thị trường. Nhiều cổ phiếu từng giảm sâu như hàng không, dầu khí, bán lẻ tiếp tục phục hồi, nhiều mã lớn thậm chí còn tăng mạnh như VRE, VJC , VIC , VPB, HVN…
Lúc này, các nhà đầu tư có quan điểm thận trọng với thị trường đang đặt câu hỏi “liệu có bí mật gì đằng sau những diễn biến này?”. Câu hỏi đó là hoàn toàn có cơ sở khi hiện tại thị trường đang đón nhận nhiều tin xấu hơn tin tốt như dự báo về tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam có thể âm.
Hay như diễn biến dịch bệnh Covid-19 tiếp tục phức tạp và khó lường khi lan đến các khu công nghiệp, nhà máy nơi tập trung mật độ công nhân cao hơn trung bình ngoài xã hội. Bằng chứng là lệnh cách ly toàn xã hội tiếp tục được gia hạn thêm một tuần tại 2 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) và 10 tỉnh, thành trọng điểm khác.
Việc giãn cách xã hội kéo dài đồng nghĩa với việc hầu hết các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tình trạng “nằm gai nếm mật” để chờ đợi thời điểm có thể phục hồi sản xuất. Nhiều công ty đã công bố báo cáo thường niên năm 2019, nhưng kế hoạch cho năm 2020 thì còn phải chờ đợi.
Thị trường chứng khoán những ngày gần đây đã tăng mạnh trong sự nghi ngờ của nhà đầu tư |
Tương lai khó đoán
Đã có nhiều nhận định lạc quan được đưa ra như Vn-Index sẽ duy trì được sự tích cực vì các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam được nước ngoài đánh giá cao, có thể củng cố niềm tin của nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước; nhiều cổ phiếu đã rơi về vùng giá hấp dẫn...
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, mẫu hình của một cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán thường bắt đầu bằng sự giảm giá đột ngột của cổ phiếu, ngay sau đó, luôn có ít nhất một đợt hồi phục mà giới tài chính vẫn gọi lóng là “cú nảy của mèo chết” trước sự sốt sắng của dòng tiền bắt đáy đẩy giá cổ phiếu bật tăng, nhưng rồi thị trường lại tiếp tục sụt giảm nặng nề hơn nữa.
Cũng có quan điểm này, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán cũng cho biết, sự hồi phục của một bộ phận không nhỏ các cổ phiếu là do lượng call margin và cầm cố cho ngân hàng quá nhiều nên buộc phải kéo giá cổ phiếu lên. Sở dĩ nhà đầu tư nghi ngờ điều này là bởi khối ngoại vẫn không ngừng bán ròng trong suốt thời gian qua.
Tại báo cáo chiến lược của thị trường quý II của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, thị trường chứng khoán hiện tại so với cách đây hơn 10 năm đã có nhiều sự khác biệt nhưng diễn biến thị trường giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 vẫn là cơ sở quan trọng để làm tham chiếu cho các kịch bản xấu có thể diễn ra.
Với xác suất xảy ra thấp, KBSV coi mức P/E đáy của thị trường giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 (quanh mức 8 lần) là kịch bản tiêu cực nhất có thể xảy ra, tương đương vùng giá quanh 500 của chỉ số VN-Index ở thời điểm hiện tại.
Trước mắt, dễ nhận thấy rằng một phần hậu quả kinh tế của dịch bệnh đã được thể hiện qua đợt sụt giá cổ phiếu trong tháng 3. Rõ nét nhất là trường hợp những doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh vẫn duy trì được sự tích cực/ổn định như Hòa Phát, TNG, Vicostone... nhưng cổ phiếu vẫn giảm sâu.
Rõ ràng, thị trường chứng khoán hiện nay đã chuyên nghiệp hơn, dòng tiền ổn hơn nhưng so với quá khứ vẫn có một thứ chưa bao giờ thay đổi, đó chính là tâm lý của các nhà đầu tư. Tâm lý đám đông luôn là một yếu tố quan trọng quyết định sắc màu của các chỉ số.
Trong khi đó, vẫn còn hàng tá câu hỏi chưa có câu trả lời cho những sự kiện vĩ mô như dịch bệnh bao giờ chấm dứt, hậu quả đối với nền kinh tế ở mức độ nào, doanh nghiệp sẽ làm gì hậu dịch bệnh để đẩy mạnh kinh doanh... có thể khiến giới đầu tư chỉ muốn “lướt sóng” trên sàn chứng khoán.
Linh Đan