Gần đây, VN-Index duy trì nhiều phiên liên tiếp biến động quanh đường giá trung bình 20 phiên với thanh khoản cải thiện dần, độ rộng thị trường cải thiện và lực cầu giá lên gia tăng tốt ở nhiều cổ phiếu cũng như nhóm cổ phiếu.
Cơ hội dần hé mở
Trong xu hướng ngắn hạn, VN-Index đang duy trì tích lũy trong vùng 1.250-1.300 điểm với điểm cân bằng là vùng giá quanh 1.280 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên. Với diễn biến này, VN-Index được kỳ vọng vượt lên vùng 1.285 điểm. Trường hợp kém tích cực, VN-Index sẽ quay trở lại giao dịch trong vùng 1.250-1.280 điểm.
Khi thị trường chưa có nhiều “nốt thăng” như hiện tại là cơ hội để lựa chọn cổ phiếu tốt, giá hợp lý. |
Hiện, thị trường chứng khoán đang ở vũng trũng thông tin, thị trường, doanh nghiệp không có thông tin mới giúp cho nhà đầu tư phấn khích, mạnh mẽ giải ngân, cũng như thu hút dòng tiền tổ chức trong và ngoài nước. Trong khi đó, các yếu tố vĩ mô chưa đủ để hỗ trợ để thị trường bứt phá trong ngắn hạn.
Về trung và dài hạn, tình trạng lãi suất tiền gửi trong nước tăng trở lại trên 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng đang là yếu tố bất lợi cho thị trường.
“Lãi suất đang tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá trong nửa cuối năm. Nếu Ngân hàng Nhà nước muốn ổn định tỷ giá thì lãi suất phải điều chỉnh tăng trong 6 tháng cuối năm. Điều này sẽ tạo áp lực giảm điểm trên thị trường”, ông Nguyễn Xuân Hiền, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education nhận định.
Đáng chú ý, dòng tiền khối ngoại vẫn đang là điều khiến nhà đầu tư nội không thoải mái khi kéo dài trạng thái bán ròng quá lâu. Nhưng gần đây, thống kê cho thấy khối ngoại đã giảm lượng bán ròng. Sắp tới, nếu khối này tiếp tục giảm lượng bán ròng sẽ tạo tâm lý tích cực hơn cho nhà đầu tư trong nước. Hơn nữa, các yếu tố tác động tới vấn đề tỷ giá được các chuyên gia đánh giá là chưa đáng quan ngại.
Chưa kể, dòng tiền đầu tư hiện đang ổn định, có xu hướng đổ vào thị trường. Từ đầu năm, chứng khoán khả quan hơn các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản, cũng có khả năng nhiều nhà đầu tư đang chốt lời các kênh khác để đổ vào chứng khoán.
Thực tế, trong tháng 5, khối ngoại bán ròng rất mạnh với giá trị kỷ lục đạt hơn 15,6 nghìn tỷ đồng nhưng dòng tiền từ khối nội cũng rất tốt, “cân” lại được hết dòng tiền này. VN-Index từ đầu năm đã tăng khoảng 14% là minh chứng cho thấy nhà đầu tư trong nước đã dần dần đánh giá lại thị trường và doanh nghiệp, tự tin hơn vào sự phục hồi kinh tế. Đây cũng có thể coi là xu hướng mới trong vòng 2 năm trở lại đây khi mà dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân trong nước đóng vai trò quan trọng trong xu hướng của thị trường.
Mặt khác, nhiều yếu tố vĩ mô đã có sự tiến triển, như GDP đã tăng trưởng khá, xuất nhập khẩu từ đầu năm tăng khoảng 16%, chỉ số bán lẻ tăng trưởng khoảng 10%... Dư địa cho tăng trưởng GDP cuối năm tương đối tốt.
“Nhu cầu đầu tư chứng khoán sẽ tăng dần về lâu dài, đi cùng với nền kinh tế. Tuy vậy, vẫn luôn có những nhịp điều chỉnh trong xu hướng hồi phục”, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhìn nhận.
Nhóm ngành nào dẫn dắt thị trường?
Do đó, nhiều ý kiến đồng quan điểm thị trường chưa có nhiều “nốt thăng” như hiện tại là cơ hội để lựa chọn cổ phiếu tốt, giá hợp lý. Khi thị trường bùng nổ bởi các thông tin tích cực, dòng tiền quay lại, giá cổ phiếu diễn biến tốt thì tùy chiến lược mà giao dịch.
Theo ông Trần Anh Tuấn, trong 6 tháng cuối năm, một số nhóm ngành có nhiều kỳ vọng. Đó là ngành ngân hàng đang diễn biến tốt. Các luật về bất động sản có hiệu lực cũng có thể hỗ trợ cho một số doanh nghiệp ngành này. Dự kiến có thể ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm ngành trụ cột hỗ trợ cho VN-Index tăng trưởng. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các cổ phiếu.
Bên cạnh đó, khi thanh khoản thị trường cao thì nhóm công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi. Ngoài ra, các nhóm ngành dầu khí, hóa chất, hàng tiêu dùng, công nghệ đang có xu hướng tăng trưởng tốt.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng thị trường sẽ phân hóa, tốc độ tăng điểm không đồng đều giữa các nhóm ngành. Bên cạnh ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, một số nhóm cũng hưởng lợi từ yếu tố thế giới như dầu khí, hóa chất.
Từ nay đến cuối năm, nhóm ngành liên quan xuất nhập khẩu được dự báo khả quan. Hiện, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6% là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi, như logistics, cảng biển, kho bãi, hàng không, khu công nghiệp, dệt may, da giày, thủy sản.
Ngoài ra, ngành công nghệ cũng có triển vọng tích cực, khi phát triển công nghệ không chỉ là xu hướng tại Việt Nam mà là xu hướng chung trên thế giới.
Nếu nhìn ở góc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận dự báo cả năm 2024, TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm cổ phiếu tài chính, hóa chất, thép, dầu khí, công nghệ - viễn thông, hoặc nhóm cổ phiếu khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, sự phục hồi nền kinh tế sẽ là chất xúc tác cho các nhóm ngành chứng khoán, bảo hiểm với triển vọng kinh doanh tích cực.
“Tất nhiên, dư địa tăng giá của các cổ phiếu khác nhau, nên nhà đầu tư cần lưu ý về cách phân bổ vốn ưu tiên cho những mã có tiềm năng nhất và có mức định giá hấp dẫn”, chuyên gia VPS khuyến cáo.
Hải Giang