T+0 và bán khống vẫn phải chờ CPP. |
Theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, hoạt động CCP phải được triển khai trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành (1/1/2021).
Trong thời gian chưa triển khai, hoạt động CCP được thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Như vậy, thời hạn áp dụng hệ thống CPP sẽ là 3 năm sau ngày Nghị định có hiệu lực. Hệ thống CCP được cho là sẽ giải quyết được triệt để vấn đề giao dịch trong ngày (giao dịch T+0), bán khống hay giảm tỷ lệ ký quỹ thanh toán.
Hiện, nhà đầu tư phải có đủ 100% tiền tại thời điểm đặt mua cổ phiếu - điểm trừ duy nhất khiến Việt Nam chưa được FTSE Russell nâng hạng.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, với CCP, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 10-20% giá trị mua. Giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về đã có cơ sở pháp lý nhưng phải dựa trên nền tảng công nghệ. Việt Nam đang đầu tư gói thầu công nghệ toàn thị trường và dự kiến vận hành vào 2021.
SSI Research nhận định thời điểm sớm nhất để hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mới là nửa sau năm 2021, tức năm 2022 là thời điểm sớm nhất để triển khai CCP.
Trước đó, giới chuyên gia nhận định giao dịch T+0 và được bán khống cổ phiếu sẽ là cú hích giúp thị trường chứng khoán phát triển mạnh nếu dự thảo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP được thông qua. Đồng thời, giao dịch T+0 giúp thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia, khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh.
Ngoài ra, việc được phép bán khống và giao dịch T+0 cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện được các tiêu chí đánh giá của FTSE và MSCI. Từ đó, “rộng đường” nâng hạng sang thị trường mới nổi và thu hút được lượng dòng vốn ngoại lớn trong thời gian tới.
N.L