Theo quan sát của VnBusiness, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có nhiều biến động mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/5, vượt qua nỗi sợ đáo hạn phái sinh, VN-Index tăng nhẹ 0,88 điểm (+0,07%) lên mức 1.241,64 điểm, đánh dấu chuỗi 3 phiên tăng giá liên tiếp.
Lạc quan trong... dè dặt
Đáng chú ý, trước đó, trong phiên 17/5, VN-Index đã ghi nhận sự hồi phục mạnh với mức tăng 56,42 điểm (+4,81%), lấy lại ngưỡng tâm lý 1.200 điểm một cách nhanh chóng. Đây cũng là phiên tăng điểm mạnh nhất của VN-Index trong lịch sử. Còn nếu xét trên mức tăng % vốn hóa là phiên tăng mạnh thứ 15 trong lịch sử, lần gần nhất tăng mạnh hơn là phiên 6/4/2020 với mức tăng 4,98% giá trị vốn hóa.
Thanh khoản suy giảm cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn còn lưỡng lự trong việc quay trở lại thị trường. (Ảnh: Int) |
Như vậy, sau một thời gian “gồng lỗ”, trên các diễn đàn, tâm lý nhà đầu tư đã được giải tỏa phần nào. Song, bên cạnh kỳ vọng của nhiều người về giai đoạn mới tăng trưởng thần tốc của TTCK, số còn lại vẫn tỏ ra e dè trong việc quay trở lại thị trường. Bởi trước đó, chỉ số VN-Index đã giảm quá mạnh (từ 1.530 điểm về 1.160 điểm), vượt sức tưởng tượng và nhiều chuyên gia dự báo thị trường đang trong một giai đoạn giảm dài hạn. Điều này được thể hiện qua việc thanh khoản vẫn luôn ở mức thấp, thậm chí còn giảm kỷ lục, bất chấp cả trong những phiên tăng mạnh về điểm số.
Điển hình, trong phiên ngày 17/5, trái ngược với điểm số tăng kỷ lục, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, chỉ hơn 16.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn, bằng khoảng 50% so với thời kỳ sôi động nửa cuối năm 2021 và đầu 2022.
Cụ thể, tổng hợp hai sàn niêm yết trong phiên chiều 17/5 chỉ giao dịch khoảng 7.000 tỷ đồng, giảm 9% so với phiên sáng, trong đó riêng HoSE khớp lệnh 6.300 tỷ đồng.
Đến phiên 18/5, mặc dù độ rộng là rất tích cực với 425 mã tăng (151 mã tăng trần) nhưng thanh khoản khớp lệnh vẫn chưa có nhiều biến động, cũng chỉ xấp xỉ so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 15.247 tỷ đồng trên hai sàn, tương ứng với khối lượng giao dịch là 634 triệu cổ phiếu. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE giảm nhẹ 1% về mức 12.968 tỷ đồng.
Tương tự, trong phiên 19/5, thanh khoản thị trường chung cũng tương đối thấp ở cả chiều bán và mua với tổng giá trị giao dịch đạt 15.398 tỷ đồng. Riêng giá trị khớp lệnh tại HoSE giảm 10% còn 11.627 tỷ đồng.
Trước đó, trong 2 phiên thị trường kiểm định đáy mạnh mẽ (ngày 10 và 11/5), thị trường lội ngược dòng, chinh phục lại mốc 1.300 điểm một cách nhanh chóng, song giá trị khớp lệnh vẫn tiếp tục xuống mức 10.300 tỷ đồng, thấp nhất trong 16 tháng kể từ phiên 31/12/2020.
Theo giới phân tích, thanh khoản thấp một phần là do nhiều nhà đầu tư quyết định nắm giữ, không chấp nhận bán ra ở mức giá hiện tại. Bên cạnh đó, sự cộng hưởng của nhiều sự kiện từ cả trong nước và bên ngoài đã làm lung lay niềm tin và tâm lý nhà đầu tư trong thời gian qua. Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường.
Hỗ trợ thị trường ổn định trở lại
Trước những biến động “thất thường” trên TTCK thời gian qua, nhằm ổn định lại tâm lý của các nhà đầu tư, cơ quan quản lý đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, đồng thời kiên trì các giải pháp trung, dài hạn để thị trường phát triển minh bạch, bền vững.
Theo Bộ Tài chính, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 là thanh tra công ty chứng khoán, giám sát chặt chẽ giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường. Bộ cũng sẽ khẩn trương thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, các Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019.
Đồng thời, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, công ty kiểm toán được chấp thuận, doanh nghiệp niêm yết và xử lý nghiêm vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát.
Trong khi đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) cũng bắt đầu công bố trở lại thông tin số liệu tự doanh của công ty chứng khoán từ chiều 17/5. Còn Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chắc chắn sẽ công bố đúng thời hạn, trước ngày 23/5 tới.
Cuối tuần trước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) cũng đã chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là giá trung bình 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn thay vì giá đóng cửa phiên ATC để tránh những tác động đến thị trường cơ sở.
Mới đây, ngày 18/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo chính thức các hình thức kỷ luật đối với tập thể và các cá nhân là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo của SSC, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), HoSE và VSD.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định, những sai phạm của các cá nhân sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của SSC, các Sở Giao dịch chứng khoán, VSD và TTCK. Đồng thời, tin tưởng rằng, với nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ đang phát huy được hiệu quả, sự phục hồi và năng động của các doanh nghiệp, TTCK Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Dragon Capital, nền kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, có tiềm năng tăng trưởng và định giá thị trường thấp (hiện tại P/E đang ở mức 11,x lần, dưới mức trung bình 12 năm). Cùng với đó là động thái điều tiết trấn an nhà đầu tư của Chính phủ thì nhà đầu tư nên cân nhắc tận dụng cơ hội để đầu tư dài hạn với mức giá hấp dẫn. Lịch sử cho thấy sau các đợt điều chỉnh lớn trong 10 năm gần đây, thị trường đều hồi phục mạnh mẽ và chinh phục các mốc đỉnh mới.
“Nhà đầu tư nên tiếp tục kiên nhẫn trong giai đoạn khó khăn này để tránh phản ứng theo tâm lý đám đông ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Trong bối cảnh thị trường ngắn hạn biến động mạnh, thì tầm nhìn dài hạn sẽ giúp nhà đầu tư có chiến lược phù hợp hơn. Đối với các nhà đầu tư mới và dòng tiền mới, đây là cơ hội để đầu tư với mức định giá và tiềm năng tăng trưởng cực kỳ hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong dài hạn”, Dragon Capital phân tích.
Hải Giang