Trong giai đoạn cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, thị trường chứng kiến “con sóng thần” của cổ phiếu đầu cơ. Tuy nhiên, từ vụ việc bán “chui” cổ phiếu hay đấu giá Thủ Thiêm cùng với nhiều tin đồn “té nước theo mưa” lan rộng, không có lợi cho sự phát triển của thị trường đang khiến tâm lý nhà đầu tư bắt đầu trở nên thận trọng.
Dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á cho rằng, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mang dáng dấp đầu cơ sẽ bớt sôi động, vì nhà đầu tư nhận ra rủi ro cao khi tham gia cùng “đội lái”. Đây cũng là cảnh báo cho các “đội lái” thao túng giá phải chùn chân lại không thể làm quá mức như giai đoạn cuối năm 2021.
Trong bối cảnh này, dòng tiền có xu hướng rút khỏi các cổ phiếu có tính đầu cơ cao khi nhiều nhóm cổ phiếu đầu cơ ghi nhận đà lao dốc.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mang dáng dấp đầu cơ sẽ bớt sôi động trong thời gian tới. |
Theo quan sát của Vnbusiness, chỉ trong thời gian ngắn, loạt cổ phiếu "họ FLC, "họ Apec", "họ DNP" cũng như nhiều cổ phiếu trong ngành bất động sản đã giảm sâu, mất hàng chục phần trăm so với lúc đỉnh điểm.
Chẳng hạn, “Họ FLC” là nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều sau quyết định bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, cổ phiếu FLC (CTCP Tập đoàn FLC) đã rơi một mạch từ vùng 23.000 đồng/cp xuống còn 10.400 đồng/cp. Kết phiên ngày 18/04, FLC nằm sàn ở mức 7.680 đồng/cp, giảm gần 71% so với đỉnh thiết lập 3 tháng trước đây.
Cũng trong 3 tháng, cổ phiếu KLF (CTCP CFS) từ vùng giá 10.000 đồng/cp rơi xuống còn 4.500 đồng/cp (-59%), cổ phiếu ROS (CTCP Xây dựng FLC) giảm từ 16.000 đồng/cp xuống còn 4.660 đồng/cp chỉ trong vòng 3 tháng (-77%). Ngoài ra, cổ phiếu HAI (Nông dược H.A.I) và AMD (FLC Stone) cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Hay như cổ phiếu liên quan "họ DNP" cũng hình thành mô hình cây thông chỉ sau 2 tuần. Có thể thấy, kể từ phiên ngày 14/03, nhóm cổ phiếu “họ DNP” đã thu hút sự chú ý của thị trường khi kéo dài đà tăng trần liên tiếp nhiều ngày sau đó.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, nhóm cổ phiếu bao gồm DNP (Nhựa Đồng Nai), HUT (Tasco), NVT (Ninh Vân Bay), VC9 (Xây dựng số 9), JVC (Y tế Việt Nhật) “bỗng dưng” giảm sàn đồng loạt. Tính đến kết phiên ngày 18/04, nhóm này đã tạo thành mô hình cây thông khi thị giá giảm mạnh: DNP (-32%), NVT (-44%), VC9 (-50,7%), HUT (-48%), JVC (-39%) so với đỉnh tạo hồi cuối tháng 03/2022.
Trong khi đó, từ sau vụ việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất khu Thủ Thiêm, những cổ phiếu bất động sản đã ghi nhận nhiều phiên tăng trần ấn tượng trước đó đã đua nhau giảm sàn, thậm chí có cổ phiếu nhiều phiên trắng bên mua.
Chẳng hạn, thị giá của QCG (Quốc Cường Gia Lai) kết phiên 18/04 là 12.450 đồng/cp, giảm 48,7% so với đỉnh thiết lập phiên 11/01/2022; cổ phiếu DIG (Đầu tư phát triển xây dựng) giảm từ vùng giá đỉnh lịch sử 120.000 đồng/cp về vùng giá 73.200 đồng/cp và cổ phiếu CII (Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM) cũng giảm từ 58.000 đồng/cp về 28.100 đồng/cp. Một loạt các cổ phiếu khác cùng trong tình trạng tương tự như HQC (Địa ốc Hoàng Quân), CEO (CTCP Tập đoàn C.E.O), LDG (CTCP Đầu tư LDG), NBB (Năm Bảy Bảy), SCR (Địa ốc Sài Gòn Thương Tín)…
Các chuyên gia phân tích, rất có thể động thái bán tháo cổ phiếu bất động sản xuất phát từ lo ngại Ngân hàng Nhà nước "siết van" tín dụng vào lĩnh vực này, nhất là trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, sau vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành với 10.030 tỷ đồng trái phiếu do che giấu thông tin như “giọt nước làm tràn ly”, dấy lên lo ngại rủi ro của các nhà đầu tư.
Xu hướng chảy vào cổ phiếu cơ bản
Nhận định về thị trường, một số chuyên gia cho rằng, đà giảm giá mạnh của cổ phiếu đầu cơ đã kích hoạt làn sóng margin call tại các cổ phiếu này và để duy trì tỷ lệ an toàn tài sản đảm bảo, khiến nhiều nhà đầu tư phải bán một số cổ phiếu khác trong danh mục. Do đó, đà bán đã lan ra một số nhóm cổ phiếu đại chúng khiến thị trường chung giảm điểm.
Nhìn chung, sự sụt giảm của thị trường chỉ trong ngắn hạn, nhìn về dài hạn vẫn còn nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ bởi thực tế cho thấy, thị trường từng chứng kiến nhiều phen “lao đao” nhưng sau đó đều hồi rất nhanh và không mất nhiều thời gian để lấy lại những gì đã mất, thậm chí còn tiếp tục vươn đến đỉnh cao mới.
Thống kê cho thấy, trong tháng 3, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục lập đỉnh mới. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục được củng cố.
Các chuyên gia nhận định, bản chất dòng tiền không thoát khỏi thị trường mà dòng tiền đầu cơ đang luân chuyển qua các cổ phiếu cơ bản, bởi nhóm cổ phiếu cơ bản, nhóm cổ phiếu thực sự có độ tăng trưởng cũng như độ phục hồi tốt sẽ có đủ tiềm lực cũng như khả năng để có độ bứt tốc, phục hồi mạnh hơn.
“Khi tâm lý đã dịu lại dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu bluechip và midcap trong đó nhiều mã đã giảm khá sâu về vùng mua tích lũy phù hợp, giai đoạn này dòng tiền sẽ rời bỏ những cổ phiếu có yếu tố "làm giá" để tránh rủi ro”, ông Nguyễn Duy Anh, CEO công ty cổ phần Đầu tư AF1 nhận định.
Ông Huỳnh Anh Tuấn cũng dự báo, “Dòng tiền sẽ từ từ tìm đến cổ phiếu cơ bản, ngành hưởng lợi và ban quản trị tốt”.
Trong khi đó, đội ngũ phân tích chứng khoán VCBS đánh giá, nhóm cổ phiếu đầu cơ nhiều khả năng sẽ "lặng sóng" trong một thời gian dài và dòng tiền sẽ có xu hướng quay trở lại các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Anh lưu ý, nhà đầu tư cần hiểu rõ giá trị của cổ phiếu chuẩn bị xuống tiền và nên chú ý ngay cả trong ngành tốt, công ty tăng trưởng tốt nhưng nếu thị giá vượt quá giá trị sổ sách (PB) từ 2 đến 2,5 lần hoặc hơn nữa thì cũng có thể là khoản đầu tư tồi. Đặc biệt với nhà đầu tư mới tham gia thị trường nên hiểu rõ thị giá cổ phiếu trên sàn và giá mua/bán theo M&A là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau mà thường xuyên bị cố tình gây hiểu nhầm.
Hải Giang