Tâm lý tích cực của nhà đầu tư giúp các chỉ số liên tiếp đi lên, cùng dòng tiền tiếp tục được đẩy vào thị trường chứng khoán (TTCK) trong những phiên giao dịch đầu tháng 6. Nhiều phiên giao dịch vượt mốc 23.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, gấp nhiều lần so với mức trung bình của tháng 4.
Sẽ không tác động nhiều
Những tín hiệu trên phần nào cho thấy rủi ro trên TTCK đã giảm xuống đáng kể. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, rủi ro vẫn chưa hết hoàn toàn, bởi động thái của Fed trong phiên họp đang diễn ra vẫn là một câu hỏi. Thêm vào đó, trong nước, nhiều ngành sản xuất suy yếu, lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm, bất động sản vẫn chưa được “rã đông” hoàn toàn.
Các nhà đầu tư vẫn đang ngóng động thái của Fed trong kỳ họp đang diễn ra. |
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Theo đó, thị trường đang dự đoán gần như 100% khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất sau khi cuộc họp tuần này kết thúc.
Dù vậy, xét về tác động tới Việt Nam, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường, Trung tâm phân tích DSC, đây chưa phải là một thông tin tốt, đồng thời sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng tới TTCK.
Theo ông Hiệp, thông thường, thông tin về CPI của Mỹ sẽ tác động nhiều đến chứng khoán thế giới dựa trên ảnh hưởng từ kỳ vọng và tác động chính sách gián tiếp. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng nếu CPI giảm tốt, Fed có thể sớm giảm lãi suất điều hành, từ đó làm tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa của quốc gia này và tạo dư địa cho Việt Nam tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, CPI tháng 5 của Mỹ đạt 4% cũng chỉ thấp hơn một chút so với mức dự kiến (4,1%). Thêm vào đó, CPI lõi vẫn rất cao là 5,3%. Vì vậy, nhiều khả năng Fed vẫn sẽ giữ mức lãi suất điều hành ở mức cao 5% cho đến hết năm nay. Như vậy, về mặt kỳ vọng không có nhiều thay đổi
Mặt khác, về tác động chính sách, Việt Nam đã đi ngược với thị trường quốc tế khi Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp hạ lãi suất điều hành 3 lần kể từ trung tuần tháng 3, đồng thời ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, các chính sách này cần thời gian để thẩm thấu, thông thường từ 4 – 6 tháng và cũng cần thêm sự phục hồi của thị trường quốc tế trước khi có thể quay trở lại pha tăng trưởng mạnh.
Tương tự, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT CTCP Azfin Việt Nam cho rằng, quyết định của Fed sẽ không tác động nhiều đến thị trường. Bởi động thái của Fed chỉ có ảnh hưởng khi bất ngờ tăng mạnh lãi suất, còn nếu giữ nguyên hoặc tăng 0,25 điểm % thì mức độ tác động đến nền kinh tế nói chung và thị trường nói riêng không lớn.
Tận dụng cơ hội tích lũy cổ phiếu
Dù vậy, ông Phục vẫn nhấn mạnh nhà đầu tư nên chú ý hai biến số có thể tác động tiêu cực đến thị trường là xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT CTCP Azfin Việt Nam cũng đưa ra một vài thông tín tích cực. Đó là thị trường bứt phá trong bối cảnh dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân và lượng margin tại các công ty chứng khoán đã có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy nhà đầu tư cá nhân nhanh nhạy đã quay trở lại thị trường khi lãi suất có xu hướng hạ nhiệt rõ rệt.
“TTCK đã tạo đáy khi chính sách tiền tệ đảo ngược từ thắt chặt sang nới lỏng, từ lãi suất cao sang lãi suất thấp, từ hút tiền sang bơm tiền. Mặt khác, định giá chứng khoán đang ở mức 13.x lần - mức rẻ so với trung bình trong quá khứ là 16 lần”, ông Phục cho hay.
Kết hợp với vùng định giá rẻ, ông Phục cho rằng nếu nền kinh tế hồi phục thì thị trường sẽ có một con sóng lớn vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế tiếp tục suy yếu thì thị trường có thể kéo dài trạng thái đi ngang, khoảng năm 2024 thì đà tăng mới trở lại. Và nếu không có biến cố “thiên nga đen” bất ngờ như bất ổn địa chính trị hay dịch bệnh, VN-Index hoàn toàn có thể trở lại mốc 1.500 điểm.
Trong ngắn hạn, quá trình đi lên sẽ có những nhịp điều chỉnh xen kẽ và điều chỉnh để đi lên. Nhịp điều chỉnh là cần thiết để thị trường "rũ bỏ" những nhà đầu tư tâm lý yếu. Những nhịp điều chỉnh cũng là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với giá rẻ, nhất là với nhóm tài chính ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp.
Tại báo cáo mới nhất, Dragon Capital chỉ ra dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác khi mà trong nửa cuối năm 2023 sẽ có hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng đáo hạn.
Các cuộc khảo sát môi giới của Dragon Capital cũng cho thấy, nhu cầu vay ký quỹ đang dần gia tăng, là một dấu hiệu cho thấy dòng tiền lớn đang rục rịch chờ cơ hội chảy vào TTCK.
“Với việc có thêm hơn 100.000 tài khoản chứng khoán mở mới cùng với sự tăng trưởng về khối lượng giao dịch trong tháng 5 vừa qua, nhà đầu tư đã quan tâm đến các loại hình tài sản rủi ro nhiều hơn, đặc biệt khi định giá VN-Index rẻ đang mang lại lợi suất hấp dẫn hơn so với lãi suất tiền gửi đang có xu hướng giảm gần đây”, Dragon Capital nhận xét.
Do đó, quỹ ngoại này duy trì quan điểm 2023 là năm tích lũy những cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư nên thận trọng trong việc chọn lọc cổ phiếu tốt và sẵn sàng tận dụng cơ hội để đầu tư khi thị trường điều chỉnh.
“Lịch sử cho thấy vào những năm khi lãi suất giảm nhưng chưa xuất hiện tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK, tỷ suất sinh lời kỳ vọng của VN- Index là 15- 17%", Dragon Capital nêu.
Hải Giang