![]() |
Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn |
Cũng theo ông Sơn, rào cản cho việc nâng hạng bao gồm room ngoại, ký quỹ và T+2. Còn các tiêu chí như quy mô thị trường, vốn hóa, số lượng doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD... về cơ bản Việt Nam đã đạt được.
Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài – điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của việc nâng hạng, ông Sơn lý giải vấn đề này phụ thuộc vào nhiều bộ/ngành chứ không phải một mình UBCKNN quyết được. Mỗi bộ, ngành quản lý một lĩnh vực riêng, có danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện riêng.
“Còn riêng lĩnh vực chứng khoán do Uỷ ban quản lý thì độ mở tương đối lớn. Các công ty chứng khoán, quản lý quỹ hiện nay đã mở room ngoại tới 100%. Độ mở đó được thể hiện ngay từ thực tế thị trường, gần như tất cả công ty chứng khoán lớn nhất của Hàn Quốc đều đã hiện diện tại Việt Nam”, ông Sơn nhấn mạnh.
Về các vấn đề như ký quỹ, ông Sơn tỏ ra lo ngại bởi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rồi lại vay tiền để đầu tư chứng khoán là điều bất hợp lý khi Việt Nam đang mở cửa thị trường vì cần vốn và để hút vốn ngoài.
Tương tự với các vấn đề thanh toán, giao dịch bù trừ, nếu bỏ quy định 100% tiền và chứng khoán tại thời điểm giao dịch (T+0), đến T+2 nhà đầu tư không có tiền thì khó có thể xử lý lệnh giao dịch đã khớp trước đó và sẽ dẫ đến đổ vỡ thị trường.
Do đó, quan điểm của nhà điều hành là không điều chỉnh những quy định này. “Để đảm bảo an toàn nhất cho thị trường, chúng tôi vẫn phải giữ một số nguyên tắc. Sau này khi thị trường phát triển lên một cấp độ cao hơn, các công ty chứng khoán có năng lực quản trị rủi ro tốt hơn, ý thức nhà đầu tư được nâng lên, chúng ta sẽ xem xét nới quy định này”, đại diện UBCKNN khẳng định.
H.T