Vietnam Airlines nêu: do Tổng công ty có quy mô lớn, hoạt động trên toàn cầu, đồng thời Tổng công ty và các công ty con đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các hậu quả của đại dịch Covid-19, từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp, nên cần thêm thời gian cho việc đối chiếu báo cáo, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.
Không ít lý do được viện dẫn
Vì vậy, Vietnam Airlines xin tạm hoãn công bố BCTC kiểm toán năm 2022. Tuy nhiên, Vietnam Airlines không đưa ra thời gian cụ thể việc hoàn thành công bố BCTC.
Lâu nay, việc doanh nghiệp gặp vấn đề liên quan đến kiểm toán vẫn xảy ra như “cơm bữa”. (Minh họa: Int) |
Trước đó, Thép Pomina (POM) đã có đơn xin gia hạn nộp BCTC kiểm toán năm 2022 tới ngày 10/4. Lý do là bởi phía kiểm toán phải thu thập các xác nhận từ nhà cung cấp nước ngoài chưa đầy đủ nên công ty chưa thể hoàn thành theo thời hạn nộp BCTC đã kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Angimex (AGM) cũng xin hoãn thời gian công bố BCTC riêng lẻ và BCTC hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán đến ngày 30/6/2023.
Nguyên nhân được Angimex đưa ra là do công ty kiểm toán cần làm rõ về 2 gói trái phiếu của công ty, bao gồm thời gian gia hạn trả gốc, lãi của từng gói trái phiếu; phương án và lộ trình cụ thể trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
Thêm nữa, Angimex đang phối hợp với công ty kiểm toán và các đơn vị liên quan để đàm phán thống nhất với trái chủ về các vấn đề. Tuy nhiên, do việc đàm phán với trái chủ mất nhiều thời gian, vì vậy công ty đã trình xin hoãn thời gian nộp Báo cáo kiểm toán năm 2022...
Với những doanh nghiệp đã công bố BCTC, nhiều doanh nghiệp báo lỗ nhưng cũng không ít báo lãi đột biến hàng trăm tỷ đồng sau soát xét.
Chẳng hạn, sau BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022, lợi nhuận sau thuế của EVNGenco3 (PGV) đạt 2.524 tỷ đồng, tăng 191 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Một “ông lớn” ngành điện khác là PV Power (POW) cũng công bố BCTC sau kiểm toán với lợi nhuận tăng thêm 230 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Hay như BCTC kiểm toán năm 2022 của Nhiệt điện Phả Lại (PPC) ghi nhận ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán về việc công ty điều chỉnh doanh thu thoái hoàn điện năng khiến lãi ròng tăng thêm 124 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, Thép Nam Kim (NKG) công bố Báo cáo kiểm toán năm 2022 với lợi nhuận giảm thêm 57,98 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tăng lỗ lên 124,68 tỷ đồng; Vicem Coxiva (DXV) điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế 48% (gần 180 triệu đồng) sau kiểm toán. Trong khi lợi nhuận của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) giảm 12,3% so với báo cáo tự lập; lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022 của Vinaconex (VCG) “bốc hơi” 118 tỷ xuống còn 931 tỷ đồng; Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) cũng "mất" 7 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán...
Kéo theo nhiều hậu quả
Nhìn chung, việc doanh nghiệp lỗ sau kiểm toán là chuyện thường thấy trong mùa BCTC sau kiểm toán, nhưng việc tăng lãi đến hàng trăm tỷ đồng lại chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ. Và câu hỏi: có hay chăng việc doanh nghiệp cố tình “giấu lãi” được đặt ra.
Trong khi đó, một số khác lại có tiếng trong việc “chây ì” nộp BCTC, trở thành “bệnh kinh niên”.
Như trường hợp Vietnam Airlines, đây không phải lần đầu doanh nghiệp này xin hoãn công bố BCTC, mà đã có "tiền sử" nhiều lần. Điều đáng nói, việc chậm trễ liên tục của “ông lớn” ngành hàng không này lại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của doanh nghiệp (HVN) đứng trước nguy cơ dính “án” hủy niêm yết, làm dấy lên nghi hoặc: Vietnam Airlines có đang dùng kế “hoãn binh” hay không?
Thực tế, có nhiều nguyên nhân của "bệnh" chậm nộp BCTC được chỉ ra, trong đó có thể do bộ phận kế toán của doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp hay mức xử phạt hiện nay chưa đủ tính răn đe dẫn đến doanh nghiệp vẫn “tái diễn” nhiều lần do “nhờn luật”.
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định, hành vi nộp BCTC cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 3 tháng so với thời hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Mức xử phạt có thể từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi không nộp BCTC cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không công khai theo quy định.
Các chuyên gia cho rằng, “căn bệnh” chậm nộp BCTC sẽ dẫn đến nhiều hậu quả. Đó là việc thông tin thiếu rõ ràng, khiến nhà đầu tư không thể ra quyết định, hoặc quyết định thiếu chính xác hoạt động đầu tư, mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, việc này có thể tạo điều kiện cho những giao dịch nội gián, dựa trên thông tin quan trọng, không được công khai về công ty. Thực trạng này nguy hiểm bởi sẽ dẫn đến những hoạt động đầu tư thiếu bền vững, chủ yếu mang tính lướt sóng. Đó là chưa kể đến câu chuyện "chế biến" thông tin trên BCTC.
Theo chuyên gia tài chính PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, một số doanh nghiệp cố tình “vẽ báo cáo đẹp” để thực hiện các đợt phát hành thêm cổ phiếu và thu được lợi ích cao hơn từ các đợt bán cổ phần, cổ phiếu. Việc làm này là vi phạm pháp luật và sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng có các biện pháp xử phạt. Thậm chí có thể cấm doanh nghiệp này hoạt động giao dịch trên thị trường tài chính, chứng khoán.
Ngoài ra là do yếu tố chủ quan bởi những người lập báo cáo không làm tròn trách nhiệm của người làm BCTC, trong quá trình hoạt động, vấn đề hoạch toán doanh nghiệp chưa đầy đủ.
Hải Giang