Sau giai đoạn hồi phục trong tháng 8, VN-Index quay đầu, liên tục có các đợt điều chỉnh mạnh, thậm chí phá vỡ ngưỡng cản “siêu cứng” 1.200 điểm và đang trong xu hướng trôi dần về 1.100 điểm. So với thời điểm đầu năm, chỉ số chung đang thấp hơn khoảng hơn 22%. Riêng trong tháng 9 (tính đến hết 26/9), VN-Index đã mất 8,3% .
Thị trường vẫn giảm sâu bất chấp kinh tế tốt
Điều đáng nói, mức giảm của VN-Index tương đương với các thị trường chứng khoán (TTCK) lớn tại Mỹ và châu Âu đang trong thị trường gấu, mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn được chuyên gia và nhiều quỹ ngoại lớn đánh giá có tính ổn định cao hơn.
Bất chấp kinh tế được đánh giá tốt, Vn-Index vẫn không ngừng giảm điểm (Ảnh: Int) |
Có thể thấy, đà giảm của thị trường bắt đầu từ khi Fed thông báo tăng lãi suất, hàng loạt NHTW tại các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam cũng nâng lãi suất nhằm mục tiêu chống lạm phát hoặc ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá những diễn biến này sẽ không ảnh hưởng lớn đến TTCK Việt Nam. Bởi việc NHNN tăng loạt lãi suất điều hành là động thái hợp lý trong thời điểm này do mục tiêu của NHNN là kiểm soát cung tiền và lạm phát, trong quá khứ việc tăng lãi suất điều hành không ảnh hưởng nhiều đến chứng khoán.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, dù Đồng Việt Nam (VND) đã mất khoảng -4% giá trị so với USD, song xét trong khu vực ASEAN đây vẫn là một trong những đồng tiền hoạt động tốt nhất. Theo ước tính của các tổ chức trong nước, NHNN đã bán khoảng 13 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay để giữ tỷ giá.
VNDirect vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).
“Việt Nam Đồng vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất khi mà kể từ đầu năm 2022 hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực đã giảm hơn 5% so với USD”, VNDirect nhận xét.
Nói về tác động của diễn biến tăng lãi suất, Dragon Capital cho rằng TTCK Việt Nam sẽ có nhiều biến động phụ thuộc vào diễn biến trên thế giới. Dù vậy, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài đối với Việt Nam có mức độ thấp hơn nhiều so với các nước mới nổi và không mang tính hệ thống.
“Thị trường Việt Nam được đánh giá có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định”, Dragon Capital đánhgiá.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, TTCK Việt vẫn còn điểm tựa đến từ định giá hấp dẫn so với khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức cao.
Theo ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc SSI Research, thị trường trong nước vẫn được đánh giá hấp dẫn khi P/E hiện tại chỉ khoảng 12x, trong khi các thị trường khác như Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia đều cao hơn ở mức khoảng 16x.
“Triển vọng vĩ mô năm 2022 của Việt Nam khá tích cực khi tăng trưởng tốt với mức lạm phát duy trì ổn định. Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì khả quan, đạt khoảng 16,7% trong năm 2022 và 13,3% trong năm 2023”, ông Châu dự báo.
Thậm chí, Pyn Elite Fund còn dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt 25% trong năm 2022 đồng thời nhấn mạnh “Chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá đặc biệt rẻ trong tương quan với triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới”.
“Lỗi” tại hết tiền?
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đặt câu hỏi: “Vì sao các chuyên gia, các diễn đàn hô hào kinh tế tốt, nhiều cổ phiếu rẻ nhưng TTCK vẫn lình xình, thậm chí là giảm sâu”?
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty CP FIDT, đầu tư chứng khoán phụ thuộc rất lớn vào sự kỳ vọng, TTCK luôn biến động trước nền kinh tế. Hai quý đầu năm, tăng trưởng và xuất khẩu đều giảm nên TTCK phản ánh trước nửa năm. Chưa kể chi phí lãi vay đang tăng dẫn tới dòng tiền bị rút ra.
"TTCK là thị trường của dòng tiền, tiền ít thì cổ phiếu không thể lên được. Xét trong ngắn hạn, thị trường biến động theo cung cầu, về dài hạn thị trường mới phản ánh nền tảng của doanh nghiệp", ông Tuấn nhấn mạnh.
Thực tế, giai đoạn 2020 – 2021 cho đến đầu năm 2022, VN-Index liên tục tăng “nóng”, chinh phục mức đỉnh 1.500 điểm nhờ vào dòng tiền ồ ạt như thác lũ của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tuy nhiên, ngay sau đó, VN-Index quay đầu đi xuống, cùng với đó giá trị giao dịch sụt giảm nghiêm trọng. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE từ đầu tháng 9 chỉ đạt gần 12.200 tỷ đồng, giảm 14% so với tháng trước đó.
Giới phân tích cho rằng, việc thanh khoản giảm chủ yếu do dòng tiền vào của nhà đầu tư cá nhân giảm, bởi nhiều nhà đầu tư cá nhân có xu hướng rút tiền ra.
Thống kê cho thấy, từ tháng 10/2020 tới tháng 3/2022, nhà đầu tư cá nhân liên tục mua ròng - thời điểm VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng từ tháng 4-8/2022, nhà đầu tư cá nhân liên tục rút ròng với giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng do bối cảnh dòng tiền thắt chặt, lãi suất tăng khiến chi phí vốn đầu tư tăng. Chỉ số sụt giảm khiến kênh đầu tư chứng khoán bớt hấp dẫn, nền kinh tế mở cửa dẫn tới nhiều nhà đầu tư rút tiền ra để quay lại sản xuất, kinh doanh.
“Thị giá chứng khoán dựa vào nguồn tiền, định giá doanh nghiệp, tâm lý nhà đầu tư, và ý chí của một nhóm nhà đầu tư lớn. Tiền vào TTCK nhiều thì chứng khoán mới lên. Tiền rời khỏi thì TTCK đi xuống”, TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên ĐH Lincoln nêu quan điểm.
Đánh giá về dòng tiền trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc Công ty CP WiGroup cho rằng, nền kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam rất tích cực khi tăng trưởng tốt, lạm phát thấp, nhưng dòng tiền lại xấu do NHTW các nước tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá VND, dòng vốn chảy ra nước ngoài. TTCK biến động chủ yếu theo dòng tiền nên giá cổ phiếu 2022 diễn biến tiêu cực.
Ngược lại, tới năm 2023, tình hình vĩ mô sẽ rất xấu khi tăng trưởng GDP chậm lại, xuống thấp hơn mức trước dịch, áp lực lạm phát lớn hơn so với 2022 - có thể lên tới 4,1%, tức cao hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, áp lực hút ròng sẽ không còn mạnh, dòng tiền được kỳ vọng sẽ phục hồi dần.
Hải Giang