Hiện, trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã có 24 mã cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là danh sách này không có những mã cổ phiếu “ông lớn” của thị trường.
“Ông lớn” không đủ tiêu chuẩn
Theo thống kê của Thời báo Kinh Doanh, đã có 8 chứng quyền đầu tiên đáo hạn 9/9 – 30/9. Hiện, đã có thêm 4 chứng quyền mới được đưa vào giao dịch được xây dựng dựa trên các cổ phiếu HPG (Hòa Phát), MSN (Masan), VIC (Vingroup), VRE (Vincom Retail) do công ty chứng khoán (CTCK) KIS Việt Nam phát hành.
Như vậy, trong đợt phát hành mới này bên cạnh 6 cổ phiếu cơ sở được chọn lựa ban đầu đã có thêm 3 cái tên mới là MSN, VIC và VRE là những cổ phiếu có vốn hóa thuộc danh sách lớn nhất thị trường hiện nay.
Mẫu số chung của các cổ phiếu này đều là những cổ phiếu có tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành ở mức cao. Có thể kể đến như FPT (Tập đoàn FPT) có tỷ lệ 78,97%, PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) có tỷ lệ 78,14%, HPG có tỷ lệ 56,32%, VNM là 46,08%, VRE là 45%…, thấp nhất là VIC với 30%.
Để một cổ phiếu được chấp thuận trở thành chứng khoán cơ sở phải đáp ứng nhiều tiêu chí nghiêm ngặt như thuộc nhóm VN30 hoặc HNX 30, có giá trị vốn hoá trên 5.000 tỷ đồng, có lợi nhuận, tỷ lệ tự do chuyển nhượng từ 20% và không vi phạm.
Thực tế, cổ phiếu có tỷ lệ free float càng cao thì càng có khả năng thu hút đa dạng nhà đầu tư tham gia, thanh khoản tốt, hạn chế rủi ro bị làm giá. Do đó, với vai trò là sản phẩm phòng ngừa rủi ro nên việc lựa chọn cổ phiếu có cơ cấu nhà đầu tư đa dạng, thanh khoản tốt sẽ hấp dẫn và an toàn hơn so với cổ phiếu có tỷ lệ free float ở mức thấp.
Đây chính là lý do vắng bóng các “ông lớn” như GAS (PB Gas), SAB (Sabeco), VCB (Vietcombank)… trong danh mục cổ phiếu làm chứng khoán cơ sở cho CW. Cụ thể, GAS đang có tỷ lệ free float là 5%, SAB là 11%, VCB và CTG (VietinBank) là 8%… bởi sở hữu của cổ đông nhà nước, cổ đông lớn hiện nay còn quá cao.
Một “tân binh” trong rổ VN30 là BID của BIDV cũng sẽ không là cái tên sáng giá, vì cổ đông lớn nhất hiện nay của nhà băng này vẫn là Ngân hàng Nhà nước với tỷ lệ 95,28%, tương đương chỉ còn chưa đầy 5% lượng cổ phiếu được tự do chuyển nhượng.
Để CW ngày càng hấp dẫn cần có sự góp mặt của các chứng khoán cơ sở tốt |
Cải thiện để hấp dẫn dòng tiền
Hay như tại BVH (Tập đoàn Bảo Việt), Bộ Tài chính đang nắm giữ 72% vốn và cổ đông chiến lược Sumitomo Life giữ 17,5% vốn, nên tỷ lệ free loat còn lại khoảng 10%.
Một trong những điểm nổi trội của CW là nhà đầu tư có thể bỏ ra một khoản tiền ít hơn so với thị giá cơ sở và thực hiện đầu tư gián tiếp dựa vào kỳ vọng tăng giá của cổ phiếu đó với khung thời gian đa dạng 3-24 tháng.
Sức nóng của sản phẩm mới này được thể hiện ngay từ những đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO). Tính đến thời điểm hiện tại, các mã đã đáo hạn cũng đã mang lại những khoản lợi nhuận không nhỏ cho các nhà đầu tư.
Điển hình, mã CMWG1901 do BSC phát hành cũng là mã đầu tiên đáo hạn đã mang về cho các nhà đầu tư khoản lợi nhuận lên tới gần 250% với mức giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng (5/9) là 7.010 đồng/cp sau 3 tháng.
Về các chứng quyền chưa đến hạn, vị thế lãi cũng chiếm một nửa tổng số mã đang giao dịch trên thị trường, chủ yếu tập trung tại các chứng quyền có mã chứng khoán cơ sở là MWG, FPT và MBB.
Ngược lại, các chứng quyền mới phát hành đều đang ở trạng thái lỗ vị thế. Tuy nhiên, theo cơ chế hoạt động, chứng quyền sẽ không được thực hiện khi đang ở vị thế lỗ, do đó nhà đầu tư sẽ chỉ chịu mức lỗ tối đa bằng giá chứng quyền.
Rõ ràng, sau 3 tháng trải nghiệm, sản phẩm này đã chứng minh được vị thế trên TTCK nói chung, đặc biệt là lời giải cho bài toán hết room tại một số cổ phiếu.
Tuy nhiên, lượng chứng quyền trên thị trường mới chỉ khai thác được một lượng nhỏ cổ phiếu trong danh mục VN30, đặc biệt là vẫn còn phụ thuộc vào giá cổ phiếu trên thị trường cơ sở.
Do đó, sẽ là thiệt thòi khi nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn như đã nói ở trên nằm ngoài danh mục chứng khoán cơ sở được lựa chọn, nhất là khi những cổ phiếu này đều là những cái tên có tầm ảnh hưởng đến các chỉ số thị trường.
Như vậy, việc giảm vốn nhà nước, tăng tỷ lệ free float không chỉ giải quyết được vấn đề tham gia các sản phẩm mới như CW giúp các nhà đầu tư có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro, tìm kiếm lợi nhuận, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp thu hút được dòng vốn trên TTCK, nhất là các quỹ đầu tư có quy mô lớn.
Thực tế, các quỹ ETF ngoại đang hoạt động khá tích cực trên TTCK Việt Nam như VanEck Vectors Vietnam ETF hay Xtrackers FTSE Vietnam ETF đều không nắm giữ cổ phiếu GAS và BID trong danh mục do tỷ lệ sở hữu nhà nước lớn, không đáp ứng đủ tiêu chí về room ngoại còn lại.
Linh Đan