Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đã thông tin trong tháng 6/2023, doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu. Trong khi đó, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng vẫn tiếp tục bị “đội” lên.
Doanh nghiệp đối mặt với “núi nợ” trái phiếu
Theo ước tính của đơn vị này, trong tháng 6/2023 sẽ có khoảng hơn 35,53 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng 5. Trong đó, số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn tính đến ngày 23/5/2023.
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn theo tháng trong năm 2023 . |
Thống kê của VNDIRECT cho thấy tháng 6 chính là tháng đỉnh điểm khi giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ở ngưỡng cao nhất trong cả năm 2023. Hai vị trí tiếp theo lần lượt là tháng 8 (với hơn 28,3 nghìn tỷ đồng) và tháng 9 (với hơn 26,14 nghìn tỷ đồng). Tháng 2 là tháng ghi nhận giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ở mức thấp nhất trong cả năm với hơn 4,94 nghìn tỷ đồng.
Áp lực đáo hạn gia tăng, trong khi huy động cũng chỉ nhỏ giọt. Thông tin mới đây từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết trong tháng 5 chỉ có duy nhất Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo phát hành trái phiếu thành công. Cụ thể, doanh nghiệp này đã phát hành 4 đợt trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 2,6 nghìn tỷ đồng.
Ngược tiếp về tháng 4, HNX cũng đã công bố thị trường chỉ ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công của Công ty Cổ phần North Star Holdings với tổng giá trị đạt 671 tỷ đồng, có kỳ hạn trong 16 tháng với lãi suất 14%/năm.
Như vậy, trong 2 tháng đã qua của quý II, một mặt cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực đáo hạn số lượng trái phiếu đã đến hạn, một mặt lại không thể huy động thêm vốn mới thông qua phát hành trái phiếu.
Trao đổi với PV VnBusiness, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết trong tình cảnh khó khăn như hiện giờ, nếu doanh nghiệp phát hành được trái phiếu thì là điều quá tốt, tuy nhiên không dễ thực hiện.
“Thời gian qua thị trường trái phiếu có rất nhiều vấn đề tồn đọng, trong đó có chuyện bản thân doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu đã không tính toán và lường trước được hết rủi ro. Do đó, họ lại phải loay hoay tìm cách phát hành tiếp để có thể đảo nợ. Mặt khác, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải phát hành phù hợp với khả năng của mình, quá trình vay nợ cần đảm bảo và sử dụng đúng mục đích”, ông Thịnh nhận định.
Có vay nhưng chưa… có trả
Thông báo của HNX cho biết tính đến cuối tháng 5, có khoảng 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. VNDIRECT ước tính tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này rơi vào khoảng 157,71 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên toàn thị trường. Trong đó, chỉ riêng nhóm các doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán đã chiếm tới 11,3% dư nợ toàn hệ thống.
Đơn vị này cũng ước tính khoảng hơn 45,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Trong các văn bản công bố thông tin bất thường được gửi về Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, không ít lý do được nhiều doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Đơn cử như ngày 13/6, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land cho biết tổ chức phát hành chưa thu xếp đầy đủ nguồn thanh toán đối với mã trái phiếu H79CH2124017. Cụ thể, vào tháng 6/2021, Hưng Thịnh Land đã huy động 600 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 3 năm. Vậy nhưng đến ngày thanh toán lãi theo kế hoạch (ngày 12/6/2023), đơn vị này mới chỉ trả được gần 4,5 tỷ đồng, trong khi số tiền lãi phải thanh toán lên tới hơn 17,99 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, ngày 9/6, công ty này cũng đưa ra lý do tín dụng bị siết chặt, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, dòng tiền chủ đầu tư bị mất cân đối, dẫn đến tổ chức phát hành không thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán cho trái chủ đầy đủ, đúng hạn so với kế hoạch đối với mã trái phiếu H79CH2123015. Theo đó, đối với cả số tiền lãi lẫn gốc phải thanh toán của khối lượng trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng đáo hạn trong ngày 9/6/2023, đơn vị này đều mới chỉ thanh toán… 0 đồng.
Một cái tên khác là Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam trong ngày 1/6 cũng đưa ra lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán đối với 5 mã trái phiếu. Đơn vị này thông tin dự kiến thanh toán cho trái chủ vào ngày 30/6.
Có vay có trả. Theo các chuyên gia tài chính, bản thân việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu và phải trả nợ trái phiếu vốn dĩ là quy luật tự nhiên.
“Bản thân doanh nghiệp ngay khi phát hành trái phiếu đã phải tính toán rõ ràng xem mình cần lượng tiền bao nhiêu? Sau khi phát hành thì dự kiến bán được đến đâu? Lãi suất thế nào? Liệu có đủ khả năng trả được nợ vay và lãi vay đúng hạn? Có thể tiếp tục đi vay để đảo nợ, đảm bảo uy tín doanh nghiệp không? Bản thân họ phải tính toán tất cả những điều này từ trước khi phát hành, chứ không phải đến khi trả nợ mới bắt đầu tìm lối thoát”, ông Thịnh cho hay.
Theo chuyên gia này, về mặt nguyên tắc, khi trái chủ đã mua trái phiếu do doanh nghiệp phát hành thì lúc đến hạn nhà đầu tư phải được doanh nghiệp tiến hành thanh toán. Đây cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn giữ chữ tín, muốn đảm bảo sự tin tưởng từ nhà đầu tư để không chỉ những đợt phát hành sau mà còn trong đường dài hoạt động làm ăn được trôi chảy, hanh thông; thì bắt buộc phải trả nợ vay và lãi vay đúng hạn.
Vẫn biết “chữ tín còn quý hơn vàng”. Tuy nhiên thực tế đã cho thấy không phải doanh nghiệp nào cũng giữ được đúng cam kết ban đầu với trái chủ khi thị trường trái phiếu nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung như bất động sản, xây dựng,... cũng đều đương cơn bĩ cực. Thêm vào đó, với Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành ngày 5/3/2023, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để kéo dài thời gian vay nợ, giảm áp lực đáo hạn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị nếu không có khả năng trả nợ, doanh nghiệp buộc phải có những tính toán trong tình cảnh ngặt nghèo: “Liệu có thể phát hành trái phiếu tiếp không? Nếu phát hành thì sẽ huy động như thế nào? Nếu như doanh nghiệp vẫn không thu xếp được nguồn thanh toán thì phải đi vay ngân hàng, vay bạn bè, vay từ những mối quan hệ xung quanh,... để trả nợ cho trái chủ. Thậm chí nếu rơi vào cảnh cùng đường còn phải tìm cách bán tài sản hay bán “lúa non” các sản phẩm của mình để giải quyết khoản nợ. Bắt buộc doanh nghiệp phải làm được việc đó để giữ uy tín trên thương trường”.
Hà Trang