Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán (CTCK) tại thời điểm cuối quý III/2023 tăng 15.000 tỷ lên ngưỡng 165.000 tỷ đồng, tương đương giai đoạn cuối quý III năm ngoái. So với đầu năm nay, con số này đã tăng 43.000 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay tiếp tục gia tăng
Trong đó, dư nợ cho vay chủ yếu đến từ việc cho vay margin với 159.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17.000 tỷ so với cuối quý II, còn lại là ứng trước tiền bán cho nhà đầu tư. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, dư nợ margin có sự gia tăng so với thời điểm cuối quý trước. Chưa kể, số dư nợ margin chưa bao gồm cho vay 3 bên hay các "kho" chưa được thống kê.
Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một năm (từ quý I/2022), thị trường ghi nhận trở lại 6 CTCK có dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán TP HCM (HSC) đã trở lại danh sách, trong khi Mirae Asset, Chứng khoán SSI, Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) và Chứng khoán VPS tiếp tục duy trì mức dư nợ cho vay vạn tỷ.
Quý III/2023 là quý thứ 2 liên tiếp, dư nợ margin có sự gia tăng so với thời điểm cuối quý trước. (Hình minh họa) |
Theo báo cáo tài chính quý III/2023, hầu hết các CTCK đều ghi nhận dư nợ cho vay vào cuối quý tăng so với thời điểm 30/6. Riêng tại top 10 CTCK có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường, ngoại trừ VPS và Chứng khoán KIS ghi nhận sụt giảm nhẹ, toàn bộ các tên tuổi còn lại đều đã mở rộng quy mô hoạt động cho vay trong quý vừa qua.
Trong đó, SSI, TCBS, HSC, VNDirect và Chứng khoán MB ghi nhận dư nợ cho vay tăng trên nghìn tỷ trong quý III. TCBS là CTCK có dư nợ cho vay tăng mạnh nhất, tăng hơn 2.600 tỷ đồng lên mức 12.827 tỷ. Hai công ty dẫn đầu về dư nợ là Mirae Asset và SSI tăng lần lượt 282 tỷ và 1.830 tỷ đồng so với cuối quý II.
Đáng chú ý, tại cùng thời điểm 30/9/2023, vốn hoá hai sàn HoSE và HNX đạt hơn 4,93 triệu tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ dư nợ cho vay/vốn hoá hai sàn ước đạt khoảng 3,3%. Con số này tiếp tục tăng 0,1 điểm % so với thời điểm cuối quý II và ngày càng tiến sát với mức cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn quý III/2022 (3,4%). Cần lưu ý, phần lớn dư nợ cho vay trên thị trường hiện là cho vay margin.
So sánh với điểm số thị trường, tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa thị trường tiến sát vùng đỉnh trong bối cảnh VN-Index loanh quanh trong việc giữ mốc 1.100 điểm. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang mạnh dạn hơn trong việc vay nợ để đầu tư dù VN-Index vẫn “hụt hơi”.
Mới đây, Chứng khoán SSI thông báo đã quyết định xin ý kiến cổ đông thông qua phương án chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành hơn 302 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tổng số tiền thu được dự kiến nếu thực hiện 100% quyền là 2,3 nghìn tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến giai đoạn 2023-2024 hoặc giai đoạn khác sau khi được HĐQT phê duyệt.
Chứng khoán SSI cho biết mục đích của chào bán cổ phiếu nhằm bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư và hoạt động cho vay ký quỹ.
Động thái tăng vốn của CTCK đầu ngành này phần nào cho thấy nhu cầu margin của thị trường vẫn khá cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong "cơ" vẫn có "nguy"
Có thể thấy, giao dịch cho vay ký quỹ mang lại lợi ích cho cả các chủ thể trên thị trường. Với nhà đầu tư, margin góp phần gia tăng lợi nhuận. Cụ thể, nếu sử dụng margin với tỷ lệ là 50% thì lợi suất mang lại có thể cao hơn gần 2 lần so với không sử dụng margin.
Còn với CTCK, margin mang lại nguồn doanh thu ổn định vì thị trường tăng hay giảm thì các nhà đầu tư đều sử dụng margin. Với thị trường, margin góp phần gia tăng của thanh khoản, vốn hóa và hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.
Thực tế, việc hạ lãi suất tiền gửi khiến thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn, thúc đẩy các nhà đầu tư giao dịch và tận dụng đòn bẩy để nắm bắt cơ hội đầu tư. Bởi, môi trường lãi suất hạ nhiệt góp phần giảm chi phí vốn, giúp các CTCK có thêm dư địa để giảm lãi suất margin. Nhiều CTCK đã đưa ra các gói ưu đãi lãi suất, chính sách hấp dẫn nhằm kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Ngoài ra, sự thuận lợi hơn về công nghệ cộng thêm việc các CTCK chủ động huy động vốn mở rộng dư địa cho vay cũng giúp đáp ứng dễ dàng hơn nhu cầu margin của thị trường.
Dù vậy, margin cũng mang lại không ít rủi ro. Nếu thị giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường sụt giảm sâu do tác động từ thông tin tiêu cực thì nhà đầu tư có nguy cơ thua lỗ lớn, nếu sử dụng margin với tỷ lệ là 50% thì mức lỗ sẽ gấp đôi so với việc không vay.
Còn các CTCK có thể gặp rủi ro tín dụng khi không thu được nợ hoặc khách hàng không thực hiện nghĩa vụ nợ theo hợp đồng; rủi ro thanh toán khi công ty bị thiếu hụt số dư tiền hay chứng khoán trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch trong ngày.
Kéo theo đó, thị trường chứng khoán bị tác động mạnh từ hoạt động giải chấp trên quy mô lớn của các CTCK, tức bán chứng khoán của nhà đầu tư nếu họ không kịp thời bổ sung tài sản để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định. Chưa kể khi margin tăng quá cao, chỉ một nhịp điều chỉnh mạnh sẽ có thể dễ dàng kéo theo hiện tượng "call margin", từ đó gây áp lực ngược trở lại thị trường, dễ khiến thị trường giảm sâu hơn.
Điển hình, tính tới cuối quý I/2022, tổng giá trị cho vay margin của thị trường đạt hơn 200.000 tỷ đồng, và việc sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính được xem là một trong những yếu tố dẫn đến sự biến động mạnh của thị trường từ quý II/2022. Cụ thể là động thái bán giải chấp của các CTCK khiến thị trường mất trụ đỡ và có những phiên lao dốc.
Chẳng hạn, chỉ số VN-Index kết phiên giao dịch 25/4/2022 với mức giảm gần 6%, mức giảm sâu thứ hai trong lịch sử của chỉ số này. Sau đó, VN-Index tiếp tục ghi nhận mức giảm 4,53% phiên ngày 13/5/2022 và 4,44% phiên ngày 13/6/2022.
Còn với năm 2023, tình trạng bán tháo trên diện rộng từng xuất hiện với 221.674 tỷ đồng vốn hóa thị trường “bốc hơi” trong phiên ngày 18/8 sau khi các CTCK lần lượt thông báo thay đổi danh mục chứng khoán giao dịch ký quỹ theo hướng giảm vào nửa đầu tháng 8.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng margin sẽ rất khó để kiếm được lợi nhuận bền vững, chỉ nên "đánh nhanh, rút nhanh". Khi sử dụng margin nên có phương án chuẩn bị trước, bởi vì margin có lãi suất và thời gian. Do đó, nhà đầu tư có thiên hướng đầu cơ và lướt sóng, với mức lợi nhuận có thể kiếm được hàng năm trên 20% thì hãy nghĩ đến margin, còn nếu đầu tư dài hạn thì nên tránh.
Không chỉ cần chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, giới hạn ngưỡng chấp nhận rủi ro, nhà đầu tư chỉ nên dùng margin cho các cổ phiếu có tính thanh khoản tốt, nhóm ngành tốt, tránh trường hợp cổ phiếu giảm mất thanh khoản dẫn đến việc bị bán giải chấp và mất toàn bộ vốn đầu tư.
Hải Giang