VN-Index lại gây thất vọng khi đổi màu từ xanh tích cực sang đỏ vào cuối phiên đầu tuần 7/10, do tác động mạnh từ nhóm blue-chip. Dòng tiền không lan tỏa đủ tốt, kéo thanh khoản chung xuống đáy 14 phiên.
1.300 điểm vẫn “khó nhằn”
Trước đó, thị trường đã có một tuần giao dịch khá thất vọng khi có tới 3 lần nỗ lực vượt qua đỉnh cao 1.300 điểm không thành công. Mỗi khi lên tới ngưỡng này, thị trường lại xuất hiện áp lực bán đè xuống và 2 phiên cuối tuần thì giảm hẳn. Kết thúc tuần giao dịch đầu tháng 10/2024, VN-Index đã lùi sâu về vùng 1.270 điểm khiến nhiều nhà đầu tư "nản”.
Thực tế, lực cầu thị trường có dấu hiệu chững lại trong nhiều phiên gần đây khi VN-Index liên tục “hụt hơi” trước ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm, áp lực bán gia tăng ở nhiều nhóm/mã ngành.
VN-Index kéo dài xu hướng giảm điểm. |
Việc chỉ số chính liên tục gặp khó trước ngưỡng cản 1.300 điểm khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân cảm thấy lo ngại về cơ hội đầu tư trong thời gian tới. Nhiều người đã mua vào cổ phiếu tại các vùng đỉnh ngắn hạn mà không kịp thoát hàng.
Chị Ánh Ngọc (Hà Nam) cho biết đã nắm giữ một số cổ phiếu bất động sản trong hơn 3 tuần, sau khi được khuyến nghị bởi các chuyên gia và công ty chứng khoán. Mới đầu, chị kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của các cổ phiếu này khi giá đã tích lũy suốt nửa năm trước. Tuy nhiên, ngay khi thị trường tiến sát vùng 1.300 điểm, áp lực bán đột ngột gia tăng khiến những cổ phiếu chị nắm giữ quay lại vùng giá mua ban đầu.
"Có thời điểm, giá cổ phiếu tiến sát 40.000 đồng nhưng đến phiên cuối tuần lại quay đầu giảm chỉ còn 37.450 đồng, trở về đúng vùng tích lũy suốt hơn 6 tháng qua, khiến tôi không còn muốn đầu tư chứng khoán nữa", chị Ngọc chia sẻ.
Không riêng chị Ngọc, nhiều nhà đầu tư trên thị trường hiện nay cũng cảm thấy mất niềm tin vào thị trường trước những tăng giảm khó lường. Việc “trading” ngắn hạn không đem lại kết quả như mong đợi, trong khi nắm giữ cổ phiếu dài hạn cũng không mang lại lợi nhuận đáng kể.
Trên các diễn đàn chứng khoán, tâm lý chán nản lan rộng khi nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự bất lực trước những biến động của VN-Index.
Nhìn chung, mặc dù giới phân tích vẫn đánh giá tích cực về xu hướng tiếp theo của thị trường, song việc thị trường trải qua tuần giao dịch ảm đạm cùng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sẽ khiến thị trường còn gặp khó trong ngắn hạn.
Cần thêm nhiều yếu tố để bứt phá
Theo ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Mirae Asset, sự không đồng thuận giữa cổ phiếu các nhóm ngành dẫn dắt thị trường, dòng tiền chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán và các yếu tố bên ngoài đã khiến VN-Index chưa thể bứt phá. Do đó, dù khối ngoại đã quay lại mua ròng trong nhiều phiên liên tiếp nhưng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước vẫn còn đè nặng lên chỉ số.
"Tuần qua, khối ngoại đã mua ròng hơn 444 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tuy nhiên, dòng tiền lớn vẫn đang trong trạng thái chờ đợi. Nhà đầu tư nội hiện có xu hướng thận trọng do việc nâng hạng dời sang năm 2025 thay vì năm 2024 như dự báo trước đó. Hơn nữa, các biến động kinh tế từ Mỹ, Trung Quốc, châu Âu cùng với căng thẳng ở khu vực Trung Đông cũng khiến tâm lý nhà đầu tư nội lo ngại rủi ro trong ngắn hạn", ông Trí nói.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, Chứng khoán Maybank cho rằng căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu, khiến hầu hết các thị trường đều điều chỉnh.
"Tại Việt Nam, số liệu Chỉ số quản lý thu mua (PMI) ngành sản xuất trong tháng 9 giảm xuống dưới mức 50, phần nào làm tăng sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư, dù đây chỉ là tác động mang tính thời điểm khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ siêu bão Yagi. Về mặt thị trường, VN-Index đã có xu hướng tăng liên tục trong nửa cuối tháng 9, do đó áp lực chốt lời ngắn hạn là điều khó tránh khỏi", chuyên gia Chứng khoán Maybank nhận xét.
Các chuyên gia nhận định, thị trường các tháng cuối năm sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và xu hướng dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đang cho thấy tín hiệu suy yếu trên diện rộng.
Sự suy giảm dòng tiền tại nhiều nhóm ngành sẽ khiến thị trường thiếu đi bộ đệm cần thiết trong trường hợp áp lực chốt lời quay lại đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng; đặc biệt khi tỷ trọng vốn hóa của một số nhóm ngành có tiềm năng tăng giá như nguyên vật liệu, dịch vụ tài chính hoặc bán lẻ đều không đáng kể nếu so với tỷ trọng vốn hóa của nhóm ngân hàng. Việc này có thể tạo ra hiệu ứng vòng lặp phản hồi khiến áp lực bán dần lan rộng ngược trở lại đối với các nhóm cổ phiếu đó, do có hệ số Beta cao so với VN-Index.
Ở góc nhìn kỹ thuật, các công ty chứng khoán kỳ vọng VN-Index có vùng hỗ trợ quanh 1.280 điểm và tiếp tục hướng đến ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên, nguy cơ “rung lắc” vẫn còn và tâm lý chốt lời có thể tăng cao khi VN-Index vượt vùng cản tâm lý. Tình trạng này có thể kéo dài cho đến khi chỉ số chinh phục mốc 1.330 điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường cần thêm những yếu tố đánh giá về kết quả kinh doanh, tăng trưởng GDP quý III/2024 được công bố trong tháng này. Ngoài dữ liệu kinh tế - xã hội, xuất nhập khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam, dữ liệu thất nghiệp tháng 9 của Mỹ, thì có các sự kiện khác cần quan tâm và có thể tạo các biến số cho thị trường trong giai đoạn cuối năm như FTSE Russell công bố kết quả phân loại thị trường và Việt Nam đang “gỡ” các nút thắt để nâng hạng từ thị trường Cận biên lên thị trường Mới nổi; hoạt động công bố báo cáo tài chính quý III/2024 của doanh nghiệp niêm yết; kỳ review rổ chỉ số VN Diamond, VNFin Select; Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 21/10/2024, một số dự án luật có thể được thông qua hoặc được đóng góp nhiều ý kiến như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Dữ liệu, Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Hải Giang