“Việc tăng lãi suất của Fed có khả năng vẫn ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó thị trường cận biên và mới nổi cũng không nằm ngoài khả năng này. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, trong giai đoạn đầu Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới TTCK, các lần sau tác động giảm dần và dần dần không đáng kể”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán (CTCK) Yuanta Việt Nam nhận xét.
Phân hóa sẽ diễn ra
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1981. Kịch bản tiếp theo là Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuộc họp cuối tháng 7 nhằm kiềm chế lạm phát.
Thực tế cho thấy, ngay từ khi lạm phát có dấu hiệu tăng, chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 20% từ tháng 4 đến nay, song trong phiên ngày 13/7, ngay sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát tiếp tục tăng, diễn biến thị trường Mỹ giảm điểm nhưng thu hẹp về cuối phiên.
Với TTCK trong nước, phiên hôm qua (14/7) có diễn biến tương tự khi đầu phiên phản ứng tiêu cực, cuối phiên thì tích cực trở lại, chốt ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 7. Dòng tiền vào tốt ở khá nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó tiêu điểm là nhóm chứng khoán.
Chiến lược phòng thủ nên được ưu tiên. Nhà đầu tư nên mua dần cổ phiếu những doanh nghiệp có triển vọng kểt quả kinh doanh quý II khả quan (Ảnh: Int) |
Theo thống kê của chứng khoán Yuanta, lịch sử từ năm 1900 đến nay có 10 trường hợp Dow Jones giảm trên 10%, xác suất cao là 68% chỉ số Dow Jones tăng hồi phục trong 6 tháng cuối năm. Năm 2022, Dow Jones đã giảm hơn 20% từ tháng 4, nếu theo lịch sử, xác suất cao sẽ có kịch bản chỉ số Dow Jones sẽ tăng trong nửa cuối năm, với mức tăng là 4,45% và trung bình là 7%.
Như vậy, rất có thể kỳ vọng rằng kịch bản tích cực đối với TTCK Việt Nam khi nhìn từ năm 2013 tới nay, định giá P/E có 3 lần về mức 12 lần thì bật lên.
“Kỳ vọng 6 tháng cuối năm vẫn tin tưởng tích cực, nhưng thanh khoản sẽ không cao như năm 2021. Đồng thời, tình trạng phân hóa sẽ xảy ra chứ không phải tăng đồng loạt ở các nhóm cổ phiếu”, ông Minh nói.
Chia sẻ cá nhân, Phó Giáo sư Quách Mạnh Hào nhận xét, giai đoạn cuối năm 2008 cho đến giữa năm 2009, thị trường Việt Nam không có tin tức gì. Thời điểm đó, giới đầu tư thức đêm theo dõi và sáng ngủ dậy là hỏi Dow Jones thế nào. Và thị trường chứng khoán Việt tạo đáy vào tháng 3/2009. Khoảng một tháng nay, giới đầu tư Việt Nam lại chăm chú theo dõi thị trường Mỹ.
Nhà đầu tư nên làm gì?
Vậy, kịch bản thị trường đã đến lúc tạo đáy có lặp lại và thời điểm mua đã đến?
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng chứng khoán SSI, thực tế, số liệu tháng 7 cho thấy, giá hàng hoá như dầu thô giảm khá mạnh, do đó xu hướng chung của lạm phát đã tạo đỉnh và có thể giảm. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng câu chuyện đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán.
Tuy nhiên, thị trường vẫn liên quan đến yếu tố suy thoái và tăng trưởng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp. Khi có kết quả kinh doanh quý II/2022 của doanh nghiệp, thị trường sẽ thấy được khả năng suy thoái là cao hay thấp.
Giới phân tích cho rằng, trong quý II, lạm phát tăng mạnh sẽ tác động tới sức mua toàn cầu, qua đó tăng trưởng lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng mạnh, nên biên lợi nhuận gộp ít nhiều bị ảnh hưởng. Mặt bằng chung so sánh tăng trưởng cùng kỳ năm 2021 vẫn dương, nhưng so với quý I thì sụt giảm hơn. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thức uống, nhóm điện nước, công nghệ, ngân hàng và xuất khẩu được kỳ vọng vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Trong khi đó, dòng tiền hiện đang có sự luân chuyển khi các nhóm cổ phiếu như: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… đang thu hút dòng tiền trở lại, còn nhóm cổ phiếu dầu khí, thép, năng lượng… lại có mức giảm sâu. Đồng thời, việc thanh khoản thấp đang là tín hiệu cho thấy lực cung đã dần cạn kiệt. Vì vậy, mặc dù sức mua đang ở mức yếu, nhưng rủi ro giảm đáng kể.
“Thị trường tiếp tục xu hướng phục hồi để củng cố vùng đáy, trong bối cảnh thanh khoản vẫn tiếp tục ở mức thấp trong 3 tuần gần đây. Dòng tiền đã có nhiều chuyển tiến tích cực khi liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu mang tính dắt. Nếu như phiên 13/7, dòng tiền bị hút mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng thì hôm qua (14/7) lại đổ xô vào nhóm cổ phiếu chứng khoán”, chứng khoán MBS đánh giá.
Theo chuyên gia của chứng khoán Yuanta, trong ngắn và trung hạn nên bắt đầu quan sát nhóm cổ phiếu đặt kỳ vọng tăng trưởng thời gian tới. Dài hạn vẫn là cơ hội tích lũy cổ phiếu trong thời điểm giảm mạnh là chiến lược đúng đắn. Đặc biệt hiện nay, vùng hỗ trợ mạnh 1000-1100 điểm là vùng hỗ trợ dài hạn của thị trường.
Theo đó, chiến lược phòng thủ vẫn phải được ưu tiên, vì đối mặt lạm phát cao do chưa hạ nhiệt về vùng thấp 2022. Vì vậy, sản xuất thực phẩm, điện nước, công nghệ và nhóm hàng tiêu dùng nên được quan tâm. 6 tháng cuối năm, có khả năng nhóm tài chính, đặc biệt là ngân hàng sẽ trở lại.
Dự phóng P/B của nhóm ngân hàng hiện là 1,2 lần - mức định giá rất thấp trong lịch sử của ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc định giá nhóm này đang trong vùng an toàn khi nhìn mức độ “top down” của thị trường – tức nhìn về khả năng giảm giá của thị trường đang thấp so với khả năng "upside" trong nửa cuối năm.
“Hội tụ cả 2 yếu tố là nhóm ngân hàng và diễn biến thị trường thì đây là thời điểm an toàn để quay lại nhóm cổ phiếu vua”, chuyên gia của Yuanta lưu ý.
Theo ý kiến của một chuyên gia Mirae Asset, nhóm chứng khoán cũng sẽ được kỳ vọng khi đã chiết khấu khá sâu và được hỗ trợ bởi thông tin tích cực từ cơ hội rút ngắn chu kỳ thanh toán và giao dịch trong hơn một tháng nữa, mặc dù tác dụng thực lên nhóm này vẫn phải chờ đợi thực tiễn về số liệu thanh khoản.
Về kỹ thuật, chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường đang có sự phân hoá nhưng theo hướng tích cực, cho nên cần tập trung vào từng cổ phiếu cụ thể hơn là quá quan tâm vào chỉ số chung.
“Nhà đầu tư có thể mua dần cổ phiếu của doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh quý II/2022 khả quan”, nhóm phân tích của MBS khuyến nghị.
Hải Giang