Chuỗi tăng kéo dài suốt tuần đưa VN-Index chốt tuần qua (2-5/1) lên 1.154 điểm, tăng 2,28% so với tuần trước nhờ sự đóng góp của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả 3 sàn đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 31,43%.
Nhiều yếu tố ủng hộ cho đà tăng
Có thể thấy, thị trường chứng khoán đã trải qua tuần đầu năm mới tràn đầy hứng khởi như sự kỳ vọng. Mặc dù chỉ có 4 phiên giao dịch nhưng cũng giúp VN-Index bứt phá ra khỏi khu vực tích luỹ kéo dài để lên mức cao nhất trong gần 3 tháng qua. Theo các chuyên gia, sự đồng thuận cả về giá và dòng tiền sẽ tiếp tục củng cố cho đà tăng hiện tại của VN-Index kéo dài đến trước Tết Nguyên đán 2024.
Hơn nữa, bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước duy trì sự ổn định cần thiết, chỉ khi thị trường xuất hiện những tin xấu bất ngờ thì đà tăng mới có nguy cơ bị bẽ gãy sớm hơn dự báo.
Sự đồng thuận cả về giá và dòng tiền sẽ tiếp tục củng cố cho đà tăng hiện tại của VN-Index kéo dài đến trước Tết Nguyên đán 2024. |
Trong khi đó, thống kê tổng hợp các chỉ báo kỹ thuật cho thấy trạng thái thị trường hiện tại chưa được xem là quá “nóng”. Cụ thể, quan sát ở vùng đỉnh thị trường vào tháng 9/2023, khi chỉ báo tổng hợp vận động trên 80% trong vài tuần thì đó mới là tín hiệu cảnh báo rủi ro đảo chiều. Hiện tại, chỉ báo thị trường đang ghi nhận mức 68%, VN-Index chưa ở vùng nhạy cảm, vẫn có dư địa để tiếp tục tăng, hướng tới mục tiêu 1.200 điểm.
Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích của Chứng khoán KIS Việt Nam, với việc vượt được ngưỡng 1.130 điểm - cận trên của mẫu hình chữ nhật, một dạng mẫu hình tích luỹ xu hướng, VN-Index cho thấy xu hướng tăng đã được hình thành trong ngắn hạn. Vì thế, khả năng cao chỉ số sẽ hướng đến mục tiêu giá tiếp theo là vùng 1.240-1.260 điểm, cũng là vùng đỉnh cũ tháng 8-9/2023.
Ngoài ra, xu hướng này còn được củng cố bởi các yếu tố cơ bản nền tảng như sự phục hồi của nền kinh tế; dòng vốn FDI đang quay lại Việt Nam, khi cả FDI đăng ký và giải ngân đều ở mức cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến giảm lãi suất từ quý II/2024.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đưa ra lưu ý nhịp tăng vừa qua của VN-Index có phần khá gấp gáp từ vùng đáy 1.080 điểm mà không có nhịp điều chỉnh đáng kể nào đang khiến cho áp lực rung lắc sẽ ngày một rõ nét khi chỉ số tiếp cận ngưỡng cản gần quanh 1.170-1.180 điểm.
“Xét về xu hướng, những gì diễn ra trong tuần đầu tiên của năm mới 2024 đang củng cố cho xu hướng tăng điểm đã được thiết lập trong tuần cuối của năm 2023. Kỳ vọng VN-Index sẽ hướng tới mốc kháng cự 1.200 điểm trong các tuần tới, tuy nhiên không loại trừ khả năng rung lắc ở ngưỡng 1.165 - 1.175 điểm”, chuyên gia từ Chứng khoán kiến thiết CSI nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của nhóm phân tích Chứng khoán Tiên Phong (TPS), đà tăng trên thị trường vẫn được ủng hộ bởi dòng tiền khi thanh khoản thị trường được giữ trên mức trung bình 20 phiên. Tuy nhiên, chỉ báo kỹ thuật cho thấy áp lực chốt lời đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa vẫn ở mức cao, qua đó kìm hãm đà tăng của chỉ số này khi tiến về mức cản quan trọng. Đây là tác nhân chính khiến chỉ số chung chưa thể vượt cản mặc dù đà tăng của VN30 là rất tốt. Hiện, vùng 1.150-1.160 điểm vẫn là kháng cự quan trọng mà chỉ số cần vượt qua, nhằm mở ra triển vọng tăng điểm dài hơi hơn cho thị trường.
Tận dụng cơ hội để gia tăng tỷ trọng
Với các yếu tố tích cực như trên, kỳ vọng về "sóng tháng Giêng" đang được đánh giá cao nhờ lực cầu vẫn đang được duy trì tốt, cơ hội đầu tư đã được mở ra cho nhà đầu tư.
Theo giới phân tích, để cân bằng trong quản trị rủi ro, nhà đầu tư có thể đợi những nhịp điều chỉnh xuất hiện, khi chỉ số quay về quanh mức 1.125 - 1.135 điểm để giải ngân hoặc gia tăng tỷ trọng ở một số nhóm ngành được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV/2023.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco dự báo kết quả kinh doanh quý IV sẽ tiếp tục có sự phân hóa rõ nét giữa từng nhóm ngành. Trong đó, gam màu sáng sẽ nghiêng về các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin và dầu khí.
Chuyên gia Agriseco chỉ rõ, việc tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và tín dụng được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục giúp cho kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Đối với nhóm ngành chứng khoán, thanh khoản thị trường trong nửa cuối năm tăng 55% so với thời điểm đầu năm cho thấy hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư vẫn tiếp tục sôi động và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ kết quả kinh doanh cuối năm của các công ty chứng khoán.
Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của dòng vốn ngoại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn và địa chính trị tương đối bất ổn. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng này.
Tương tự, ông Trần Trương Mạnh Hiếu dự báo kết quả kinh doanh quý IV/2023 sẽ khả quan hơn, so với mức nền thấp vào cuối năm 2022.
Theo chuyên gia KIS, một số nhóm cổ phiếu có thể thu hút dòng tiền sau khi công bố kết quả kinh doanh, trong đó có nhóm cổ phiếu ngành cảng biển. Số lượng tàu cập cảng đã có sự phục hồi về mức trung bình thậm chí là nhỉnh hơn đôi chút. Vì thế, triển vọng của nhóm này khá tích cực.
Thứ hai là nhóm ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp khiến nhà đầu tư lo lắng về triển vọng lợi nhuận của toàn ngành. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng tín dụng cao trong tháng 12 vừa qua, đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành lên mức 13,7% trong năm 2023 cho thấy các ngân hàng vẫn có khả năng cho vay, qua đó cải thiện đáng kể triển vọng lợi nhuận. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tín dụng dự kiến trong năm 2024 ở mức khoảng 15% cũng cho thấy triển vọng của nhóm này sau mùa báo cáo.
Cuối cùng là nhóm bất động sản khu công nghiệp khi tăng trưởng FDI trong năm 2023 ở mức cao, dòng vốn FDI có xu hướng quay lại Việt Nam. Khi đó, nhu cầu thuê đất đặt nhà xưởng sẽ tăng cao và nhóm cổ phiếu này sẽ được hưởng lợi.
Hải Giang