Trạng thái tích cực của các mã vốn hoá lớn lan toả sang nhóm vốn hoá vừa và nhỏ, cộng thêm dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài đang trở lại mạnh mẽ tiếp tục giúp VN-Index tăng tăng 8,26 điểm lên 1.524,7 điểm.
Trong rổ cổ phiếu VN30, các mã vốn hóa hàng đầu như: GAS (Tổng công ty khí Việt Nam), VHM (CTCP Vinhomes), VIC (Tập đoàn Vingroup), VNM (Vinamilk) ở chiều tăng giá, tạo lực đẩy cho thị trường chung.
Dấu ấn đậm nét của bluechips
Tuần qua, mặc dù trong bối cảnh tin tức tiêu cực bao vây thị trường chứng khoán nhưng chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng tốt trong tuần cuối cùng của quý I/2022 với 18 điểm, tương đương 1,2%.
Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đóng vai trò "trụ cột", dẫn dắt đà đi lên của chỉ số. Cụ thể, chỉ số VN30- chỉ số phản ánh nhóm cổ phiếu bluechips cũng tăng 44 điểm, tương đương 29%. Chốt phiên cuối tuần (1/4), giá trị giao dịch của VN30 tạm thời xác lập kỷ lục trong năm 2022 với 9.723 tỷ đồng.
Nhóm bluechips đã có những tín hiệu tích cực hơn về dòng tiền khi liên tục ghi nhận dấu ấn đậm nét. |
Thống kê cho thấy, tuần qua, nhóm thép và dầu khí giảm do ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới, đặc biệt nhóm cổ phiếu thuộc “họ FLC” ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm đầu cơ, khiến dòng tiền rút ra mạnh mẽ. Mặt khác, dòng tiền dường như đang tìm đến nhóm vốn hóa vừa và lớn. Trong đó, FPT (CTCP FPT), MWG (CTCP Đầu tư thế giới di động), VNM, VPB (VPBank) là những mã cổ phiếu tăng điểm tốt nhất và đều thuộc nhóm vốn hóa lớn.
Bên cạnh đó, những mã cổ phiếu ghi nhận sự cải thiện tích cực về dòng tiền cũng chủ yếu nằm trong nhóm vốn hóa lớn như VPB, MBB (MBBank), VHM, KBC (Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc)…
Ngoài ra, trong Top những mã cổ phiếu có giá trị tăng trưởng mạnh chủ yếu nằm trong nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, bán lẻ, tiêu dùng và đây cũng chính là những nhóm ngành quy tụ khá nhiều cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn đang có sự gia tăng tích cực về mặt giá trị giao dịch như PNJ (CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), MWG, BVH (Tập đoàn Bảo Việt), C47 (CTCP Xây dựng 47).
Đáng chú ý, bộ đôi FPT và MWG đều có cú bứt tốc ngoạn mục làm nức lòng nhà đầu tư đang nắm giữ, đồng thời đẩy vốn hóa lên trên 100.000 tỷ đồng.
Cụ thể, MWG có khởi đầu tháng 4 đầy rực rỡ khi tăng hết biên độ, lập đỉnh mới 156.000 đồng/cp. Chỉ trong 2 tuần giao dịch, cổ phiếu này đã tăng gần 20%, vốn hóa thị trường tương ứng hơn 114.000 tỷ đồng, cao hơn 74% so với thời điểm cách đây một năm. Lần gần đây nhất, MWG đã tăng trần cách đây 6 tháng vào ngày 9/9/2021, thời điểm đó vốn hóa của doanh nghiệp này còn chưa đến 90.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ đông FPT thậm chí còn phải đợi lâu hơn để thấy lại màu tím khi sau 14 tháng kể từ ngày 29/1/2021 cổ phiếu này mới tăng trần một lần nữa. Sau đó vẫn không ngừng leo dốc và lập đỉnh mới 111.000 đồng/cp ngay phiên đầu tháng 4/2022. Theo đó, vốn hóa thị trường vừa kịp vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng.
“Việc một mã bluechips tăng trần vốn là điều ít khi xảy ra, bởi cung và cầu các cổ phiếu này thường ở trong trạng thái cân bằng”, một chuyên gia nhận định.
Một tín hiệu tích cực nữa đến từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài khi ghi nhận mua ròng tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị đạt hơn 800 tỷ đồng. Bên cạnh cổ phiếu STB (Sacombank), khối ngoại liên tục rót ròng cổ phiếu “ông lớn" ngành hóa chất là DGC và bluechips dòng bất động sản VHM với khối lượng hàng nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, tuần qua, sau những tháng ngày miệt mài bán ròng, khối ngoại đã quay trở lại “gom” cổ phiếu VNM trong nhiều phiên liên tiếp.
Kỳ vọng sự trở lại
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, hiện tại VN-Index được đánh giá mức tích cực là 7 điểm, đồng thời VN30 cũng được đánh giá 7 điểm theo hướng tương tự. Điều này cho thấy có sự đồng pha giữa VN-Index và VN30. “Nhà đầu tư có thể thấy đây là điểm tích cực của nhóm bluechips”, ông Đinh Minh Trí, trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Có thể thấy, tuần qua, sự việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Không chỉ những cổ phiếu thuộc “họ FLC” mà ngay cả những nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng bị vạ lây. Mặc dù mức độ ảnh hưởng được đánh giá không lớn tới thị trường song niềm tin của các nhà đầu tư cũng phần nào bị ảnh hưởng. Từ đó, các nhà đầu tư dần nảy sinh tâm lý lo sợ đối với cổ phiếu đầu cơ và có xu hướng dần tìm đến những cổ phiếu có nền tảng và kết quả kinh doanh tốt như nhóm vốn hóa lớn.
Bên cạnh đó, thị trường đang chờ đợi để đón sóng kết quả kinh doanh quý I/2022, nhất là các cổ phiếu của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đạt mức lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Thêm vào đó, thời gian tới cũng là thời điểm diễn ra các phiên họp Đại hội đồng cổ đông, các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch trả cổ tức sẽ dần được hé lộ. Và thường thì những sự kiện này đều hấp dẫn nhà đầu tư và thu hút được dòng tiền.
“Dòng tiền có thể tiếp tục hướng đến nhóm cổ phiếu bluechips để đón sóng kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp nền tảng tốt và có vốn hóa lớn bởi đây là những doanh nghiệp được được kỳ vọng sẽ đạt mức lợi nhuận tăng trưởng tích cực”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco nêu ý kiến.
Nhận định về nhóm vốn hóa lớn trong thời gian tới, một số chuyên gia phân tích cho rằng, nếu như thời gian trước, thời điểm VN-Index liên tục lập kỷ lục về điểm số đều không thấy bóng dáng của VN30, thay vào đó là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy nhiên, khi thị trường chung bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực thời gian vừa qua, nhóm vốn hóa lớn lại liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “đầu tàu” của mình, đưa VN-Index tái lập mốc 1.500 điểm thành công với dòng tiền có sự phục hồi đặc biệt đến từ nhóm bluechips.
“Vùng đỉnh cũ quanh 1.530 điểm là vùng kháng cự đáng chú ý của VN-Index phải vượt qua trong thời gian sắp tới. Để xác lập xu hướng tăng trong trung hạn, các bluechips đang được kỳ vọng là sẽ tiếp tục có 1 sự cải thiện về dòng tiền”, ông Đinh Minh Trí nhận xét.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) lưu ý, so với thị trường chung, khả năng trở lại mạnh mẽ của nhóm vốn hóa lớn vẫn yếu hơn bởi theo quan sát từng cổ phiếu trong VN30, chỉ còn khoảng 6-8 cổ phiếu là thực sự khỏe và các cổ phiếu này không chiếm tỷ trọng áp đảo trong VN30. Theo đó, cơ hội ngoài VN30 vẫn sáng cửa, với nhiều lựa chọn hơn.
Hải Giang