CTCP Hùng Vương (Thủy sản Hùng Vương, mã: HVG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và lũy kế cả năm niên độ tài chính 2018-2019 kết thúc vào ngày 30/9/2019 với lỗ chồng lỗ.
Khó tìm ra lối thoát
Kết thúc quý IV, doanh thu Thủy sản Hùng Vương giảm gần 59% xuống còn 687 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 36 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp (DN) trong quý IV là gần 190 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Các yếu tố này dẫn đến lợi nhuận trước thuế quý IV giảm sâu từ 416 tỷ xuống còn 237 tỷ đồng, lỗ ròng gần 242 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 382 tỷ đồng.
Lũy kế cả niên độ kinh doanh 2018 – 2019, công ty ghi nhận tổng doanh thu 3.966 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 8.230 tỷ đồng của niên độ trước.
Sau khi trừ đi các chi phí, công ty lỗ gần 497 tỷ đồng (niên độ trước lãi 16,2 tỷ đồng), nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 890 tỷ đồng.
Sở dĩ Thủy sản Hùng Vương tiếp tục lỗ nặng là do bán hàng dưới giá vốn và DN không còn khoản thu tài chính bất thường từ việc bán các công ty con và bất động sản như trước.
Ngoài ra, trong cơn hoạn nạn, công ty đã bán toàn bộ vốn tại “máy in tiền” CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì…).
Không chỉ mất Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, mà Thủy sản Hùng Vương gần đây cũng chịu cảnh bị Mỹ áp thuế cao lên cá tra xuất khẩu (XK). Công ty bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong nhóm các DN thủy sản sau đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14): 3,87 USD/kg so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ.
Tính đến 30/9/2019, vốn chủ sở hữu của “vua cá tra” Hùng Vương co lại chỉ còn 1.563 tỷ đồng từ mức 2.143 tỷ đồng hồi đầu năm tài chính.
Cuối năm tài chính 2019, công ty ghi nhận lượng nợ phải trả gần 7.214 tỷ đồng, tăng 12% (tương ứng 773 tỷ đồng) so với đầu năm. Phần tăng lên chủ yếu là tiền phải trả người bán ngắn hạn, tăng từ 2.475 tỷ đồng lên đến 3.417 tỷ đồng.
Riêng tổng lượng nợ vay của công ty vào cuối năm tài chính 2019 là 3.062 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. BIDV là chủ nợ lớn nhất của Thủy sản Hùng Vương, với tổng cho vay hơn 2.005 tỷ đồng, tiếp đến là Vietcombank với gần 601 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVG của “vua cá tra” Hùng Vương vẫn đi lên dù kinh doanh thua lỗ |
Cổ phiếu phản ứng ngược
Việc thua lỗ nặng nề đã khiến kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 255 tỷ đồng đặt ra trước đó bị “phá sản”, thậm chí không biết khi nào tìm ra lối thoát khi lỗ lũy kế chỉ còn cách con số 1.000 tỷ đồng không quá xa, nhất là trong đà thua lỗ liên tiếp như hiện nay.
Tuy nhiên, trái ngược với việc lỗ khủng, cổ phiếu HVG trên sàn chứng khoán đã có 11 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có 7 phiên tăng trần từ mức giá 2.720 đồng/cp lên 4.770 đồng/cp, tương đương 75,4% và gần lấy lại vùng giá 5.000 đồng/cp hồi đầu năm.
Thanh khoản 7 phiên gần nhất liên tiếp đạt hàng triệu đơn vị mỗi phiên, đặc biệt phiên 29/10 có gần 4,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Đây là phản ứng khá bất ngờ cho giới đầu tư, bởi thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán lâu nay luôn song hành cùng kết quả kinh doanh. Một chuyên gia nhận định rất có thể cổ phiếu HVG đang được một “bàn tay vô hình” can thiệp, vì những nhà đầu tư bình thường sẽ rất ít khi chọn HVG trong ngành thủy sản.
Lý do được đưa ra là Thủy sản Hùng Vương đã lỗ và nợ quá nhiều nhưng lại không rõ ràng về có kế hoạch trả nợ cũng như thoát lỗ.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng những điểm xấu của Hùng Vương đã lộ hết và cũng đã phản ánh vào cổ phiếu HVG từ năm 2017 – giai đoạn bắt đầu những khó khăn.
Đến nay, những khoản lỗ đã không còn là sự bất ngờ, bất thường khiến các nhà đầu tư phải tháo chạy như quãng thời gian trước đây. Thay vào đó là sự bình tĩnh đón nhận, nếu DN báo lãi thì đó là niềm vui, nhưng nếu lỗ cũng không lạ.
Mới đây, ngay khi vừa công bố kết quả kinh doanh bết bát, Thủy sản Hùng Vương cũng đồng thời công bố Nghị quyết HĐQT sẽ bán toàn bộ 5 triệu cổ phiếu quỹ đang có theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn.
Thời gian giao dịch sẽ bắt đầu sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết. Với mức giá hiện tại là 4.770 đồng/cp (ngày 30/10), nếu bán số cổ phiếu này, công ty sẽ thu về gần 24 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Thủy sản Hùng Vương, số cổ phiếu quỹ này có giá trị ghi sổ tính đến ngày 30/9 là 50,96 tỷ đồng, như vậy đã giảm gần 27 tỷ đồng so với giá trị mua vào, tương đương mất gần 53%.
Linh Đan