Đứt chuỗi tăng điểm 10 phiên liên tiếp, VN-Index quay đầu giảm nhẹ trong phiên 4/4. Dù vậy, trạng thái thị trường vẫn là “đỏ vỏ xanh lòng” khi cổ phiếu tăng điểm vẫn chiếm sóng với 506 mã, áp đảo hoàn toàn so với mã giảm với giá trị giao dịch trên HoSE duy trì mức cao 13.583 tỷ đồng.
Thị trường hấp thụ những thông tin tích cực
Trước đó, VN-Index trải qua nhịp phục hồi khá tích cực trong tháng 3 với chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp trong khoảng thời gian cuối tháng đáng chú ý, đưa VN-Index tăng gần 4% lên sát ngưỡng 1.065 điểm, tính đến thời điểm chốt phiên cuối tháng.
Thị trường đang thẩm thấu những thông tin tích cực sau các thông tin từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN. |
Bước vào tháng 4, chuỗi tăng điểm tiếp tục kéo dài khi đóng cửa phiên đầu tháng (3/4) với mức cao nhất trong ngày với thanh khoản cao kỷ lục từ đầu năm, xóa tan những nghi ngờ về khả năng hồi phục của thị trường, bất chấp việc khối ngoại xả hàng mạnh, cho thấy thị trường có vẻ như không còn phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn ngoại.
Điều này cho thấy, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trong nước đang trở lại khi dòng tiền nội liên tục chảy vào thị trường, đẩy thanh khoản khớp lệnh cả 3 sàn lên trên 16.335 tỷ đồng.
Những phản ứng tích cực này được cho là đến từ các thông tin từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đó là việc lãi suất ngân hàng thêm lần nữa hạ nhiệt, sau 2 tuần kể từ quyết định hạ lãi suất tái chiết khấu 1%, bất chấp những “cơn gió ngược” trên toàn cầu.
Mặc dù mức độ tác động vẫn cần thời gian để kiểm chứng thêm nhưng không thể phủ nhận những mặt tích cực của chính sách này trong việc hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư giúp thị trường kéo dài đà tăng.
Theo các nhà đầu tư lâu năm, nếu lãi suất tiền gửi trở lại mức bình thường ở khoảng 5% - 6% vào quý III tới, triển vọng thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng rõ ràng hơn.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, VNDirect - nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, NHNN đã phát đi thông điệp khá rõ ràng về đảo ngược chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn. Điều này sẽ tác động tích cực tới triển vọng nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng trong những quý tới.
Tuy nhiên, chuyên gia VNDirect vẫn đưa ra lưu ý, phản ứng tích cực của thị trường tính bằng quý, bằng năm chứ không có nghĩa là TTCK sẽ tăng mạnh ngay lập tức trong tuần tới, tháng tới. Bởi lẽ, chính sách tiền tệ, lãi suất cần có thời gian thẩm thấu và phản ánh vào nền kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Vậy trước mắt, thị trường diễn biến ra sao trong tháng 4 đang là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư ngay lúc này.
Tháng 4 ‘sáng cửa’?
Có thể thấy, trong tháng 4, điểm nhấn là mùa công bố lợi nhuận quý I/2023 sẽ khởi động vào cuối tháng, đồng nghĩa trước đó là thời điểm thị trường bộc lộ “quan điểm”. Nhìn lại dữ liệu lịch sử phần nào cũng có thể giúp nhà đầu tư có thêm thông tin về diễn biến của VN-Index.
Theo thống kê trong 22 năm hoạt động của TTCK Việt, VN-Index có 13 lần tăng điểm vào tháng 4, còn số lần giảm là 9. Trong đó, sự bứt phá của chỉ số sàn HoSE trong tháng 4 thường khá mạnh với nhiều năm tăng trên 10% như 2001, 2006, 2009, 2020. Ngược lại, năm có tháng 4 giảm mạnh nhất đến hiện tại là 2007 khi chỉ số giảm hơn 13,76%.
Còn nếu thu hẹp phạm vi trong vòng 10 năm gần nhất thì chỉ số lại có phần nghiêng về chiều giảm với 6 lần giảm và 4 lần tăng đan xen. Cụ thể, năm 2018 ghi nhận mức giảm mạnh 10,58%, sau đó 2 năm chỉ số chính tăng trên 16% và cũng 2 năm sau, năm 2022 ghi nhận VN-Index giảm mạnh 8,4% trong tháng 4, đây cũng là giai đoạn đỉnh dài hạn của thị trường được hình thành.
Tuy nhiên, theo dữ liệu thống kê về hiệu suất VN-Index 20 năm qua, trung bình hiệu suất đầu tư 1 tháng của chỉ số chính đạt mức dương từ tháng 10 tới tháng 5, trước khi suy yếu vào các tháng 6 tới tháng 9.
“Nhìn chung, tháng 4 thường đem lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư, nhờ hiệu ứng kết quả kinh doanh và số liệu quý I/2023”, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC đánh giá.
Chuyên gia Lê Minh Hoàng, Phó giám đốc Khối Nghiên cứu & Đầu tư Chứng khoán EVS nhận định lạc quan rằng, sẽ không có những cú giảm "sốc" cho thị trường trong thời gian tới.
Dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận rằng, kết quả kinh doanh quý I/2023 sắp tới rất có thể sẽ cho thấy những con số không khả quan. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý IV/2022 không mấy tích cực đã kéo định giá thị trường “đắt” hơn tương đối so với thời điểm trước. P/E trailing của VN-Index hiện dừng ở mức 12,x lần cao hơn đáng kể so với đáy. Và như vậy, định giá thị trường có thể sẽ đắt hơn. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng khá lớn đến dòng tiền, mà còn khiến sức hút của TTCK kém khả quan hơn thời gian tới.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập FIDT cho rằng, trong thời điểm lãi suất giảm là cơ hội đầu tư và đầu cơ với chứng khoán. Nhưng khi nền kinh tế đang trong tình trạng suy kiệt, nhiều rủi ro thế giới vẫn chưa thẩm thấu hết thì chiến lược “đánh nhanh” vẫn ưu tiên hơn. Nếu đầu tư theo trường phái dài hạn thì danh mục vô cùng quan trọng, nhà đầu tư cần bóc tách được rất nhiều thứ liên quan đến rủi ro nguy cơ nợ, mô hình kinh doanh,… của các doanh nghiệp.
“Lãi suất liên tục hạ nhiệt sẽ là chất xúc tác giúp TTCK hưng phấn trong ngắn hạn. Những nhóm ngành có độ nhạy với dòng tiền là ngân hàng - chứng khoán - bất động sản sẽ bật tăng mạnh vượt trội so với thị trường”, ông Huỳnh Minh Tuấn khuyến nghị.
Tuy nhiên, vị chuyên gia vẫn nhấn mạnh, xu hướng này vẫn chủ yếu mang tính chất tâm lý. Bởi báo cáo các quý tới của những nhóm này vẫn chưa có quá nhiều khởi sắc, đơn cử như nhóm ngân hàng nợ xấu bất động sản tăng; Chứng khoán cho vay margin giảm, tự doanh giảm; Bất động sản vẫn đối diện nhiều áp lực liên quan đến đáo hạn trái phiếu, thị trường thực chỉ “ấm” lên ở một số phân khúc đất nhà phố, văn phòng...
Hải Giang