VN-Index đã chính thức lập đỉnh cao nhất mọi thời đại vào phiên 1/4 khi chạm ngưỡng 1.216 điểm (đỉnh cũ năm 2007 là 1.211 điểm), thanh khoản gần 17.000 tỷ đồng. Đà tăng của VN-Index được dẫn dắt bởi các bluechip lớn như VIC, VHM, HPG… nâng tài sản của các tỷ phú sáng lập ra doanh nghiệp này tăng mạnh.
Trong phiên 1/4, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tăng kỷ lục 4,3% lên mức 123.000 đồng/cp - mức cao nhất kể từ năm 2018, đẩy vốn hoá của Vingroup lên mức 416.000 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp có vốn hoá cao nhất thị trường chứng khoán hiện nay.
VIC đã có chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp từ mức 106.500 đồng lên 123.000 đồng/cp, dẫn dắt VNI-Index phá đỉnh lịch sử. Mới đây, sau kiểm toán, Vingroup cũng ghi nhận mức lãi ròng năm 2020 tăng thêm 337 tỷ đồng lên 5.464 tỷ đồng và doanh thu thuần tăng 27 tỷ đồng lên 110.490 tỷ đồng so với báo cáo tự lập công bố trước đó.
Cổ phiếu VHM của Tập đoản Vinhomes có chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp lên mức 99.000 đồng/cp, đẩy vốn hoá của tập đoàn lên 325.661 tỷ đồng. Sau báo cáo kiểm toán năm 2020, Vinhomes đạt lợi nhuận sau thuế 28.206 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Nguyên nhân là tập đoàn đã tăng cường chuyển nhượng các khoản đầu tư bất động sản, doanh thu từ tài chính chuyển nhượng này tăng tới 9.729 tỷ đồng. Là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất sàn chứng khoán, đó chính là bệ đỡ cho cổ phiếu VHM và hệ sinh thái Vingroup.
Sự tăng giá của VIC và VHM đã đẩy tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh và giữ vững vị trí người giàu nhất Việt Nam. Theo cập nhật đến ngày 1/4 của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup có tổng tài sản 8,4 tỷ USD tương ứng 193.000 tỷ đồng, tăng 349 triệu USD so với trước đó. Cũng theo bảng xếp hạng của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng giữ vị trí số 286 những tỷ phú giàu nhất hành tinh.
Cập nhật của Forbes về tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tính đến ngày 1/4/2021. |
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát trong phiên 1/4 cũng có đà tăng 3,6% bứt phá mức đỉnh lịch sử lên 48.500 đồng/cổ phiếu, đẩy vốn hoá lên 160.694 tỷ đồng, đây cũng là mức vốn hoá cao kỷ lục của tập đoàn này từ khi niêm yết.
Trong và sau đại dịch Covid-19, cả thế giới thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ để khôi phục nền kinh tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch gói cứu trợ kinh tế khổng lồ đầu tư vào hạ tầng 3.000-4.000 tỷ USD. Trong khi “thủ phủ thép” của thế giới là Trung Quốc đang trong giai đoạn cắt giảm sản lượng sâu. Thành phố Đường Sơn (Trung Quốc) sẽ buộc các cơ sở sản xuất thép giảm 30-50% sản lượng đã khiến giá quặng sắt, than đá giảm mạnh kéo theo sản lượng giảm mạnh theo. Điều này cũng phù hợp với kế hoạch giảm sản lượng đến năm 2025 của Chính phủ Trung Quốc. Tổng hòa nhiều yếu tố, ngành thép năm 2020-2021 là “thiên thời”.
Đặc biệt, siêu dự án Khu liên hợp thép Hoà Phát - Dung Quất bắt đầu cho "quả ngọt". Trong tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, Hoà Phát lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 18.000 tỷ đồng, doanh thu vượt 120.000 tỷ đồng.
Với việc sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG, Chủ tịch Trần Đình Long có tổng tài sản đạt 41.904 tỷ đồng, tính đến 1/4. Ông Trần Đình Long đã trở thành người giàu thứ 2 Việt Nam, sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Danh sách người giàu Việt Nam sau khi VN-Index phá đỉnh không có nhiều thay đổi. Xếp thứ 3 là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với giá trị tài sản tại HDBank và Vietjet đạt 28.399 tỷ đồng.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank có tổng tài sản 24.616 tỷ đồng, đứng thứ 4 trên danh sách.
Vị trí thứ 5 thuộc về tỷ phú Nguyễn Đăng Quang của Tập đoàn Masan với tổng tài sản 23.848 tỷ đồng.
Bạch Huệ