Dự báo, năm 2022 sẽ là một năm không còn quá thuận lợi với các nhà đầu tư chứng khoán. |
Lạm phát đã trở thành mối lo ngại chính ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công cũng như tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế. Dự báo, năm 2022 sẽ là một năm không còn quá thuận lợi với các nhà đầu tư chứng khoán.
Vì vậy, cơ hội chọn lựa cổ phiếu để đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn trong môi trường lạm phát, tuy nhiên không có nghĩa là không có.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hàng hoá cơ bản và bất động sản là hai nhóm ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng giá tăng.
Nhìn chung, giá các hàng hoá cơ bản sau nhịp điều chỉnh giai đoạn cuối năm 2021 đều có dấu hiệu tăng trở lại. Với áp lực lạm phát duy trì và tăng cao, dự báo 2022 sẽ là một năm thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu các nông sản trong nước như thuỷ sản, nông sản, cao su… Ngoài ra, một số doanh nghiệp nguyên vật liệu như thép, xi măng, xây dựng được kỳ vọng sẽ là nhóm tiếp theo hưởng lợi từ quá trình đẩy mạnh đầu tư công và giá các nguyên liệu tăng giá sau một giai đoạn điều chỉnh.
Về nhóm cổ phiếu bất động sản, giá bất động sản thông thường có xu hướng tăng cao hơn xu hướng lạm phát để bảo toàn giá trị tài sản, điều này đã được minh chứng qua nhiều chu kỳ kinh tế khác nhau. Hiện tại, giá bất động sản tại các khu vực đang có lạm phát cao đều tăng mạnh như châu Âu, Mỹ, Anh, Hàn Quốc... Tại Việt Nam, theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản, giá đất sôi động ở nhiều nơi trong năm 2021.
Với đặc thù người chủ sở hữu bất động sản có thể chuyển dịch lạm phát và tăng giá lên người đi thuê, cũng như người mua để phòng ngừa lạm phát, điều này đã thúc đẩy giá bất động sản tăng cao trong năm 2021.
Thực tế, trước diễn biến giá hàng hoá và nguyên liệu cơ bản có dấu hiệu bật tăng mạnh trở lại, một số nhà đầu tư đang có xu hướng đẩy mạnh mua vào nhóm cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi từ lạm phát như thép, thuỷ sản, bất động sản thương mại, bất động sản khu công nghiệp… sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
C.Giang