Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều đưa ra các dữ liệu thống kê cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang chuyển biến mạnh mẽ với nhiều điểm nổi bật, nhất là về quy mô và tính thanh khoản trong năm 2021.
Thị trường có thể đạt 1.610 điểm
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức khiến cho đà tăng trưởng của TTCK chững lại trong quý I vừa qua. Đó là xung đột Nga - Ukraine phức tạp, kéo dài tác động tiêu cực tới giá cả; Chính phủ, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) xử lý tình trạng thao túng giá cổ phiếu của lãnh đạo một số tập đoàn và hành vi gian dối trong việc sử dụng tiền huy động trái phiếu vào sai mục đích…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đồng quan điểm, những tác động từ chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng thời gian qua sẽ đưa TTCK phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn. Do đó, sau thời gian tăng “nóng”, VN-Index điều chỉnh về giá trị thực là điều cần thiết. Bởi, sau quá trình thanh lọc sẽ mang tới kỳ vọng mới cho TTCK.
Đồng thời, các chuyên gia cũng dự phóng 2 kịch bản cho TTCK năm 2022 dựa trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng từ trong và ngoài nước.
TTCK Việt Nam năm 2022 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế. |
Về điểm số, theo hướng tích cực, VN-Index có thể tăng nhẹ lên 1.610 điểm (+8%); ngược lại, VN-Index có thể giảm nhẹ về mức 1.440 điểm (-4%). Còn về thanh khoản, bình quân 3 sàn rất có thể đạt 1,107 tỷ USD/phiên (-5%) hoặc chỉ đạt 932 triệu USD/phiên (-20%).
Trong đó, kịch bản theo xu hướng tích cực vẫn được đánh giá cao, bởi thị trường đang có triển vọng sẽ đi vào ổn định và lành mạnh hơn. Đồng thời, thị trường cũng có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho sự tăng trưởng.
Cụ thể, ở bên ngoài, các quốc gia và khu vực là đối tác thương mại, đầu tư và du lịch chính được dự báo tiếp tục phục hồi, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu, thu hút FDI, phục hồi du lịch...
Trong nước, kinh tế phục hồi (kịch bản cơ sở tăng trưởng 5,5-6%), lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát (khoảng 4%), doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước và quốc tế, mặt bằng lãi suất được hỗ trợ duy trì ở mức thấp.
Không chỉ vậy, dư địa phát triển của TTCK vẫn rất lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đáng chú ý, dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài được duy trì ở mức cao, tạo cơ hội cho thị trường chính. Điều này thể hiện ở việc khối ngoại đã quay lại mua ròng sau khoảng thờigian dài bán ròng triền miên; hoặc nếu có bán ròng thì áp lực rút vốn không đáng kể.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDirect thông tin, trong 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại Việt Nam, trong đó có Mỹ. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị đầu tư góp vốn của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam khoảng 22 triệu USD.
“Khi mà dòng vốn FDI lớn vào Việt Nam thì dòng vốn gián tiếp của Mỹ cũng sẽ vào TTCK Việt. TTCK Việt Nam cũng đã có sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư Mỹ như Warburg Pincus và đạt được thành công. Đây sẽ là tiền đề để các nhà đầu tư khác vào thị trường Việt Nam”, bà Hiền nói.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn cùng với tăng cường quản lý, giám sát để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường.
"TTCK Việt Nam năm 2022 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi trên, nhưng cũng có những bước điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới. Với những tác động từ chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng, thị trường tài chính nói chung được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chia sẻ.
Nhà đầu tư nên “hành động” như nào?
Mặc dù thị trường được đánh giá sẽ phát triển theo xu hướng tích cực, song các chuyên gia vẫn đưa ra quan điểm thận trọng khi những tác động tiêu cực ở thị trường trong nước và quốc tế vẫn còn tiềm ẩn và có thể tác động đến TTCK.
Trong đó, tình hình lạm phát toàn cầu là vấn đề đặc biệt cần chú ý, bởi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang dần thắt chặt tài khoá, tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Từ đó sẽ tạo thêm áp lực khi lãi suất tăng, khối ngoại rút vốn và vấn đề tỷ giá.
Không chỉ vậy, việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, cầu về hàng nhập khẩu giảm sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu nông sản Việt Nam. Thêm vào đó, xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt còn gây nên gián đoạn chuỗi cung ứng, tạo bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.
Ngoài ra, vùng trống thông tin tháng 5 cũng góp phần khiến các nhà đầu tư cảm thấy hoang mang trong chiến lược đầu tư.
Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ IPA khuyến nghị, nhà đầu tư nên theo dõi thông tin về vấn đề Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Cụ thể, trong biên bản mới đây, Fed nhấn mạnh vấn đề kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu nên việc tăng lãi suất sẽ là rủi ro cho kênh chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, nếu như lạm phát chưa được đẩy lùi thì những khó khăn trên thị trường chưa chấm dứt.
Tuy rủi ro vẫn còn, song ông Hoàng cho rằng, môi trường hiện tại vẫn có thể đầu tư nếu nhà đầu tư lựa chọn được những cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan, cổ tức đều đặn. Bởi nền kinh tế thường có tính chu kỳ, khi đi qua giai đoạn khủng hoảng thì nền kinh tế phục hồi rất nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một điểm sáng cho tốc độ tăng trưởng GDP.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh CTCP Chứng khoán SSI nhấn mạnh, nên đầu tư vào các doanh nghiệp tốt, giá giảm sâu hoặc các doanh nghiệp có EPS tăng trưởng. Đặc biệt, không nên đặt tỷ trọng cao, phân bổ nhiều tiền vào những doanh nghiệp đã có kết quả thua lỗ.
“Muốn có "mùa màng bội thu", nhà đầu tư nên lựa chọn doanh nghiệp có EPS tăng trưởng tốt và giá cổ phiếu đã điều chỉnh sâu”, bà Dung nói.
Thực tế, những phiên gần đây, VN-Index ghi nhận những nhịp phục hồi liên tiếp sau chuỗi giảm điểm mạnh. Mặc dù chỉ số VN-Index hiện vẫn còn cách gần 17% so với đỉnh cao cũ 1.524,7 điểm (phiên 4/4), song nhiều cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh tươi sáng và được chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn nữa đã âm thầm trở về vùng đỉnh cũ. Không chỉ thu hẹp đáng kể mức giảm điểm, thậm chí có mã còn lập đỉnh mới.
Đáng chú ý nhất là REE của REE Corp khi cổ phiếu này tăng 2 phiên kịch trần trong 4 phiên tăng điểm gần đây nhất, tiến gần về mức đỉnh lịch sử phiên ngày 11/5 vừa qua (92.600 đồng/cp). Hiện cổ phiếu REE đang giao dịch ở mức 89.600 đồng/cp (chốt phiên 27/5). Vốn hóa theo đó lập kỷ lục gần 32.000 tỷ đồng, thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao trong bối cảnh thị trường chung giao dịch ảm đạm.
Cũng phải nhắc lại phiên REE thiết lập mức đỉnh lịch sử ngày 11/5, thời điểm đó, thị trường rơi vào trạng trái bán tháo trên diện rộng và với mức đỉnh thiết lập này đã đưa REE trở thành cổ phiếu vốn hóa tỷ đô hiếm hoi ngược dòng thị trường.
Tương tự, "nữ hoàng cá tra” - Vĩnh Hoãn (VHC) cũng có những phiên giao dịch khởi sắc trong thời gian gần đây với 5 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có 1 phiên trần. Mức giá hiện tại của VHC chỉ còn cách khoảng 4% so với vùng đỉnh cũ đạt được trong phiên 26/4 (106.400 đồng/cp).
Một cái tên khác cũng đang âm thầm đi lên là "đại gia" ngành dược Traphaco (TRA) khi đang trên đà tiến gần hơn tới việc trở lại nhóm cổ phiếu thị giá "ba chữ số".
Ngoài ra còn có cổ phiếu đầu ngành hóa chất DGC của Đức Giang, hai đại diện tiêu biểu của ngành cảng biển, vận tải biển là HAH (Xếp dỡ Hải An) và GMD (Gemadept)… cũng đang trên đà phục hồi tương đối tốt.
Riêng về nhóm ngành dầu khí, Giám đốc kinh doanh CTCP Chứng khoán SSI lưu ý, giá dầu neo cao như hiện nay sẽ dẫn đến các cổ phiếu đầu ngành được hưởng lợi như BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), PVD (Dịch vụ khoan dầu khí), PVS (Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam), GAS (Tổng công ty Khí)…, song nhà đầu tư phải rất nhanh nhạy khi đầu tư nhóm này, bởi giá dầu biến động cực nhanh khi nhu cầu tiêu thụ lại phụ thuộc vào tình hình căng thẳng trên thế giới.
Hải Giang