Theo quan sát, cùng với nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhóm ngân hàng chính là một trong những lực cản lớn của thị trường trên con đường chinh phục ngưỡng điểm quan trọng 1.300 điểm.
Nhiều yếu tố tác động
Thống kê của VinaCapital, trong quý I, tính chung nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng tới 19,5%. Tuy nhiên, đến quý II, nhóm này lại giảm 6,8%, dẫn đến mức tăng đến cuối quý so với đầu năm chỉ đạt được 11,4%, cao hơn một chút so với chỉ số VN-Index.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch kém tích cực trong quý II. |
Theo lý giải ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư, Nhà điều hành quỹ của VinaCapital, thời điểm đầu năm, thị trường kỳ vọng ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tỷ lệ nợ xấu lập đỉnh nên cổ phiếu diễn biến tốt. Kết quả kinh doanh trong quý IV/2023 cũng cho thấy nợ xấu và chi phí tín dụng đều giảm.
Thế nhưng, đến đầu quý II/2024, khi mà báo cáo tài chính quý I/2024 được công bố thì tỷ lệ nợ xấu, chi phí tín dụng đã tăng lại. Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nên cổ phiếu ngành ngân hàng đã diễn biến không tích cực trong quý II.
Mặt khác, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2024 của Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý II/2024 có cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét so với quý I/2024 và chưa đạt được như kỳ vọng của tổ chức tín dụng tại kỳ điều tra trước.
Cập nhật trong báo cáo dự báo về các ngành mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, đến ngày 20/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 4,17%, tương đương hơn 565.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với con số 0,26% cuối quý I/2024, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ.
MBS cũng đưa ra nhận định, quý II/2024, nhìn chung lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng có mức tăng trưởng không cao, thậm chí một số ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm do cùng kỳ năm ngoái ở mức cao. Lợi nhuận ngành ngân hàng được MBS dự báo tăng trưởng ở mức 12%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là biên lãi ròng tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay giảm thêm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, trong khi lãi suất huy động tăng nhẹ ở hầu hết ngân hàng.
BIDV (BID) cho biết, ngân hàng có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5- 2,5% so với khách hàng thông thường, để thúc đẩy tăng trưởng. Trong gần 6 tháng đầu năm, BIDV giảm lợi nhuận 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng… Đó cũng chính là các yếu tố tác động lên lợi nhuận của nhà băng này trong quý II/2024.
Vẫn còn hấp dẫn vào cuối năm?
Dù vậy, MBS vẫn đưa ra nhận định tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn cuối năm. Công ty chứng khoán này kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và cải thiện đầu tư (cả khu vực tư nhân và nhà nước). GDP năm 2024 dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với năm 2022 là 7,9% nhưng cao so với mục tiêu của Chính phủ là 6,5%.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng năm nay kỳ vọng sẽ đạt mức tăng 14%. Trong đó, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô dự kiến sẽ có nhu cầu cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức cao trong thời gian còn lại của năm nhờ việc giảm lãi suất cho vay để thu hút tín dụng. Đồng thời, chất lượng tài sản của các ngân hàng được nâng nên nhờ việc trích lập dự phòng trong các quý tiếp theo khi tín dụng tăng trưởng nhanh.
Còn Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế sẽ hoàn thành mục tiêu tăng 15% dựa trên nhiều kỳ vọng như tiếp tục triển khai chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế hồi phục. Cùng với đó, động lực tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024 kỳ vọng được đóng góp nhiều hơn từ phân khúc khách hàng cá nhân, thị trường bất động sản tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.
Dù vậy KBSV vẫn đưa ra lưu ý với chất lượng tài sản của toàn ngành khi kinh tế vẫn cần thêm thời gian hồi phục, cũng như các chính sách cần thêm thời gian để phát huy hết vai trò. Tuy nhiên, tình hình nợ xấu sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023 nhờ Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ được gia hạn đến hết năm 2024, chính sách hỗ trợ của các ngân hàng thông qua lãi suất, tháo gỡ những vấn đề pháp lý để các doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh - sản xuất.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm trong quý I tác động trực tiếp đến thu lãi thuần, các nguồn thu ngoài lãi cũng chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi, chất lượng tài sản suy giảm nhẹ. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu khởi sắc trong những tháng cuối của quý II khi tín dụng tăng trưởng tốt hơn, các chỉ số vĩ mô có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực.
“Trong nửa cuối năm 2024, chất lượng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tốt hơn nhờ kỳ vọng tăng trưởng cả năm đạt 15%, NIM tiếp tục được cải thiện; nợ xấu có chuyển biến tích cực hơn”, KBSV kỳ vọng.
Mặt khác, xét về định giá, theo các chuyên gia, sau khi có một nhịp tăng mạnh trong quý I đưa chỉ số giá trên giá trị sổ sách (P/B) ngành ngân hàng tăng lên mức 1,7 lần, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã có nhịp điều chỉnh tương đối, đưa P/B ngành quay trở lại mức 1,47 lần ở hiện tại – thấp so với mức trung bình 5 năm là 1,7 lần.
Do đó, về triển vọng dài hạn, ngành ngân hàng xứng đáng có mức định giá tốt hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các cổ phiếu có thể sẽ có nhịp điều chỉnh nếu kết quả kinh doanh quý II và quý III chưa thực sự khởi sắc. Mặc dù vậy, các chuyên gia khuyến nghị, hiện tại đang là thời điểm thích hợp để mua vào những cổ phiếu tiềm năng cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
Hải Giang